(GD&TĐ)-Mặc dù trong môi trường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng toàn cầu nhưng hiện nay, việc sử dụng mạng Internet với phần lớn giảng viên mới chỉ mang tính tự phục vụ nhu cầu cá nhân mà chưa thực sự được xây dựng chính thức là cầu nối để truyền tải nội dung khóa học và thực hiện các hoạt động của lớp học.
Internet chưa được sử dụng hiệu quả
TS. Phạm Thị Thủy (ĐH Kinh tế Quốc dân) đã tiến hành khảo sát thực trạng ứng dụng các tiện ích của mạng Internet trong quá trình học đại học với 108 sinh viên trong trường vào đầu tháng 10/2011.
Kết quả khảo sát cho thấy sinh viên đánh giá rất cao vai trò của mạng Internet đối với việc học tập ở bậc đại học, tuy nhiên vai trò của các giảng viên trong việc khuyến khích và định hướng sinh viên sử dụng các tiện ích của mạng Internet còn rất hạn chế . Hầu hết sinh viên đều mong muốn chính bản thân họ cũng như mong muốn các giảng viên sử dụng nhiều hơn các tiện ích của mạng Internet trong quá trình học tập và giảng dạy đại học.
Giảng viên Nguyễn Duy Mộng Hà, Trường ĐH ĐHKHXH&NV – ĐHQG HCM) cũng đã thực hiện nghiên cứu định tính và định lượng tại trường nhằm tìm hiểu mức độ và cách thức, hiệu quả việc sử dụng internet trong giảng dạy và học tập, NCKH. Đề tài nghiên cứu trên 481 giảng viên và sinh viên của trường ĐH KHXH&NV (ĐHQGHCM).
Kết quả cho thấy, cả giảng viên và sinh viên chưa sử dụng internet thường xuyên trong việc giao tiếp, trao đổi chuyên môn. Các hình thức sử dụng internet trong học tập, giảng dạy và NCKH hiện nay của sinh viên và giảng viên chỉ mới giới hạn tại các công cụ tìm kiếm có sẵn và một vài trang web, chưa mở rộng khai thác ở các nguồn khác, nhất là các nguồn học liệu mở trên các thư viện điện tử, tạp chí chuyên ngành.
Hiệu quả khai thác thông tin cũng chưa cao, đa số giảng viên và sinh viên chỉ tạm hài lòng với số lượng và chất lượng các thông tin tìm được. Có nhiều kỹ năng liên quan đến hiệu quả sử dụng internet trong hoạt động chuyên môn của giảng viên và sinh viên, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ để tra cứu các tài liệu bằng tiếng nước ngoài và kỹ năng tìm kiếm thông tin là điều quan trọng nhưng còn hạn chế ở cả giảng viên và sinh viên trong trường.
Bên cạnh những khó khăn do hạn chế về kỹ năng sử dụng, giảng viên và sinh viên còn gặp nhiều khó khăn khác như cơ sở vật chất phục vụ việc truy cập internet còn thiếu thốn, hệ thống mạng chưa tốt, nguồn wifi chưa ổn định, thiếu sự hướng dẫn khai thác công cụ internet...
Ứng dụng các tiện ích của Internet trong giảng dạy ĐH như thế nào?
Theo kết quả khảo sát của TS. Phạm Thị Thủy, hầu hết sinh viên đều mong muốn có một trang web riêng để giảng viên và sinh viên có thể trao đổi tài liệu, thảo luận và giải đáp thắc mác trong quá trình học tập. TS. Phạm Thị Thủy cho rằng, trong điều kiện trường đại học chưa tiến hành xây dựng các trang web riêng cho mỗi lớp học, giảng viên có thể tự xây dựng trang web riêng cho lớp học mình phụ trách bằng cách sử dụng các trang blog miễn phí như http://www.edublogs.org, http://wordpress.com/ hoặc http://www.blogger.com. Trên mỗi trang web này, giảng viên có thể upload tài liệu cho lớp học và mở các diễn đàn trao đổi trực tuyến và giải đáp thắc mắc cho sinh viên.
Giao diện của blog được sử dụng làm trang web cho khóa học |
Bên cạnh đó, mỗi chủ đề của môn học, giảng viên có thể yêu cầu sinh viên tìm kiếm và chia sẻ tài liệu trên mạng Internet bằng cách cung cấp địa chỉ truy cập trên mạng Internet cho các thành viên khác ngay trên trang web của lớp, hoặc sử dụng các trang wiki miễn phí như http://www.wikispaces.com/, http://pbwiki.com hoặc http://bluwiki.com/. Trên trang web của lớp, giảng viên cũng có thể cung cấp ngay các địa chỉ truy cập trên mạng Internet về các vấn đề thực tiễn có liên quan tới chủ đề của môn học để các thành viên trong lớp tham khảo, suy ngẫm và thảo luận.
Bên cạnh giáo trình, bài giảng chính thức của bộ môn chuyên ngành, giảng viên có thể tự xây dựng, bổ sung tài nguyên cho lớp học trên cơ sở ứng dụng các tiện ích phong phú của mạng Internet.
Để có thể ứng dụng có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác dạy học, ThS. Dương Phương Hùng - Khoa Toán-Tin, Trường Đại học Quảng Nam cho rằng, trước hết người dạy phải chịu khó tìm hiểu, tiếp thu, vận dụng những sản phẩm của nó vào giáo án của mình. Phương pháp dạy học có đổi mới theo hướng tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học hay không còn tùy thuộc vào sự nhận thức, đầu tư của mỗi người dạy. Để giáo án điện tử thực sự mang lại hiệu quả, trước tiên bản thân nó phải là một giáo án dạy học tích cực, bên cạnh đó là công nghệ thông tin được ứng dụng một cách hợp lý trong từng bước của quá trình dạy học.
Giảng viên Nguyễn Văn Long (ĐH Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng) thì cho rằng, người thầy luôn là yếu tố quan trong nhất cho sự thành công hay thất bại của một bài học. World Wide Web sẽ trở nên vô ích nếu không có sự chuẩn bị và tổ chức lớp học kỹ càng. Vì thế, giáo án soạn kỹ, quản lớp học tốt chắc chắn luôn là yêu cầu trước nhất trong việc khai thác các tính năng giáo dục của mạng Internet.
Cuối cùng, theo giảng viên Nguyễn Văn Long, cái chúng ta thật sự cần để tối ưu tiến trình học tập là thay đổi tư duy của chúng ta “… từ suy nghĩ công nghệ có thể hỗ trợ gì cho người học đến tư duy người học có thể khai thác được gì từ công nghệ Internet”.
Hiếu Nguyễn