Trẻ em Afghanistan: Đến trường vẫn là ước mơ xa vời

GD&TĐ - Hàng loạt hộ gia đình tại Afghanistan đang phải sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Không ít phụ huynh quyết định cho con mình ngừng việc học để có thể lao động hỗ trợ gia đình.

42% dân số Afghanistan là trẻ em dưới 14 tuổi
42% dân số Afghanistan là trẻ em dưới 14 tuổi

Nghỉ học vì chiến tranh

Những cuộc đụng độ dai dẳng tại Afghanistan mang lại tác động tiêu cực tới đời sống của người dân. Không ít em nhỏ phải sống trong hoàn cảnh nghèo đói và không được đến trường. Sabir (11 tuổi) là một trong số đó. Cậu phải rời nhà để bán trái cây sấy khô trên đường phố của thủ đô Kabul. Tương tự Sabir, Niyamathullah (9 tuổi) thường xuyên phải lang thang ở công viên để tìm việc làm.

Hầu hết trẻ em tại Afghanistan đều phải sống trong những tháng ngày tăm tối. Cuộc xung đột tại đất nước này đã bước sang năm thứ 18. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, mọi trẻ nhỏ ở Afghanistan chỉ biết đến chiến tranh thay vì học tập.

“Ở mảnh đất Afghanistan, hòa bình giống như một giấc mơ đối với chúng em vậy”, Mohammad Mobin, một học sinh trung học 17 tuổi sống tại Kabul chia sẻ. Nam sinh này cũng nhận định, Afghanistan chỉ có thể phát triển nếu người dân được sống trong hòa bình.

Sau vụ khủng bố ngày 11/9 do al-Qaeda thực hiện khiến gần 3.000 người Mỹ thiệt mạng, ngày 7/10/2001, Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích vào Afghanistan. Kể từ khi Taliban từ chối giao nộp thủ lĩnh al-Qaeda, Osama bin Laden, cuộc xung đột tại Afghanistan kéo dài tới tận ngày nay và trở thành cuộc chiến dài nhất trong lịch sử của Mỹ.

Tuy nhiên, bạo lực ngày càng trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây, khiến các em nhỏ không được hưởng một cuộc sống mà lẽ ra nên được hưởng . “Kể từ khi chào đời tới nay, chúng tôi phải sống trong cảnh không biết tới hòa bình. Thay vào đó, cuộc sống chỉ xoay quanh chiến đấu và xung đột”, Sayed Ibrahim, một sinh viên y khoa 18 tuổi ở Kabul chia sẻ.

Mới đây, một báo cáo được Liên Hợp Quốc công bố cho thấy, từ năm 2015 - 2018, các chuyên gia nghiên cứu về hoàn cảnh khó khăn của trẻ em Afghanistan đã ghi nhận hơn 14.000 trường hợp bị vi phạm quyền nghiêm trọng trên khắp đất nước. Con số này được cho là dấu hiệu đáng báo động khi nó lớn hơn nhiều lần so với số liệu của 4 năm trước.

“Hãy tưởng tượng rằng, bạn bước sang tuổi 18 mà không hề biết gì ngoài xung đột và chiến tranh trong suốt thời thơ ấu và cả những năm đầu đời. Cuộc sống ở Afghanistan có nghĩa là bạn phải sống trong nỗi sợ hãi mỗi ngày bởi các vụ nổ, bạn phải bỏ học vì trường học trở thành nơi không hề an toàn và bạn sẽ thường xuyên lo lắng khi không biết liệu cha mẹ hoặc anh chị em của mình có thể sống sót để trở về nhà hay không”, ông Onno van Manen, Giám đốc của Tổ chức Cứu trẻ em tại Afghanistan nhấn mạnh.

Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), số vụ tấn công nhằm vào trường học tại Afghanistan đã tăng gấp 3 lần so với năm 2017. Đến cuối năm 2018, có tới hơn 1.000 cơ sở GD nước này buộc phải đóng cửa do xung đột. “Em không thể đến trường vì gia đình em vô cùng khó khăn. Bởi vậy, em phải kiếm tiền để giúp đỡ cha mẹ. Chúng em cần được đến trường và được sống trong môi trường GD an toàn, lành mạnh. Chúng em có thể chấm dứt chiến tranh thông qua GD”, Sabir, cậu bé 11 tuổi đến từ tỉnh Ghazni để tới Kabul bán đậu phộng, hạt hướng dương và trái cây sấy khô chia sẻ.

Mong ước được đến trường

Kể từ năm 2001, người ta ghi nhận một số cải thiện nhất định cho cuộc sống của người trẻ tuổi Afghanistan, đặc biệt là những phụ nữ và trẻ em gái từng bị Taliban cấm đến trường. Tại thủ đô Kabul và các trung tâm đô thị khác, không ít cơ sở GD và cả các trường đại học cũng được xây dựng và phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt là thế hệ trẻ em ngày nay không phải chịu đựng sự cai trị của Taliban.

Tuy nhiên, nền kinh tế tại quốc gia này vẫn chưa phát triển, khiến hàng loạt hộ gia đình phải sống trong cảnh nghèo đói. Bởi lý do này, thay vì cho con cái đến trường, không ít cha mẹ quyết định cho con em mình đi làm thêm ở những con phố đầy rẫy nguy hiểm để có thể hỗ trợ gia đình.

Bên cạnh đó, thế hệ thanh niên tại Afghanistan hầu như đều thất nghiệp vì số lượng công việc vô cùng khan hiếm. Cũng bởi không có nhiều sự lựa chọn, thế hệ trẻ của nước này đã quyết định di cư, hoặc tham gia Taliban cũng như các nhóm nổi dậy khác để có được một khoản tiền cố định.

Mới đây, các phóng viên của hãng tin AFP đã có chuyến thăm tới một trong những công viên đông đúc nhất nằm tại trung tâm của thủ đô Kabul và đã bắt gặp không ít thanh thiếu niên đang tìm việc tại đây. Chia sẻ với truyền thông, cậu bé Niyamathullah (9 tuổi) khẳng định sẽ làm bất cứ việc gì để có thể kiếm sống, kể cả bán kẹo cao su, rửa xe hay chạy việc vặt.

Cậu thiếu niên 13 tuổi có tên Hameedullah cũng cho biết, đáng lẽ cậu phải đến trường khi đang ở độ tuổi đi học, nhưng cậu cũng cần có trách nhiệm lao động để phụ giúp cha mẹ. “Afghanistan vẫn chưa có hòa bình. Cuộc chiến vẫn tiếp diễn, còn thế hệ như chúng em thì không có công ăn việc làm. Em muốn được đến trường và được học tập như những bạn đồng trang lứa ở các quốc gia khác. Em mong muốn sẽ được lao động để cống hiến cho đất nước”, Hameedullah bày tỏ.

Theo thống kê của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, trẻ em ở độ tuổi dưới 14 của Afghanistan chiếm khoảng 42% dân số nước này. Ngoài ra, UNICEF cũng cho biết, có tới hơn 3,7 triệu trẻ em Afghanistan không được đến trường. Tuy nhiên, phần lớn trong số này đều là trẻ em gái.

Mỹ và Taliban đã có khoảng thời gian dài đàm phán hòa bình nhằm đưa ra một thỏa thuận cuối cùng. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố hủy đàm phán sau khi Taliban nhận trách nhiệm gây ra vụ đánh bom tại thủ đô Kabul khiến 12 người thiệt mạng và hơn 40 người bị thương.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.