Bởi với tâm lý vào chợ hoặc vào siêu thị mua thì mất thời gian, lại còn phải gửi xe, nên nhiều khách hàng chọn mua đồ ở đường phố cho nhanh gọn. Chính vì thế mà người tiêu dùng bị gian thương đường phố lừa hết lần này đến lần khác.
Sản phẩm bị lừa thường là mặt hàng thực phẩm. Những chiếc xe bán trái cây lưu động thường bắt mắt người mua không những sản phẩm tươi đẹp mà còn ở giá cả. Bao giờ giá trái cây cũng rẻ hơn khoảng 20 – 40% so với chợ và siêu thị.
Tất nhiên điều đó thu hút người mua ghé lại. Sự mê hoặc trước giá cả và tiện lợi trong khi mua hàng (không tốn thời gian gửi xe và chờ đợi tính tiền) đã khiến cho họ phải trả cái giá quá đắt: Cân thiếu! Những tay bán hàng trái cây kiểu nay đa phần là cân thiếu.
Họ không sợ khách hàng phiền hà hay mang trả lại vì hôm sau, xe trái cây đã biến mất tại địa bàn cũ để chuyển sang chỗ mới. Cũng có những khách hàng bị lừa nhiều lần (nhưng vẫn thích mua hàng đường phố) đã cảnh báo với người bán rằng: “Yêu cầu anh cân đủ nhé!”, hoặc “không cân đủ là tôi mang ra trả lại đấy!”.
Người bán vâng, dạ huyên thuyên và còn bảo đảm cân đủ 100%. Tuy nhiên, về nhà cân lại thì thiếu trầm trọng. Một dạo tôi cũng mua hàng đường phố. Khi mua 1kg củ ấu, cầm lên thử thấy nhẹ. Nhanh trí, tôi bỏ 1kg nho đã mua ở siêu thị lên cân của tay bán hàng này xem thử, hóa ra ký nho lên tới 1,3kg. Tức cân này non đến 300g. Tay bán hàng ê mặt, lặng lẽ dắt xe bỏ đi.
Đó là chưa nói những chùm vải, chôm chôm, nhãn… được bó chùm xoay vòng trông rất đẹp. Nhưng khi mua về, người tiêu dùng mới ngỡ ngàng vì bên trong toàn là độn cành, tính ra cũng mất đi hết khoảng 150g.
Các bó rau như rau nhúc, bồ ngót, các loại rau thơm… cũng có hình thức độn cành già làm tăng sức nặng tương tự như vậy. Ngoài ra, điều mà bấy lâu nay người nội trợ bức xúc nhưng nó được ngầm “hợp thức hóa” đó là cách buộc cua. Con cua được quấn lên mình một thứ vải thấm nước khoảng 100g, tính ra 1kg, có thể sẽ tới 300g dây vải. Người bán thường xuyên tưới nước để mảnh vải “phù hộ” ấy càng nặng thêm.
Một thương lái bán cua biển quê ở thành phố Cà Mau chia sẻ: “Mình thu mua cua biển của các hộ nuôi nhỏ lẻ rồi mang về buộc dây vải lại. Thực ra mình không có lời trong việc thu mua, chỉ nhờ mấy sợi dây vải buộc này thôi. Tính ra một ký mình có thể lời được 40.000 đồng.
Thực tế mà nói, các cơ quan chức năng đã rất nhiều lần xử lý nhưng những kiểu mua bán lừa lọc như thế này vẫn cứ tiếp diễn, thậm chí ngày càng tinh vi hơn. Cũng phải thông cảm, vì với hình thức bán hàng đường phố (đã vi phạm rồi) họ dễ dàng bỏ của chạy lấy người để phi tang chứng cớ (như quăng cân bỏ chẳng hạn).
Vì thế, người tiêu dùng nên chịu khó vào các chợ uy tín (không phải chợ chồm hổm) và những siêu thị gần nhà mua sắm. Vì vừa không bị mắc lừa mà còn mua được những sản phẩm an toàn vệ sinh.