Bằng đại học có bảo đảm thành công và thoát nghèo?

GD&TĐ - Hiện nay, thật khó trả lời câu hỏi: Học vấn đại học có bảo đảm thành công hay không?

Sinh viên Ukraine ngày nay.
Sinh viên Ukraine ngày nay.

Các công trình nghiên cứu khoa học ở Ukraine trong hơn 20 năm qua đã chứng minh tác động rõ rệt của trình độ học vấn nói chung đối với cơ hội thoát nghèo của mọi người. Nhưng trong những năm gần đây, kết quả có nhiều thay đổi. TS Ludmila Cherenko, cán bộ Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Ukraine có những chia sẻ về vấn đề này.

Đi tìm nguyên nhân

Thật vậy, người có trình độ đại học không những có khả năng cải thiện điều kiện sống của mình, mà còn có thể “kéo” gia đình mình thoát khỏi đói nghèo. Và càng có nhiều thành viên trong gia đình có trình độ ĐH thì nguy cơ nghèo đói càng thấp. Ít nhất, điều này được chứng minh bởi công trình nghiên cứu về các vấn đề nghèo đói và cơ hội của trẻ em do Viện Nhân khẩu học và Nghiên cứu xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Ukraine và Trung tâm Cải cách xã hội Ukraine cùng với UNICEF thực hiện.

Nó dựa trên các số liệu thống kê chính thức. Nghĩa là, một hộ gia đình có người tốt nghiệp ĐH, cơ hội thoát nghèo cao hơn 1,5 lần so với hộ không có người như vậy. 
Vì vậy câu trả lời đã trở nên rõ ràng: Học vấn giúp giảm nghèo. Nhưng tại sao hiện nay một người lao động có học vấn không được bảo hiểm hoàn toàn khỏi sự nghèo đói? Tại sao các nghề quan trọng về mặt xã hội đòi hỏi trình độ ĐH (GV, bác sĩ) lại được trả lương thấp như vậy? Và tại sao bằng cấp rốt cuộc không bảo đảm một công việc được trả lương cao?

Để trả lời các câu hỏi này, chúng ta hãy tìm hiểu một số nguyên nhân sau.

Nguyên nhân thứ nhất: Mức lương tối thiểu trong nước thấp. Mô hình sức lao động rẻ dẫn đến một thực tế là công việc không bảo đảm thoát nghèo. Nếu như ở các nước phát triển, chỉ những người lao động trình độ chuyên môn thấp mới không được bảo đảm thoát nghèo thì ở Ukraine, điều này liên quan tới đại diện của tất cả các ngành nghề, kể cả những ngành nghề bắt buộc phải có trình độ đại học.

Nếu lương chỉ cao hơn một chút so với ngưỡng nghèo và người lao động có ít nhất một người phụ thuộc, gia đình đó sẽ tự động rơi vào vùng nghèo. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở các gia đình trẻ có con nhỏ, nơi lương của bố mẹ quá thấp do không có thâm niên công tác và trình độ chuyên môn. Và nhiều bố mẹ có bằng tốt nghiệp ĐH cũng không cứu vãn được tình hình kinh tế gia đình thấp. Tất nhiên, số lượng việc làm được trả lương cao trong số các ngành nghề hiện nay đang ngày càng tăng. Nhưng điều đó không thay đổi căn bản bức tranh tổng thể.

Nguyên nhân thứ hai: Những người lao động có học vấn thiếu năng lực cạnh tranh. Ở đây có hai vấn đề liên quan với nhau. Thứ nhất là xã hội nhiều năm liền coi trọng nhu cầu bằng cấp hơn nhu cầu kiến ​​thức. Thứ hai là hệ thống giáo dục dưới ảnh hưởng của nhu cầu xã hội, bắt đầu giảm chất lượng kiến ​​thức và tăng số lượng những người có bằng cấp.

Vào những năm 1990 và thập niên đầu của thế kỷ XXI, thế hệ các bậc bố mẹ còn nhớ giá trị bằng cấp của thời Xô viết đã cố gắng bằng mọi cách cho con cái học ĐH. Họ biết bằng cấp là cần thiết, nhưng không phải lúc nào cũng hiểu trong môi trường cạnh tranh, kiến ​​thức và kỹ năng có giá trị hơn. Vì vậy, các thế hệ này đã hình thành nên nhu cầu của xã hội về bằng cấp ĐH, điều này tự động làm giảm đi vị thế của kiến ​​thức, dành cho nó vai trò thứ yếu.
Về phần mình, các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng nhu cầu của xã hội bằng cách tạo ra nhiều cơ hội lấy bằng cấp, đồng thời giảm thiểu trình độ kiến thức của SV và  cán bộ chuyên môn. Vì vậy năng lực cạnh tranh của họ trên thị trường lao động hiện nay thấp là điều đương nhiên. Ngoài ra, thị trường đã bão hòa về đội ngũ cán bộ chuyên môn các ngành nghề vốn từ lâu được coi là có triển vọng và được trọng dụng trong xã hội.

Kiến thức và kỹ năng quyết định

TS Ludmila Cherenko.
TS Ludmila Cherenko.

Hiện nay xảy ra tình trạng, nhiều người tìm được công việc yêu thích có thu nhập cao nhờ sự bảo trợ, hoặc nhờ có những kiến ​​thức và kỹ năng cần thiết, chứ không phải do tốt nghiệp một trường ĐH danh tiếng. Đã hình thành nên một nhóm riêng biệt gồm những người rất năng động, vào bất kỳ thời điểm nào và trong bất kỳ lĩnh vực nào, họ cũng đều gặt hái được thành công, không quan trọng họ tốt nghiệp trường nào và ở đâu. Trong khi đó, một bộ phận SV tốt nghiệp khác vẫn không được sử dụng trong các lĩnh vực của thị trường lao động mà họ đang hướng tới.

Một nguyên nhân rất quan trọng là sự bão hòa đội ngũ lao động có trình độ ĐH trên thị trường lao động. Nếu theo điều tra dân số năm 1989 của Ukraine, tỷ lệ người có trình độ ĐH trong nhóm dân số từ 25 tuổi trở lên chiếm khoảng 12,5% thì đến năm 2019, tỷ lệ những người có bằng cử nhân và thạc sĩ trong độ tuổi này đạt 30%. Bất chấp những thay đổi đã diễn ra trong nền kinh tế thời kỳ này, thị trường lao động vẫn không cần số lượng cán bộ chuyên môn có trình độ ĐH như vậy. Thay vào đó, đội ngũ công nhân có tay nghề ngày càng thiếu. Sự bất cập này dẫn đến tình trạng nghề công nhân có thể bảo đảm thu nhập cao hơn bằng tốt nghiệp một trường ĐH danh tiếng.

Nhiều trường đại học  sẽ biến mất

Vậy vấn đề đặt ra, học vấn ĐH giúp thoát nghèo như thế nào? Các nghiên cứu cho thấy, những người có trình độ ĐH có thu nhập cao hơn ngay cả khi họ không làm việc đúng chuyên môn đào tạo. Và ở đây, chúng ta có thể nói về ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau.

Thứ nhất, bất kỳ học vấn ĐH nào cũng tác động tích cực đến sự hình thành nhân cách. Cùng với các kiến ​​thức mới, năng lực tư duy ngày càng mở rộng giúp con người thích nghi tốt hơn với môi trường luôn thay đổi. Trải nghiệm này trở nên đặc biệt có giá trị trong các giai đoạn xã hội chuyển đổi, khi các ngành nghề và lĩnh vực hoạt động mới xuất hiện, và các cơ hội mới được mở ra.

Thứ hai, một số nhà tuyển dụng, theo quán tính, vẫn chú ý đến bằng cấp và trong hai ứng viên như nhau cho một công việc, họ thường chọn người có bằng tốt nghiệp danh giá hơn, hoặc có bằng cấp nói chung.

Thứ ba, thông thường trong số những người có trình độ ĐH, tỷ lệ những người năng động, luôn tìm kiếm cơ hội mới và không chấp nhận thu nhập thấp trong nghề nghiệp của mình cao hơn.

Có thể khẳng định, học vấn dù sao vẫn mở ra cơ hội, tạo điều kiện thành công và giảm nguy cơ đói nghèo.
Vì vậy, cần phải học! Nhưng phải chú ý tới giá trị của kiến ​​thức và trình độ chuyên môn. Nếu nhận thức được điều đó, xã hội sẽ tự động tạo ra nhu cầu mới ​​về kiến thức. Nghĩa là sẽ có nhiều thí sinh thi vào các trường ĐH có thể cung cấp những kiến ​​thức hiện đại và cấp thiết hơn.

Còn nếu điều này không xảy ra, thì chúng ta có thể chứng kiến ​​những thay đổi thực sự trong hệ thống giáo dục. Rốt cuộc, nhu cầu về kiến thức của một bộ phận nào đó trong xã hội tìm kiếm lối thoát! HS và bố mẹ các em sẽ chọn hoặc du học nước ngoài hoặc một loại hình giáo dục hoàn toàn mới có thể cung cấp cho họ những kiến ​​thức cần thiết để dễ tìm kiếm việc làm, ngay cả khi không có bằng tốt nghiệp ĐH. Điều này sẽ dẫn tới sự biến mất của những trường ĐH không đáp ứng được những thách thức mới.

Theo zn.ua

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ