Hành trình đi học và về nhà của các em luôn để lại nỗi lại thấp thỏm, lo âu cho bố mẹ và người thân, nhất là khi mùa mưa bão đang cận kề,
Nhọc nhằn đường đến trường
Đập Cửa Lác nối liền xã Quảng Thái (Quảng Điền) và vùng Ngũ Điền được khánh thành vào năm 2000, dài hơn 2 km và rộng 2,5 m. Đập có tác dụng giữ nguồn nước và ngăn dòng nước mặn lên thượng nguồn. Vào mùa nắng xe cộ lưu thông bình thường còn mùa mưa đập thường xuyên ngập trong biển nước.
Con đập này nằm giữa phá, vì là đập tràn nên nên rất thấp và nhỏ so với nhiều con đường bình thường khác. Mặt đập rong, rêu phủ một lớp dày. Hai bên lại không có cột mốc để định hướng cho người đi, do đó vào mùa mưa các em học sinh đi lại trên tuyến đập này rất nguy hiểm.
Dẫn tôi khảo sát quanh đập Cửa Lác, ông Hoàng Đình Lâm ở làng Tây Hoàng (xã Quảng Thái) tỏ vẻ tự hào khi kể về con đập thế kỷ này: “ Ngày trước khi không có đập Cửa Lác bà con dân làng Tây Hoàng, Lai Hà xã Quảng Thái bao năm không trồng được lúa ở khu vực ô bàu.
Từ ngày con đập được làm xong, bà con vừa khoang vùng trồng lúa, vừa nuôi trồng được thủy sản được thuận tiện. Chỉ còn lại nỗi lo cho mấy em học sinh đến trường. Mùa mưa thật vất vả khi đi học qua đây.
Phần gió từ phá thổi lên, phần con đập thấp, mới mưa lớn một cái đã đầy nước. Hầu như năm nào đến mùa mưa, đường trơn, cũng có một vài em bị trượt chân ướt cả sách vở”.
Giống như biết bao người cha, người mẹ có con đang theo học ở Trường THPT Tam Giang, chị Hoàng Bạch Yến ở làng Lai Hà kể: “Năm nào đến mùa mưa tui cũng lo hết. Sáng sớm thức dậy chưa lo cơm nước xong đã nhắc nhở các cháu đem sách vở cất vào túi ni lông rồi để trong cặp sách không thôi nước tràn vào ướt hết sách vở. Có lần thằng Tuấn ( con trai đầu chị Yến) khi đi qua đập Cửa Lát bị xảy chân, đi bó bột phải nghỉ học suốt 2 tháng.
Mùa mưa về phận làm mẹ tui không lo chuyện buôn thúng, bán bưng kiếm tiền cho co con ăn học, chỉ sợ nhất là các cháu nhỏ đi học về qua đập Lát sợ các cháu chủ quan, xảy chân xuống nước thì không biết mần răng” - Chị Yến kể.
Hiểm họa luôn rình rập đối với những học sinh đi học qua đập Cửa Lác mùa mưa lũ |
Nỗi lo ngày lũ về
Suốt bao năm nay việc xin chỗ học là một vấn đề nan giải đối chính quyền và người dân xã Quảng Thái. Đây là một xã nghèo nằm bên phá Tam Giang.
Vì địa phương không có trường THPT, nên hơn 100 học sinh phải đi học xa. Chủ yếu học ở hai trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Thị trấn Sịa, Quảng Điền) và THPT Tam Giang (Điền Hải, Phong Điền). Trong khi đó Trường THPT Nguyễn Chí Thanh phải xét tuyển lấy chất lượng đầu vào.
Chỉ khoảng một nửa học sinh trong xã đủ học lực vào trường này. Còn những học sinh có điểm thi thấp thì chạy vạy tìm xin các trường khác.
Trong đó hơn 30 em qua học tại Trường THPT Tam Giang. Ngôi trường này nằm bên kia phá, mà muốn đến trường nhanh kịp giờ học bắt buộc các em phải đi trên con đập Cửa Lát.
Ông Phan Nông - Phó chủ tịch UBND xã Quảng Thái - cho biết: “Xã chúng tôi không thể có một ngôi trường THPT, vì theo quy định phải nhiều xã mới đủ lượng học sinh thành lập ngôi trường mới.
Dù vậy tôi vẫn kiến nghị nhiều lần với các cấp trên để có một phương án giải quyết. Cho đến nay xã chúng tôi vẫn chờ đợi sự quan tâm để con em trong xã có nơi học tốt hơn”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày mưa để tránh nguy hiểm khi đi qua đập Cửa Lác, các em học sinh muốn qua Trường THPT Tam Giang ở xã Điền Hải phải đi trên quốc lộ 49 qua cầu Hòa Xuân, ngược lên xã Điền Lộc (Phong Điền) mới đến được trường, nhưng đường lại quá xa, không kịp giờ học.
Em Hoàng Ngọc Bun (lớp 11B4, Trường THPT Tam Giang) tâm sự: “Về mùa nắng chỉ cần khoảng 20 phút là tụi em có thể đi từ nhà đến trường. Nhưng về mùa mưa, nếu đi đường này thì mất gần cả tiếng đồng hồ… Nếu bạn nào học buổi sáng thì phải thức dậy thật sớm, còn học buổi chiều thì giữa trưa phải cuốc xe, tan học về đến nhà trời tối om”.
Do không lường trước sự nguy hiểm vào năm 2010, gia đình thầy Văn Huấn (nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Thái, nay là trường THCS Lê Xuân) đã có một người cháu bị nước cuốn trôi. Thầy Huấn kể cho chúng tôi nghe chuyện năm ấy.
“Mùa lũ 2010, cháu tôi (học sinh bị nạn) đi học bằng xe đạp, trên đường từ trường về nhà đoạn giữa đập Cửa Lác thì nước ngập sâu. Nó cởi quần dài để lội sang nhưng dòng nước chảy xiết đã cuốn trôi, thiệt mạng. Ba mẹ nó xa quê làm ăn ở trong Nam, gửi nó ra đây để học. Từ ngày gặp nạn đến nay, cả gia đình tôi rất đau lòng”.
Để lo chuyện học của các cháu nhỏ trong làng, khi mùa lũ về nhiều hộ dân trong thôn Lai Hà có học sinh sang học bên kia phá tập hợp lại dùng đò đưa các cháu qua trường.
“Tôi cũng muốn cho cháu về học ở Trường THPT Nguyễn Chí Thanh nhưng do học lực có hạn chế nên đành xin học ở trường THPT Tam Giang. Mà xin học các trường xa hơn thì gia đình không đủ điều kiện.
Không chỉ tui mà tất cả những phụ huynh ở đây đều mong sao các em đến trường một cách an toàn để yêm tâm theo đuổi con đường tri thức” - Ông Văn Thanh Dũng thôn Trung Làng, Quảng Thái tâm sự.
Mặc dù đây không phải là tuyến đường giao thông chính, tuy nhiên về lâu dài, mong các cơ quan chức năng nâng cao, sửa chữa mặt đường để học sinh đi lại dễ dang hơn; cắm biển cảnh báo nguy hiểm để học sinh biết khi qua lại trên con đường này, đồng thời tích cựu tuyên truyền để hạn chế học sinh không đi trên đoạn đường này vào mùa lụt bão, những lúc nước lũ dâng cao.