Gian nan trí thức về quê

Gian nan trí thức về quê

Kỳ I:

(GD&TĐ) - Những kiến thức học được trên giảng đường chỉ đáp ứng được phần nào công việc, các trí thức trẻ đã có những nỗ lực hết mình thâm nhập thực tế và tích luỹ kinh nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tạo môi trường để trí thức trẻ dấn thân 

Là người gắn bó từ những ngày đầu thành lập Đề án, rồi trực tiếp triển khai Dự án 600 trí thức trẻ, ông Vũ Đăng Minh - Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội Vụ - Giám đốc BQL Dự án 600 Phó chủ tịch xã cho biết:  "Ngay từ khi dự án bắt đầu được triển khai, BQL dự án đã nhận được rất nhiều câu hỏi chất vấn xung quanh vấn đề liệu những người trẻ mới ra trường chưa có kinh nghiệm có thể đảm đương được công việc và vai trò của Phó chủ tịch xã không? Làm thế nào tuyển chọn được đúng người, đúng việc?              

Các thành viên của BQL đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn, trình tự thủ tục đầy đủ: Từ khâu phỏng vấn, tuyển chọn cho đến đào tạo bồi dưỡng, bố trí đội viên trí thức trẻ về xã, tổ chức bầu, phê chuẩn chức danh Phó chủ tịch UBND xã, phân công, giao nhiệm vụ để được chính thức đảm đương chức vụ. 

Dự án khởi động tốt không chỉ nhờ việc đã xây dựng được hệ thống văn bản đồng bộ và triển khai quyết liệt mà còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong quá trình thực hiện. Thủ tướng đã cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ theo hướng tuyển được đến đâu thì đào tạo đến đó và bố trí ngay các đội viên về xã công tác. Với cách làm quyết liệt như vậy, sau 2 năm, dự án hoàn thành giai đoạn 1 với tổng số 580 đội viên được tuyển chọn, phân công về xã công tác.

Sau thời gian thực hiện đến tháng 6/2012,  BQL sơ kết, kết quả là đã hoàn thành tốt giai đoạn 1, từ khâu tuyên truyền, tuyển chọn, bố trí công tác. Hơn 70% đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 49 bạn đã trở thành đảng viên, 65 bạn đang chuẩn bị được kết nạp đứng vào hàng ngũ của Đảng.

"Khi tổ chức hội nghị tuyển chọn, mặc dù trời mưa, các bạn từ khắp các nơi đến chật hội trường. Có nhiều bạn phỏng vấn tốt, nhiều bạn vẫn băn khoăn về xã sẽ làm công việc gì. Nhưng sau hơn 1 năm, gặp lại các bạn tôi thấy các bạn có độ trưởng thành vượt bậc, rắn rỏi, chững chạc hơn, tự tin hơn. Nhiều em  đã thực sự tự tin trên cương vị Phó chủ tịch xã" - Ông Vũ Đăng Minh lạc quan  cho biết.

Phó chủ tịch Ngô Thị Hương – xã Hóa Phúc, Minh Hóa (Quảng Bình) kiểm tra nuôi nhím tại mô hình hộ gia đình
Phó chủ tịch Ngô Thị Hương – xã Hóa Phúc, Minh Hóa (Quảng Bình) kiểm tra nuôi nhím tại mô hình hộ gia đình
 

Cống hiến và trưởng thành

Sau 2 năm thực hiện Dự án, các thành viên đều nhận được sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền địa phương, được phân công nhiệm vụ cụ thể, được tạo điều kiện về cơ sở vật chất, yên tâm công tác. 

Qua đánh giá, có 68/580 đội viên dự án hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (chiếm 11,72%); có 352/580 đội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ (chiếm 60,69%) và 160/580 đội viên hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 27,59%).

Kể lại những ngày đi khảo sát thực tế trước khi đánh giá sơ kết dự án, ông Vũ Đăng Minh cảm động chia sẻ: Hôm đến xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, xã không có đường ô tô, tôi đi xe ôm, tầm khoảng 3h chiều nhưng ở trên vùng cao rất lạnh mặc dù giữa mùa hè nhưng chúng tôi rất ấm lòng vì nhận được tình cảm quý trọng của người dân và ban, ngành đoàn thể. Qua trao đổi với bà con tại xã, chúng tôi rất mừng, cảm động trước sự quan tâm, chào đón của bà con khi có các đội viên về công tác. Em Hà Chấn Thảo về xã Pá Hu. Em gắn bó và hoà nhập rất tốt, không chỉ "ba cùng" với bà con, em đã tìm thấy tình yêu và lập gia đình tại đó.

Trong hội nghị, đồng chí bí thư xã phát biểu em Thảo làm việc rất tốt. Tôi cũng hỏi đồng chí Bí thư về quy hoạch sắp tới thì được biết em đang được quy hoạch chức danh Chủ tịch xã giai đoạn 2016 - 2021. "Xã rất muốn giữ chân em ở lại. Nếu huyện rút em về công tác ở huyện thì chúng tôi buộc phải chấp nhận nhưng chúng tôi tiếc lắm.." Từ câu nói của đồng chí Bí thư xã, chúng tôi càng thêm tin yêu quí trọng các đội viên của mình và thấy rằng các trí thức trẻ đã thực sự phát huy được tài năng và có những đóng góp "có dấu ấn"...

Tiếp tục chặng đường đồng hành cùng giai đoạn II của Dự án,  anh Nguyễn Khắc Toàn - Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Đoàn  cho biết: Thông qua việc bám sát quá trình triển khai dự án và kết quả công việc của các bạn trí thức trẻ, chúng tôi thấy rất nhiều các đề án được triển khai có hiệu quả. T.Ư Đoàn  trên cơ sở tổng kết, đã giới thiệu các mô hình hay hiệu quả để nhân rộng, phát huy tinh thần xung phong tình nguyện và dấn thân của lớp trí thức trẻ.

Những mô hình sản xuất chè san của  Đinh Thị Kim Thảo ở Mường Khương, Lào Cai; mô hình nuôi cá điêu hồng, trồng nấm bào ngư của Phan Trọng Thảo ở xã Vân Hiền, huyện Vân Canh - Bình Định mô hình trồng măng tre Bát Độ của  Tô Văn Học ở Mù Cang Chải đã được các bạn đội viên khác tham khảo, học hỏi kinh nghiệm để họ triển khai những sáng tạo, ứng dụng phù hợp vào địa phương của mình. Những gì thực hiện chưa hiệu quả, còn vướng mắc, sẽ được T.Ư Đoàn và Ban quản lý dự án khắc phục trong giai đoạn 2 (2013 - 2014). 

(Còn nữa)

Kỳ Vũ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.