Gian nan tìm chung cư giá rẻ

GD&TĐ - Những dự án nhà ở xã hội giá rẻ cho người thu nhập trung bình - thấp thời gian qua gặp không ít vấn đề về chất lượng. Vì thế, người lao động ở các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn khi tìm mua một căn hộ hợp với túi tiền…

Không ít người có nhu cầu nhà ở giá rẻ, hợp túi tiền nhưng vẫn không thể mua do nguồn cung ít
Không ít người có nhu cầu nhà ở giá rẻ, hợp túi tiền nhưng vẫn không thể mua do nguồn cung ít

"Đỏ mắt” tìm nhà

Anh Nông Thanh Tùng - nhân viên một công ty có trụ sở trên đường Nguyên Hồng (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, vợ chồng anh tích cóp và vay mượn được hơn 700 triệu đồng, nhưng mấy tháng nay vẫn chưa tìm được căn hộ nào phù hợp.

Theo anh Tùng, lúc đầu vợ chồng anh có ý định mua khoảng 30 - 40m2 đất thổ cư ở Đông Anh hay Hoài Đức… với giá khoảng 18 - 20 triệu đồng/m2, nhưng thấy mua đất rồi sẽ không còn tiền để xây nhà. Vợ chồng anh chuyển hướng sang mua chung cư, nhưng tìm “đỏ mắt” gần 2 tháng mà vẫn mua được, vì không có căn nào dưới 1 tỷ đồng.

Theo Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2020, các khu vực đô thị trên cả nước sẽ có khoảng gần 1,8 triệu người khó khăn về nhà ở (diện tích 5m2/người) và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Bởi vậy, để đáp ứng nhu cầu về nhà ở sẽ cần phải xây dựng thêm khoảng 700.000 - 800.000 căn hộ. 

Một số dự án như tổ hợp chung cư Goldsilk Kim Văn - Kim Lũ có giá 18 triệu đồng/m2; Galexia Riverside Tam Trinh có giá trên 20 triệu đồng/m2; dự án chung cư Tứ Hiệp Plaza cũng có giá trên dưới 20 triệu đồng/m2… nhưng tất cả các dự án này đều không có căn hộ dưới 50m2 phù hợp với khoản tiền tích cóp của anh Tùng. Tuy nhiên, may mắn cũng đã mỉm cười với vợ chồng anh Tùng khi dự án Khu nhà ở xã hội Phú Lãm (phường Phú Lãm, quận Hà Đông) mở bán 1.150 căn hộ giá rẻ với 13,5 triệu đồng/m2. Anh đã nhanh chóng đặt mua một căn hộ.

May mắn hơn vợ chồng anh Tùng, chị Lê Minh Hoa - một viên chức của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cũng đã tìm đến nhà ở xã hội giá rẻ tại khu đô thị Mường Thanh (Thanh Hà) với giá 12,5 triệu đồng/m2. Chị Hoa cho biết, chị cũng đã tìm hiểu rất nhiều dự án trên địa bàn Hà Nội, nhưng giá cả chênh lệch rất nhiều. Các dự án như: Ecohome 2 (Bắc Cổ Nhuế - Chèm) có giá 14 triệu đồng/m2; B8.NXH, phường Phúc Đồng, quận Long Biên có giá 16.200.000 đồng/m2; Thạch Bàn, Cầu Đông Trù… có giá 19 - 22 triệu đồng/m2 nên chị quyết định mua ở khu vực này vì hợp với túi tiền.

Cần sự chung tay của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Văn Ngọc - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Nhà Phát cho biết, phân khúc chung cư giá rẻ đang có tính thanh khoản cao, dễ dàng vượt khó và tính bền vững trong mọi biến động của thị trường. So với các phân khúc cao cấp, hạng sang, nhà ở cho người có thu nhập vừa và thấp sẽ giúp các doanh nghiệp thích ứng tốt hơn với hoàn cảnh tín dụng bất động sản ngày càng thắt chặt.

“Nhà ở xã hội giá rẻ hiện nay được chia ra rất nhiều tiêu chí theo địa bàn, khu vực. Ở những quận trung tâm, quận có hạ tầng phát triển tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhà ở xã hội giá rẻ cũng khoảng 25 - 27 triệu đồng/m2. Còn nhà ở xã hội giá rẻ ở xa hơn, như các huyện ngoại thành hoặc một số tỉnh ven các thành phố lớn được quy hoạch từ trước nên chi phí thuế đất, đền bù giải phóng mặt bằng và các chi phí khác rẻ hơn nên người dân được hưởng lợi hơn và giá cũng sẽ rẻ hơn - khoảng 12 - 15 triệu đồng/m2 là hợp lý…” - ông Ngọc nói.

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, nhu cầu nhà ở xã hội giá rẻ vẫn rất lớn, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn không mặn mà với phân khúc này là do quỹ nhà đất có vị trí tốt, thuận lợi ngày càng khan hiếm. Bên cạnh đó, chi phí xây dựng, giá nguyên vật liệu, công xây dựng tăng cao, cũng như tín dụng bất động sản được kiểm soát chặt chẽ hơn. Bởi vậy, nếu doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà ở xã hội giá rẻ lợi nhuận sẽ rất thấp nên các doanh nghiệp không muốn đầu tư vào phân khúc này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ