Israel: Cải cách nhằm thu hút người học quốc tế

Israel: Cải cách nhằm thu hút người học quốc tế

Cải cách giáo dục

Cũng theo cải cách này, hàng chục khóa học tiếng Anh mới sẽ được triển khai tại các tổ chức GDĐH và CĐ của Israel. Ngoài ra, kể từ năm học 2021 - 2022, tất cả SV bậc ĐH nước này sẽ bắt buộc phải tham gia ít nhất 2 khóa học bằng tiếng Anh.

Để thực hiện cải cách, trong 5 năm tới, tất cả các trường CĐ, ĐH tại Israel sẽ áp dụng phương pháp nghiên cứu và đánh giá trình độ tiếng Anh của người học thông qua 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc - hiểu và viết. Cách tiếp cận này được dựa trên Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của châu Âu (CEFR).

Phát biểu với truyền thông, Giáo sư Ido Perlman - Phó Chủ tịch của CHE và là chủ nhân của sáng kiến này, cho biết: “Hội đồng GDĐH coi việc học tiếng Anh là rất quan trọng đối với các mục đích học thuật và quốc tế, như là một phần của việc cung cấp đủ công cụ và kiến thức cho SV trong thời gian nghiên cứu học thuật, cũng như để họ hội nhập tối ưu vào thị trường việc làm trong nước và quốc tế sau khi hoàn thành nghiên cứu”.

Các khóa học mà SV tham gia sẽ được xác định dựa theo trình độ tiếng Anh của họ tại thời điểm bắt đầu theo học tại trường. Theo CHE, SV sẽ có thể phải tham gia các chương trình như: Các khóa học dự bị cho việc học ngôn ngữ, các khóa học nội dung trong môn học của SV, môn tự chọn, các khóa học thêm, các khóa học tiếng Anh tại tổ chức GD mà SV theo học.

Thu hút nhiều SV quốc tế

Ngoài việc nâng cao trình độ tiếng Anh của SV Israel, sáng kiến mới cũng nhằm thu hút nhiều người học quốc tế hơn. Đây là một phần trong nỗ lực tăng gấp đôi số lượng SV nước ngoài theo học bậc GDĐH Israel theo chương trình “Học tập tại Israel”. Cải cách sẽ cho phép các tổ chức học thuật tại nước này thực hiện những chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, quy tụ SV từ khắp nơi trên thế giới.

Tính tới năm 2022, CHE sẽ phân bổ 126 triệu USD, với mong muốn tăng số lượng SV quốc tế. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ SV quốc tế tại Israel hiện chỉ chiếm 1,4% trong tổng số người học. Trong khi đó, mức trung bình ở các nước thành viên OECD là 6%.

Do vậy, sáng kiến mới cũng đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ SV quốc tế từ 3% trong năm 2017 lên 6% vào năm 2022, tức tăng gấp đôi từ 11.000 lên 24.000. Trong đó, trọng tâm ban đầu sẽ là thu hút người học đến từ các khu vực như Bắc Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như người Do Thái.

Tuy nhiên, một trở ngại lớn trong việc tuyển người học nước ngoài tới Israel là tình hình an ninh tại nước này và một số hạn chế về thị thực hay giấy phép lao động.

Năm ngoái, một số thành viên cấp cao của CHE đã có chuyến thăm tới các tổ chức ở Mỹ, nhằm thu hút sự quan tâm của họ đến các kế hoạch tăng số lượng SV quốc tế tại các trường ĐH Israel.

Bên cạnh đó, CHE cũng truyền tải thông điệp rằng, các tổ chức GDĐH của Israel đang chuẩn bị để phục vụ nhiều SV nước ngoài hơn, bằng cách thiết lập các chương trình bằng tiếng Anh và cung cấp các mẫu đăng ký bằng tiếng Anh.

Theo tờ Times of Israel, việc thu hút nhiều SV quốc tế được coi là động thái quan trọng trong việc khiến các tổ chức GD tại Israel có khả năng cạnh tranh với các trường ĐH quốc tế, cũng như củng cố danh tiếng của đất nước về khả năng xuất sắc trong học tập.

Giáo sư Yaffa Zilbershats, Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách của CHE, cho hay, ý tưởng mới ở đây là tạo ra “sự quốc tế hóa tại nhà”, cho phép SV trong nước trải nghiệm nhiều nền văn hóa và cách suy nghĩ khác nhau. Tuy nhiên, CHE cũng bày tỏ hy vọng sáng kiến này sẽ hoạt động với tư cách là một hình thức ngoại giao, thắt chặt mối quan hệ ngoại giao, xã hội và kinh tế với các quốc gia khác.

Những cải cách trong việc đào tạo ngôn ngữ tiếng Anh được đưa ra sau khi báo cáo của Phòng Đánh giá chất lượng CHE đưa ra những ý kiến về việc, các nhà lãnh đạo nước này nên xem xét cải thiện chất lượng học thuật trong GDĐH.

Theo CHE, các chuyên gia đều nhất trí rằng, người học cần phải thành thạo các kỹ năng tiếng Anh để hiểu những tài liệu cơ bản trong các khóa học - yếu tố cần thiết trong nghiên cứu học thuật. Ngoài ra, khả năng ngôn ngữ tốt cũng tạo điều kiện cho SV hòa nhập vào lực lượng lao động.

Sáng kiến đã được phối hợp với Bộ GD Israel, nhằm bảo đảm rằng, người học tại nước này sẽ được chuẩn bị kỹ năng để bước vào các tổ chức GDĐH, CĐ. Bộ GD Israel đã cam kết sẽ áp dụng khung CEFR, trong cả nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Anh và các kỳ thi tuyển sinh.

Theo các nhà lãnh đạo, CHE và Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách sẽ hỗ trợ các tổ chức học thuật chuẩn bị cho sáng kiến này và đề nghị thiết lập các hệ thống để đào tạo giảng viên tiếng Anh có đủ trình độ trong việc dạy 4 kỹ năng cần thiết theo CEFR.

Để bảo đảm tất cả SV thành công trong chương trình mới này, CHE cũng đề nghị các tổ chức GDĐH thiết lập những hệ thống tổ chức, nhằm xác định và hỗ trợ những người học gặp khó khăn với việc học tiếng Anh.

 Theo sáng kiến mới, mục tiêu của động thái tăng cường quốc tế hóa trong GDĐH là tăng số lượng người học quốc tế từ 1.933 người trong năm 2017 lên 2.500 người vào năm 2022, SV thạc sĩ quốc tế từ 1.462 lên 3.000, SV tiến sĩ quốc tế từ 791 lên 1.265 và SV nghiên cứu sau tiến sĩ từ 1.043 lên 2.300. Hiện nay, hầu hết SV quốc tế trên thế giới đang theo học các chương trình ngắn hạn như khóa học hè hoặc một học kỳ.

Theo UniversityWorld News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ