Hai vợ chồng Mỹ - Ánh băng rừng, vượt dốc cao, suối sâu vào nơi công tác |
(GD&TĐ) - Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi trở lại xã Trà Vân, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) khi cơn bão dữ đang lồng lộn tiến vào đất liền. Con đường vào Trà Vân lầy lội, vật vã. Đón chúng tôi ở một điểm trường tiểu học tại thôn 3, xã Trà Vân là hai vợ chồng thầy Mỹ và cô Kim Ánh ngời hạnh phúc với chuyện tình cảm động nao lòng.
Mối duyên từ những ngày gieo chữ nơi heo hút gió
Khoảng năm 2011, khi chân ướt chân ráo từ huyện Phú Ninh (Quảng Nam) lên vùng đất lạ này để nhận công tác, trong lòng thầy giáo giáo trẻ Trương Văn Mỹ rất băn khoăn. Dù đã tình nguyện lên đây, nhưng khi đối mặt với những điều kiện hết sức gian khổ, thầy Mỹ không khỏi sờn lòng.
Những điểm trường hun hút trong sương, men theo những con đường đất, phải vượt qua những con dốc cao ngút ngát thẳng đứng. Bữa đầu tiên băng rừng, vượt dốc vào đến điểm dạy, tay chân đã rã rời sau hơn 1 ngày đi bộ.
Đời sống của dân trong thôn 3 lại còn rất cơ khổ, lạc hậu. Ở điểm trường của thôn, thức ăn đa phần là đồ khô và mắm lâu lâu chuyển từ dưới xuôi lên. Cá thịt thì rất hiếm hoi, mà khi chuyển lên đến nơi thì cũng đã ươn hết rồi.
Học sinh thì nhem nhuốc, có khi phải nhịn đói đến trường. Nhìn những đứa trẻ chỉ có độc nhất một bộ quần áo rách mướp mặc cho cả ở nhà và lúc lên trường, thầy Mỹ thật sự thấy thương cảm. Có em vừa đi học vừa phải địu em nhỏ theo để giữ vì cả ba mẹ đều đi rẫy cả ngày.
Có lẽ vì thế nên hầu hết sức học của các em còn khá yếu. Thương học sinh, thầy Mỹ vẫn cố gắng tận tình dạy chữ và giúp các em từ cái ăn đến cái mặc trong điều kiện có thể.
Giữa lúc bao khó khăn đang ùa về với chàng giáo viên trẻ, thì một "bóng hồng" xuất hiện, đó là cô giáo Võ Thị Kim Ánh, từ xã Trà Dượng, huyện Bắc Trà My, lên công tác. Cùng chung những yêu thương hướng về những học sinh người Ca Dong, cùng mong vùng đất này sẽ sớm được phát triển hơn, và thế là, không biết từ bao giờ, họ xích lại gần nhau.
Chia sẻ với nhau những ngày mưa lũ hết gạo, thiếu ăn hay những lúc ốm đau đột ngột giữa cánh rừng mịt mù mưa gió và rất xa trung tâm xã. Giữa cái khó khăn, họ như cảm thấy là một phần không thể thiếu của nhau. Rồi hai người đi đến quyết định cưới nhau và cố gắng ổn định ở mảnh đất này.
Hướng về một tương lai đẹp...
Đám cưới diễn ra trong năm 2012, rồi đầu năm 2013, hai vợ chồng thầy cô Mỹ - Ánh đã có được một cháu trai đầu lòng. Tuy vẫn lo lắng, nhưng ba mẹ hai bên gia đình đều động viên họ yên tâm công tác. Niềm vui ấy cũng được các đồng nghiệp dạy học ở Trà Vân nói riêng và Nam Trà My chia sẻ. Mầm sống mới đã được đắp xây từ những tấm lòng thơm thảo, biết vượt qua những khó khăn thường nhật, đến với nhau bằng cái tâm của những người giáo viên miền núi.
Gửi con ở gia đình mẹ đẻ, cô Kim Ánh lại cùng chồng miệt mài bên trang giáo án nơi những nóc nhà người Ca Dong xa hun hút trên đầu những con dốc cheo leo khi vừa xong đợt nghỉ sinh con. Ngày nào, người mẹ trẻ nhớ con đến quay quắt, nhưng rồi cố gắng dằn lòng mình lại. Dẫu công tác nơi cách trở về đường đi lẫn liên lạc nhưng Ánh vẫn cố gắng hàng tuần về với con một lần. Chỉ có khi nào mưa to gió lớn, đường bị sạt lở nặng thì mới không về được.
Nhiều giáo viên thấy thương cho hai vợ chồng thầy Mỹ, nói họ cố tìm cách xin về gần nhà một chút để dễ sống hơn. Hai người chỉ cười mà thôi. Khi đã chọn con đường tình nguyện là giáo viên miền núi, lại chọn gắn bó với nhau thì những khó khăn đã qua và trước mắt là điều không thể tránh khỏi với họ. Mỉm cười với gian khó, họ lấy niềm vui công việc, niềm vui với những đứa trẻ người Ca Dong.
Nhiều người khuyên vợ chồng thầy Mỹ đem luôn con lên đây, xin đất làm nhà ở, định cư lâu dài. Nhưng trước mắt, Mỹ bảo chưa thể được. Con còn quá nhỏ để thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt nơi đây. Những đứa trẻ người Ca Dong thì dường như đã được truyền từ trong bụng mẹ một sức chịu đựng dẻo dai với điều kiện sống khó khăn, khắc nghiệt.
Nhưng đem một đứa trẻ chưa đầy một tuổi lên Trà Vân từ miền thấp hơn thì đó là cả một vấn đề. Nơi hai vợ chồng công tác, muốn đi đến cơ sở y tế gần nhất cũng mất nửa ngày đường. Người lớn thì chịu được, nhưng trẻ nhỏ thì khi có sự cố về sức khỏe sẽ rất khó khăn...
Con đường phía trước để vừa công tác, vừa xây dựng một gia đình ấm no, hạnh phúc của hai vợ chồng giáo viên trẻ này sẽ còn rất nhiều gian khó. Nhưng bằng trái tim nhiệt tâm với nghề, bằng tình yêu chân thành với nhau, trách nhiệm với đời và với chính mình, chúng tôi tin rằng họ sẽ vượt qua mọi gian khó thường nhật để viết nên một bài ca đẹp về những người giáo viên trẻ giảng dạy tại miền núi Quảng Nam cũng như trên toàn đất nước này.
Xuân Vân