Giãn cách học sinh khi trở lại trường: Nỗ lực tháo gỡ khó khăn

Giãn cách học sinh khi trở lại trường: Nỗ lực tháo gỡ khó khăn

Điều này cũng yêu cầu đội ngũ GV cần nỗ lực hết mình để thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh dạy mới.

Khó nhưng có thể triển khai

Thầy Dương Văn Bảo - Hiệu trưởng Trường THPT Tam Nông (huyện Tam Nông - Phú Thọ) khẳng định: Yêu cầu thực hiện giãn cách 1,5m với HS trong lớp và số lượng không quá 20 em là cần thiết để bảo đảm an toàn sức khỏe cho HS. Dù nảy sinh những khó khăn nhất định khi triển khai nhưng vẫn có thể tháo gỡ.

Theo thầy Dương Văn Bảo, nhà trường chia HS mỗi lớp học làm đôi, nửa học sáng, nửa học chiều. Vì vậy, buổi học đầu tiên HS trở lại trường có khoảng 500/1.000 HS của 3 khối lớp 10, 11, 12 tới trường. Số lượng HS tương tự sẽ tiếp tục học vào buổi chiều. Việc chia lớp không quá khó khăn bởi lớp đông nhất chỉ 38 HS/lớp. Toàn trường có 24 lớp/3 khối và 67 cán bộ, GV, nhân viên. Học sinh THPT lại không học 2 buổi/ngày nên điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng cho việc chia tách lớp.

Với các trường bậc THCS có lịch hoạt động tương tự như THPT (chỉ học 1 buổi/ngày), khối lượng HS/lớp không cao… việc thực hiện giãn cách cũng không khó giải quyết. Thầy Phương Ích Bầu – Hiệu trưởng Trường THCS Pò Tấu (huyện Trùng Khánh - Cao Bằng) cho biết: Trong điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế (trường có 8 phòng học/261 HS của 4 khối lớp 6, 7, 8, 9), để thực hiện yêu cầu giãn cách không còn cách nào khác là tách lớp học làm đôi, nửa lớp học sáng, nửa lớp học chiều. Không thể tách 1 lớp làm đôi và dạy học trong cùng 1 buổi sáng bởi như vậy, vừa không có đủ phòng học vừa thiếu GV đảm trách.

So với trường bậc THCS, THPT, việc thực hiện giãn cách cho HS tiểu học sẽ khó khăn, phức tạp hơn nhiều bởi đặc thù dạy học 2 buổi/ngày. Ví như trường vùng cao PTDTBT Tiểu học Lùng Tám, huyện Quản Bạ (Hà Giang) có 536 HS/23 lớp học. Lớp đông nhất có 30 HS, lớp ít nhất 23 HS. Như vậy, chia tách lớp là bắt buộc để bảo đảm khoảng cách 1,5m/HS và không quá 20 HS/lớp. Tháo gỡ cách nào cho hợp lý không hề dễ dàng trong điều kiện phòng học không dư thừa, HS học 2 buổi/ngày không thể tách lớp làm 2 để dạy học 2 ca sáng, chiều. Không những thế, là trường PTDTNT, HS học tập, sinh hoạt tại trường cả ngày đòi hỏi phải có GV phụ trách các hoạt động chứ không thể “ngắt” tạm thời để tăng cường cho giảng dạy trên lớp…

Thầy Tạ Văn Kha - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Lùng Tám chia sẻ: Với những khó khăn thực tế đặt ra có lẽ điều chỉnh số tiết dạy trong một ngày của mỗi GV để có thể đảm trách việc dạy 2 lớp trong một buổi sáng hoặc chiều là khả dĩ hơn cả. Đồng thời tận dụng các phòng chức năng: Thư viện, hội trường, sinh hoạt chuyên môn, giáo dục hòa nhập… để “biến” thành lớp học.

Không chỉ vùng khó gặp khó, vùng thuận lợi cũng có nhiều rào cản cần tháo gỡ khi thực hiện giãn cách HS. Thầy Nguyễn Quý Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi (Hà Nội) cho biết: Nếu chỉ khối 12 đi học trở lại sẽ thực hiện được yêu cầu giãn cách chỗ ngồi giữa các học sinh. Nhưng vẫn bị thiếu giáo viên, hoặc phải bố trí tăng ca, bù thêm về số lượng, điều này rất khó với nhà trường.

Góp ý về nội dung này, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Trường học trên địa bàn thành phố tập trung đông học sinh, trung bình khoảng 45 em/lớp. Do đó, nếu sắp xếp không quá 20 học sinh/lớp, nhiều trường học trên địa bàn thành phố phải tổ chức học 3 ca/ngày là không khả thi.

Để phù hợp với tình hình thực tế, Hà Nội đề nghị Bộ GD&ĐT xây dựng phương án đón học sinh trở lại trường học theo hướng linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Chẳng hạn, tại Hà Nội, học sinh có thể học 2 ca/ngày, sĩ số mỗi lớp có thể nhiều hơn 20, nhưng vẫn tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, không để dịch Covid-19 lây lan trong trường học.

Phát huy tinh thần vượt khó

Vấn đề tâm lý, sức khỏe của GV khi phải dạy học cả ngày bởi chia lớp làm đôi, thầy Dương Văn Bảo - Hiệu trưởng Trường THPT Tam Nông cho rằng: GV nghỉ dạy khá dài nên nhớ nghề, nhớ trường lớp, học trò. Các thầy cô đều hào hứng, vui vẻ thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Chế độ hỗ trợ GV dạy thừa giờ thời điểm này chưa có hướng dẫn cụ thể nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả nước cùng gồng mình chống dịch, chắc chắn vất vả và thậm chí không có thù lao, các thầy cô cũng không lấy đó là việc lớn để không dạy học hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm với công việc và HS.

Thầy Phương Ích Bầu cũng nhận định: Nếu dạy cả sáng và chiều, tâm lý GV sẽ căng thăng hơn bởi khối lượng công việc trong ngày sẽ gấp đôi. Bình thường GV dạy ít nhất là 3 tiết/ngày, người dạy nhiều 5 tiết/ngày. Nếu chia lớp và dạy cả ngày, mỗi GV sẽ phải dạy từ 6 - 10 tiết/ngày. Tuy nhiên, thầy Bầu tin rằng khó khăn mang tính tạm thời trong 1 - 2 tháng và đòi hỏi nỗ lực của GV, đồng hành của nhà trường.

Điều chúng tôi phải làm thật tốt khi thực hiện giãn cách HS trong một lớp là động viên tư tưởng mỗi GV. Có như vậy, thầy cô sẽ thêm hiểu hậu quả bệnh dịch gây ra là bất khả kháng và toàn xã hội cùng chịu ảnh hưởng... chứ không chỉ với ngành Giáo dục và mỗi giáo viên. Tuy nhiên, việc khắc phục khó khăn trong thời gian ngắn GV sẽ làm được. Nếu lâu dài cần có giải pháp tháo gỡ khác để GV không phải mãi “kiễng chân”. - Thầy Tạ Văn Kha

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ