Pakistan: Tranh cãi đổi mới giáo dục đại học

GD&TĐ - Đầu tháng 3, Ủy ban Giáo dục Đại học Pakistan (HEC) đã ban hành chính sách thay đổi hệ thống đào tạo giáo dục đại học quốc gia.

Trường Đại học Khoa học Quản lý Lahore, Pakistan.
Trường Đại học Khoa học Quản lý Lahore, Pakistan.

Tuy nhiên, quy định mới đã vấp phải sự phản đối từ phía lãnh đạo các trường đại học tư thục, công lập trên cả nước.

Nhằm giúp sinh viên phát triển kỹ năng viết, HEC yêu cầu các trường mở khóa học Nghiên cứu định lượng, Thực hành viết báo cáo. Sinh viên phải tham gia các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường như dự án khởi nghiệp, câu lạc bộ thanh niên hoặc thể thao.

Chương trình giáo dục đại cương sẽ có hai môn mới là Nghiên cứu Pakistan và Nghiên cứu Tôn giáo.

Ủy ban Giáo dục Đại học sẽ chia bằng đại học thành năm nhóm mới. Nhóm đầu tiên là bằng cử nhân Nghệ thuật và Khoa học với chương trình học bốn năm. Nhóm thứ hai là bằng đại học hệ bốn năm gồm cử nhân Kỹ thuật, cử nhân Phẫu thuật Nha khoa, Nghiên cứu Điều dưỡng.

Bằng đại học hệ năm năm gồm cử nhân Kiến trúc, Y học và Phẫu thuật, Khoa học, Luật, bằng Tiến sĩ Thú y, Dược. Nhóm thứ tư là bằng đại học Nông nghiệp, Kinh doanh, Khoa học máy tính và nhóm cuối cùng là bằng cao đẳng hệ hai năm.

Để đủ điều kiện nhận bằng cử nhân, sinh viên phải hoàn thành ít nhất 120 tín chỉ. Với mỗi môn học gồm 3 tín chỉ, sinh viên phải hoàn thành ít nhất 40 môn trong bốn năm. Trong đó, sinh viên hệ bốn năm phải học 39 tín chỉ tương ứng với 13 môn đại cương trong bốn học kỳ đầu tiên tại trường đại học.

Nếu bị trượt bất kỳ môn đại cương nào trong bốn kỳ đầu, sinh viên sẽ không được học kỳ thứ năm, đồng nghĩa không được học môn chuyên ngành. Do vậy, để sinh viên không bị tụt lại phía sau, các em sẽ được phân cố vấn học tập trước năm học.

Ngoài ra, các trường đại học sẽ tổ chức chương trình thực tập dưới dạng tự nguyện thay vì bắt buộc cho sinh viên năm 4, 5. Khi thực tập, sinh viên được khuyến khích tham gia các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, cơ quan địa phương, doanh nghiệp kinh doanh hoặc tổ chức giáo dục. Giảng viên không được phép chấm điểm hoặc sử dụng điểm thực tập để đánh giá kết quả học tập của các em. 

Mỗi trường phải xây dựng phòng sinh hoạt để tổ chức các buổi làm việc nhóm, hội thảo, sự kiện gây quỹ, sự kiện khởi nghiệp hoặc chương trình tuyên truyền. Sau khi tham khảo ý kiến và được sự chấp thuận của các cơ quan liên quan, những thay đổi này sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy từ tháng 6/2021.

Tuy nhiên, Hiệp hội các trường đại học tư thục (APSUP) phản đối chính sách trên với đánh giá HEC đã làm việc quá vội vàng. APSUP khuyến nghị tất cả các trường, cơ quan liên quan nên được tham gia quá trình thảo luận, thử nghiệm và ra quyết định chính sách.

Đại diện APSUP cho biết: “Chính sách này chưa được thử nghiệm thí điểm. Giảng viên bậc đại học, cao học tại các trường cũng chưa được tham gia đào tạo. Và thay vì thực hiện theo từng giai đoạn, các chính sách được đưa vào chương trình trong cùng một năm học”.

Bên cạnh đó, APSUP cho rằng với cơ sở hạ tầng như hiện nay, hầu hết các trường không có phòng sinh hoạt đủ lớn và đủ trang thiết bị để tổ chức chương trình ngoại khóa.

Trong khi Tiến sĩ Muhammad Ali Shah, Trưởng ban quản lý các trường đại học công lập Pakistan, phản đối việc không chấm điểm thực tập của sinh viên.

“Nếu không đánh giá qua điểm, sinh viên có thể bàng quan với việc thực tập. Từ đó, các em sẽ không thu nạp được những kinh nghiệm cần có trong công việc tương lai”, ông Shah nhận xét.

Theo Tribune Pakistan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ