Giảng viên Khoa Quốc tế - ĐHQGHN giành giải thuyết trình xuất sắc tại hội thảo quốc tế

GD&TĐ - Ngày 30-31/7 vừa qua, giảng viên và sinh viên Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tham dự Hội thảo quốc tế về Kế toán và Tài chính lần thứ 2, được tổ chức bởi Viện quản trị Aventis (Aventis School of Management), Singapore.

Giảng viên Khoa Quốc tế - ĐHQGHN giành giải thuyết trình xuất sắc tại hội thảo quốc tế

Tại hội thảo, Th.S. Đỗ Phương Huyền, giảng viên của Khoa, được nhận giải “Người thuyết trình xuất sắc nhất”. Dưới đây là phần phỏng vấn ngắn với người đã mang niềm tự hào về cho Khoa Quốc tế.

PV: Xin cô giới thiệu đôi chút về Hội thảo quốc tế về Kế toán và Tài chính lần thứ 2 được tổ chức tại Singapore cuối tháng 7 vừa qua?

ThS. Đỗ Phương Huyền: Hội thảo quốc tế về Kế toán và Tài chính lần thứ 2 có tên nguyên gốc là 2nd Global Conference on Finance and Accounting, viết tắt là GCFA 2014. Hội thảo được thực hiện bởi Viện quản trị Aventis (Aventis School of Management Pte Ltd), Singapore.

Đây là hội thảo khoa học quốc tế có uy tín với các học giả đến từ nhiều trường đại học lớn trên thế giới như Đại học RMIT (Australia), Đại học St Andrews, Đại học Southern California (Mỹ) ... Các bài được lựa chọn trình bày đều tuân thủ quy trình phản biện kín và thoả mãn đầy đủ chuẩn mực học thuật quốc tế.

Có 34 bài được lựa chọn trên tổng số hàng trăm bài viết được gửi đến. Trong hội thảo lần này tôi được gặp  hai đại diện đến từ Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Lunghwa (Đài Loan), một đối tác của Khoa Quốc tế, đến tham dự và trình bày hai bài nghiên cứu.

PV: Cô đã thuyết trình đề tài gì tại hội thảo vừa qua? Người tham dự hội thảo đánh giá như thế nào về để tài của cô?

ThS. Đỗ Phương Huyền: Đề tài của tôi có tên “Nghiên cứu thực nghiệm về ngang giá quyền chọn trên quyền chọn (SPX) dựa trên chỉ số S&P500 trong gian đoạn cấm bán khống năm 2008” (Empirical Test of put-call parity on the standard and poor’s 500 index options (SPX) over the short ban 2008).

Đề tài đã đưa ra những minh chứng về sự mất cân bằng của “Put call parity” - một trong những điều kiện cân bằng giữa giá của quyền chọn mua và quyền chọn bán. Sự mất cân bằng này đã tạo ra những cơ hội đầu tư mang lại lợi nhuận phi rủi ro. Bài nghiên cứu được thực hiện trên bộ dữ liệu với hơn 16000 cặp biến quan sát. Mô hình kinh tế lượng đã mang lại nhiều kết quả thú vị, đóng góp vào mảng học thuật về tài chính phái sinh.

Nghiên cứu đã chỉ ra, bên cạnh sự xuất hiện của lệnh cấm bán khống vào năm 2008 tại Mỹ, tài chính hành vi cũng là một nguyên nhân tạo ra sự mất cân bằng của “Put call parity”.

Sau phần thuyết trình dài 20 phút, tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi và góp ý từ các học giả. Tôi đặc biệt tâm đắc với góp ý của GS.TS. Malick Sy, giảng viên cao cấp của Đại học RMIT và TS. Kaihong Tee, giảng viên Đại học Loughborough (Vương Quốc Anh). Những đóng góp này có ý nghĩa rất lớn trong việc hoàn thiện đề tài nghiên cứu của tôi.

PV: Được biết sau phần thuyết trình đầy ấn tượng, cô đã được nhận giải “Người thuyết trình xuất sắc nhất”, cảm xúc của cô khi được nhận giải thưởng này?

ThS. Đỗ Phương Huyền: Tôi rất vui và tự hào khi tên mình và Khoa Quốc tế được xướng lên. Có chút bất ngờ vì trước đó, phần trình bày của TS. Kaihong Tee, giảng viên Đại học Loughborough (Vương Quốc Anh) khá thú vị nên tôi nghĩ chắc giải thưởng sẽ thuộc về anh ấy.

Hội đồng khoa học của hội thảo cũng đã nhấn mạnh nội dung bài nghiên cứu chiếm 50% tỷ trọng điểm đánh giá. Sau hội thảo, tôi cũng nhận được rất nhiều lời mời đăng tạp chí khoa học như  Journal of Business and Economics (ISSN 2155-7950) (Mỹ), Business Review and Chinese Business Review (Mỹ) (ISSN 1537-1514, ISSN 1537-1506), Journal of Modern Accounting and Auditing (Mỹ) (ISSN: 1548-6583). Hiện tôi đang hoàn chỉnh bài viết và lựa chọn tạp chí uy tín để công bố nghiên cứu này.

PV: Cô có lời khuyên gì cho những sinh viên đang theo học ngành Kế toán và Tài chính – một ngành học tương đối khó và khô khan?

ThS. Đỗ Phương Huyền: Chỉ cần chút chăm chỉ và đam mê, các bạn đã có thể học tốt các môn học tài chính, kế toán. Một số bạn cứ nghĩ cứ phải học giỏi toán thì mới học tốt các môn học này. Tuy nhiên không phải như vây. Đối với tài chính,  tư duy logic, suy luận và lựa chọn ra quyết định mới là yếu tố then chốt. Với sự hỗ trợ của Internet, rất nhiều các phần mềm, game giả lập được đưa vào giảng dạy nhằm tăng tính thực tế và hấp dẫn của môn học.

Ví dụ, trong môn Tài chính quốc tế tôi đang phụ trách, các sinh viên sẽ được tham gia chơi chứng khoán trên sàn chứng khoán Mỹ với một số tiền ảo ban đầu là 500.000 đôla Mỹ. Các bạn đều rất hứng khởi với các đánh giá này. Kết quả cũng làm tôi rất vui. Hầu hết khi các bạn bắt đầu chơi game đều có rất ít kiến thức về thị trường chứng khoán, tuy nhiên đến hơn 80% đều lãi khi game kết thúc. Chắc rằng, các bạn sẽ không còn thấy ngành này khô khan nữa.

PV: Xin trân trọng cảm ơn cô!

Tham dự Hội thảo quốc tế về Kế toán và Tài chính lần thứ 2 còn có nhóm sinh viên Khoa Quốc tế (4 sinh viên chương trình Kế toán – Tài chính, chương trình liên kết với Trường Đại học East London, Vương quốc Anh).

Đề tài “Nguồn vốn và khó khăn khi tiếp cận vốn của các doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam” (Capital sources and Difficulties in accessing capital of Vietnamese social enterprises) của các bạn cũng đã thu hút được sự quan tâm của các diễn giả. Sau khi kết thúc hội thảo, tạp chí Journal of Business and Economics của Mỹ đề nghị đăng nghiên cứu của nhóm sinh viên Khoa Quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ