Gian nan công cuộc trồng người của nữ giáo viên vùng khó

GD&TĐ - Gieo chữ trồng người – nhiệm vụ xưa nay chẳng bao giờ dễ dàng. Với sự phát triển của xã hội càng đòi hỏi người thầy phải nỗ lực đổi mới và vượt lên để đáp ứng yêu cầu. Đóng góp vào sự nghiệp vinh quang ấy, đặc biệt phải kể tới đội ngũ nữ nhà giáo đang công tác tại những địa bàn khó khăn. 

Gian nan công cuộc trồng người của nữ giáo viên vùng khó

Yêu nghề nên chẳng đếm đo

Nếu có điều kiện tới thăm các thầy cô giáo vùng cao, vùng khó điều dễ nhận thấy các nữ nhà giáo đang chiếm một tỷ lệ lớn. Vượt hàng trăm cây số, xa gia đình người thân, gửi con cho ông bà, người thân... họ lên công tác ở những địa bàn khó khăn xa xôi. Với họ khi nghề là nghiệp thì những khó khăn chẳng cần đo đếm.

Thăm giáo viên vùng cao trong những khu nhà công vụ cũng đều trong hoàn cảnh: 3-4 cô chung một phòng. Cô nào đang trong thời kỳ nuôi con nhỏ, phải mang cả người thân lên hỗ trợ thì ngủ ghép 2-3 người một giường. Khi có khách tới nhà chỗ sang trọng nhất để có thể mời ngồi chỉ là chiếc ghế bên bàn soạn giáo án. Ấy là chưa kể, ở nhiều điểm trường các cô vẫn hàng ngày sống tạm bợ trong cảnh thiếu điện, thiếu nước, không sóng điện thoại.

Với giáo viên vùng cao, vùng khó, cảnh vợ một nơi chồng một nẻo, con gửi người thân khá phổ biến. Cuối tuần các cô thường chỉ có thể về thăm gia đình chồng con vào hai ngày 7 và CN. Nếu xa hơn hoặc thậm chí vào dịp nhà trường có việc bận thì 2-3 tuần, cả tháng mới về cũng là chuyện đương nhiên. Để hàng ngày gắn bó với trường lớp, với học sinh họ buộc phải chấp nhận hoàn cảnh sống đòi hỏi sự vất vả, biết chịu đựng và hy sinh.

Rất nhiều nữ nhà giáo tâm sự rằng: làm chồng giáo viên vùng cao đòi hỏi sự chia sẻ, cảm thông nhiều lắm. Các anh phải biết vừa làm chồng vừa làm vợ, vừa phải lao động kiếm sống vừa phải thay các chị chăm sóc dạy bảo con cái hàng ngày.

Còn với nữ giáo viên lại phải đủ vững vàng để trải qua cuộc sống thiếu bàn tay hơi ấm của đàn ông hàng ngày. Sửa mái nhà, tháo lắp đường điện, tăng gia trồng rau nuôi gà... đều một tay họ làm hết. Ban đầu có thể chưa quen nhưng dần dần cũng phải thích nghi với hoàn cảnh sống để yên tâm công tác.

Thế nhưng, quả thực như nhiều nữ giáo viên chia sẻ thì người chịu thiệt thòi nhiều hơn cả trong gia đình nữ nhà giáo vùng cao chưa hẳn là họ, là người chồng mà chính là những đứa con của các cô.

Mẹ hàng ngày đi mang kiến thức dạy bảo cho biết bao đứa trẻ nhưng con cái mình lại phải phó mặc vào đồng nghiệp nơi con đang theo học. Một tuần nhiều nhất cô cũng chỉ chăm sóc, uốn nắn cho con 1- 2 tối. “Khi con bước vào tuổi dậy thì, cần được mẹ bảo ban hàng ngày thì mẹ cũng vắng nhà không hoàn thành tốt công việc đó” – Cô Vũ Thị Điệp - Trường THCS Y Tý nói.

Vượt lên thách thức

Điều kiện sinh hoạt hàng ngày của nữ giáo viên vùng cao cũng không khỏi cảm thương. Quanh năm suốt tháng các cô nào biết tới sinh hoạt văn hóa, tinh thần. Ở những nơi biên giới, hải đảo thì quá khó để có rạp chiếu phim, có đoàn dân công về biểu diễn văn nghệ.

Để có đời sống tinh thần, các cô chủ yếu tự biểu diễn cho nhau xem trong những dịp lễ Tết, còn hàng ngày tối về hết giờ soạn giáo án chỉ có chiếc đài, ti vi làm bạn. Hoặc nơi đâu bắt được sóng điện thoại di động thì các cô có thể liên lạc thường xuyên hơn với gia đình, hoặc vào mạng để đọc...

Đồng lương của giáo viên vùng cao, biên giới hải đảo dẫu có được phụ cấp nho nhỏ song cũng chỉ đủ chi tiêu. Bởi mua sắm gì ở những địa bàn này đều đắt đỏ rất nhiều do hàng hóa được vận chuyển đến đây khá tốn kém. Các cô thường xuyên phải mua sắm các lương thực thực phẩm thiết yếu như thịt lợn tươi, rau xanh, cá... với giá tăng gấp đôi.

Ở nhiều vùng núi cao, ngoài hải đảo cuộc sống của nữ nhà giáo còn phải đối diện với vấn đề nước sạch sinh hoạt. Đa số họ phải mua nước khoáng để nấu ăn còn nước để tắm, giặt, vệ sinh vẫn phải dùng nước suối, nước khoan không đảm bảo chất lượng. Đã thế còn thiếu trầm trọng về số lượng. Những bệnh về phụ khoa do nước, bệnh về đường hô hấp do thời tiết khắc nghiệt (lạnh hoặc quá nóng) vẫn là nỗi trăn trở của nữ giáo viên vùng khó.

Với nữ giáo viên vùng khó, vấn đề cũng khiến họ lo ngại là đường xá xa xôi, khi xảy ra những bất trắc về sức khỏe cần đến y tế ở mức độ cao hơn sơ cứu thông thường lại không có. Cô Vũ Thị Điệp – THCS Y Tý (Lào Cai) chia sẻ: Từ Y Tý về đến thành phố Lào Cai mất hơn 3h ô tô, thế nên đa số nữ giáo viên khi chuẩn bị vào cữ sinh nở phải xin nghỉ sớm 1 tháng để về dưới xuôi. Có giáo viên chưa kịp về, trở dạ sớm, thuê ô tô về đến Lào Cai chỉ kịp vào thẳng phòng đẻ mà không kịp làm thủ tục giấy tờ.

Từng có trường hợp cô giáo của trường 3h sáng đi từ trường xuống bệnh viện Lào Cai, chưa kịp vào Viện thì đã trở dạ, vào tới viện con tím tái, bác sĩ bảo chỉ chậm 10 phút nữa thì em bé có thể tử vong. Rồi những cô giáo ở Ngọc Hiển – Cà Mau, việc sinh nở phải tính toán cẩn thận, trừ trước tính sau bởi đường ra viện là lênh đênh sông nước, vận chuyển người bằng xuồng máy. Biết bao bất trắc có thể xảy ra trên đường đi mà không thể tính hết.

Nếu được “3 cùng”: cùng ăn - ở - lên lớp với những nữ giáo viên vùng khó, nơi biên giới hải đảo mới có thể thấm hết nỗi nhọc nhằn mà hàng ngày mà họ đang phải đối diện. Nữ nhà giáo, trong những hoàn cảnh điều kiện khó khăn thực sự, họ vẫn nhẫn nại và âm thầm vượt qua để gắn bó với nghiệp trồng người. Nữ nhà giáo – họ đã và đang là một lực lượng không nhỏ đóng góp chung vào sự thành công của sự nghiệp giáo dục và sự phát triển của xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ