Biến trường học thành ốc đảo xanh

GD&TĐ - Trong hơn 30 năm làm việc không mệt mỏi, Alok Tripathi - Hiệu trưởng một ngôi trường làng ở bang Madhya Pradesh (Ấn Độ) đã biến khu đất khô cằn của trường thành một ốc đảo xanh tươi.

Thầy Hiệu trưởng Alok Tripathi.
Thầy Hiệu trưởng Alok Tripathi.

Mặc dù, gặp rất nhiều trở ngại nhưng ông không hề nản lòng, miệt mài phủ màu xanh trên vùng đất khô cằn để HS có không gian thoáng mát học tập và vui chơi.

Vạn sự khởi đầu nan

Trong năm vừa qua, thầy giáo Alok Tripathi ở huyện Satna, bang Madhya Pradesh đã gặp nhiều khó khăn khi xin giấy thông hành để được đi lại trong lúc địa phương đang bị phong tỏa vì dịch bệnh Covid - 19. Trường của ông đóng cửa, không có lớp học nào để dạy, ông cũng không trong trường hợp cấp cứu y tế để được cho phép. Tuy nhiên, khi nghe ông trình bày, các nhà chức trách cũng thông cảm và nhượng bộ.

Thì ra, lý do mà Alok xin được đi ra ngoài là để tưới cây ở ngôi trường THCS công lập, nơi ông làm hiệu trưởng. Nếu không được chăm sóc, tưới nước, những cây mà ông đã dày công nuôi dưỡng, chăm sóc cẩn thận trong nhiều năm qua có nguy cơ héo tàn. Trong hơn 30 năm qua, ông đã làm việc không mệt mỏi để biến khu đất khô cằn, rộng 14.000 m2 của ngôi trường thành một ốc đảo xanh tươi. 

Thật hiếm thấy một GV đã dành nhiều năm của cuộc đời mình cho mục tiêu vì một môi trường xanh. Mặc dù gặp rất nhiều trở ngại nhưng ông không hề nản lòng, nhất định phủ màu xanh trên vùng đất khô cằn để HS có không gian thoáng mát học tập và vui chơi.

Ông kể: “Tôi bắt đầu nhận việc ở trường này vào đầu những năm 1980. Trong một chuyến tham quan do trường tổ chức, tôi cùng các đồng nghiệp được đến thăm đồn điền của một tổ chức phi chính phủ. Người đứng đầu ở đây say sưa chia sẻ với chúng tôi về mục đích của ông nhằm tăng độ phủ xanh trong khu vực. Tôi chưa bao giờ thấy ai nhiệt tình như vậy và đã được truyền cảm hứng từ ông. Kể từ đó, trồng cây phủ xanh đất hoang hóa là ước mơ cả đời của tôi”.

Từ khuôn viên trường học khô cằn (trên), thầy Hiệu trưởng Tripathi đã biến nó thành một ốc đảo xanh tươi.
Từ khuôn viên trường học khô cằn (trên), thầy Hiệu trưởng Tripathi đã biến nó thành một ốc đảo xanh tươi.

Năm 1986, Alok lần đầu tiên trồng 5 cây con. Hai ngày sau, ông ra thăm thì ai đó đã đánh cắp chúng, khiến ông vô cùng thất vọng. Lúc đó, trường không có ranh giới, cây cũng không được rào bảo vệ. Trâu bò mặc sức xâm nhập, chúng lang thang trong khuôn viên trường và giẫm nát những cây non mới trồng.

Sau khi thất bại về kế hoạch xây dựng vườn cây, Alok đã đưa vấn đề này lên chính quyền địa phương và thuyết phục họ cho xây một hàng rào bao quanh trường. Ông nói: “Ngay cả một việc cơ bản như thế này cũng phải mất nhiều năm mới xây dựng xong. Khi hàng rào bao quanh trường đã hình thành, tôi bắt đầu trồng cây lại, nhưng cũng gặp phải kết quả tương tự. Kẻ gian lại leo rào vào nhổ hết”.

Ông làm rào bảo vệ cây từ tre nhưng cũng bị dỡ và cây lại bị mất cắp. Alok không thể hiểu tại sao người ta lấy trộm cây để làm gì, tệ hơn nữa là làm hỏng những nỗ lực của nhà trường trong việc phủ xanh đất trống. Tuy nhiên, ông vẫn không nản lòng, tiếp tục thực hiện kế hoạch của mình. Cây nào bị nhổ trộm, ông lại mang cây khác ra trồng thay vào. 

Dân làng trồng cây ở trường để tưởng nhớ người thân đã khuất.
Dân làng trồng cây ở trường để tưởng nhớ người thân đã khuất.

Ý tưởng mới mang lại hiệu quả

Cho đến năm 2000, Alok nghĩ ra cách tiếp cận khác. Ông thuyết phục Rakesh, một người có uy tín trong làng cùng tham gia công việc này. Rakesh đã tặng trường 27 cây con để trồng nhằm tưởng nhớ người cha quá cố của mình. 
Alok kể về chiến thuật mới của ông: “Chúng tôi gắn một mẩu giấy nhỏ lên những cây non, với nội dung: Cây được trồng để tưởng nhớ các linh hồn đã khuất. Điều này đã mang lại hiệu quả, không còn vụ trộm nào. Tôi đã lan truyền trong làng điều này và một số dân làng đã mang đến tặng cây con để trồng tưởng nhớ người thân quá cố của họ”.

Mỗi cây được rào bảo vệ kỹ càng cho đến khi nó phát triển mạnh và mỗi rào như vậy có giá lên đến 1.500 Rs (khoảng 480 nghìn đồng). Toàn bộ chi phí do Alok và GV trong trường đóng góp. Việc chăm sóc cây cũng có sự tham gia của HS. Một người bạn của ông đã tặng trường một bồn dung tích 1.000 lít để chứa nước tưới cây.

Nhìn thấy cây cối phát triển mạnh trong khuôn viên và lũ trẻ quan tâm chăm sóc chúng, Alok nói rằng, ước mơ của cuộc đời ông cuối cùng cũng thành hiện thực. “Khi nhìn thấy HS lớp I đổ đầy can nước 2 lít giúp tôi tưới cây, tôi cảm thấy rất vui. Tôi yên tâm rằng, ngay cả sau khi tôi nghỉ hưu, khuôn viên trường vẫn sẽ luôn xanh tốt”, ông nói.

Bên cạnh “sứ mệnh xanh” của mình, thầy Hiệu trưởng Alok Tripathi còn được dân làng khen ngợi với nỗ lực đưa 30 trẻ em từ các gia đình sống rày đây mai đó vào trường. Chúng không có danh tính hoặc giấy tờ gì do chính phủ cấp, vì vậy Alok đã giúp chúng làm khai sinh để được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Do những hành động cao cả này, ông đã được trao Bộ Giáo dục bang Madhya Pradesh trao tặng Giải thưởng Nhà giáo Xuất sắc năm 2017. 

Theo Thebetterindia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...