Giảm tăng huyết áp không cần dùng thuốc

GD&TĐ - Các nhà chuyên môn cho rằng, bệnh tăng huyết áp là “sát thủ thầm lặng”. Điều này đúng trong rất nhiều trường hợp. Bởi người mang bệnh hoàn toàn không biết mình đang bị tấn công từng ngày, từng giờ cho đến khi tai họa ập đến như là cơn đột quỵ, cơn đau tim. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Bệnh viện Lão khoa Trung ương, ở Việt Nam có đến 1/2 số người trên 60 tuổi bị tăng huyết áp. Xin giới thiệu các biện pháp làm giảm tăng huyết áp mà không phải dùng thuốc.

1. Sự điều độ và giảm cân

Béo phì gây ra và làm trầm trọng thêm một số vấn đề sức khỏe, bao gồm tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái đường type 2 và một số loại ung thư. Nhiều người có thể làm giảm cân nặng bằng cách thực hiện điều độ trong ăn uống và tăng cường luyện tập hằng ngày.

Các chuyên gia đề nghị một chương trình làm giảm cân có hệ thống và từng bước với mục tiêu giảm 10% cân nặng trong vòng 6 tháng. Để giảm khoảng 1/2 kg trong một tuần thì cần giảm nhu cầu hằng ngày khoảng 275 calories.

2. Thận trọng với các chất bổ sung

Cần tham vấn bác sĩ trước khi sử dụng các viên “dinh dưỡng”. Hầu hết các thuốc này chứa đựng các chất kích thích giống như là caffeine có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến hệ thống tim mạch, như là gia tăng huyết áp và gây ra nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim).

Việc làm giảm cân nặng yêu cầu thực hiện một chế độ ăn có lợi cho sức khỏe và luyện tập thường xuyên.

3. Tiết thực giảm tăng huyết áp

Viện tim mạch, phổi và huyết học quốc gia (Hoa Kỳ) đã đưa ra lời hướng dẫn để giúp phòng tránh và điều trị tăng huyết áp. Lời hướng dẫn này đề nghị mọi người tuân theo kế hoạch tiết thực để giảm tăng huyết áp, bao gồm việc ăn nhiều trái cây, rau xanh và các sản phẩm bơ không có mỡ.

Việc ăn nhiều rau quả giúp cho cơ thể chuyển hóa tốt các chất béo và làm hạ huyết áp. Chất xơ trong rau quả thu hút các axit mật do cơ thể sản sinh ra để chuyển hóa các chất béo và thải chúng ra môi trường bên ngoài.

Điều này buộc lòng cơ thể huy động kho dự trữ cholesterol ở gan để sản xuất ra các axit mật. Nhờ vậy mà lượng cholesterol trong máu hạ, giảm nguy cơ bị xơ vữa động mạch.

Tổ chức này cũng đề nghị thay đổi một số phong cách sống, bao gồm việc giảm cân nặng quá mức, hoạt động thân thể thích hợp, hạn chế thức uống có cồn và tuân theo chế độ ăn có lợi cho tim như giảm lượng muối và các hình thức khác của muối.

Mỡ và thịt động vật các loại có hàm lượng bão hòa cao, là nguồn gốc phát sinh ra chứng xơ vữa động mạch. Do vậy, các nhà chuyên môn khuyên nên chuyển dần chế độ ăn nhiều thịt sang chế độ ăn nhiều cá và đạm thực vật.

Bên cạnh đó, ăn vài tép tỏi mỗi ngày có tác dụng kiện tỳ, giải độc, tăng cường huyết động, hỗ trợ làm hạ huyết áp.

Nghiên cứu của chuyên gia dinh dưỡng Trường Đại học Harvard (Mỹ) kết luận: “Chỉ cần không ăn thịt và những sản phẩm từ sữa vài lần mỗi tuần. Nếu mọi người đều làm được điều này, tỷ lệ bệnh tim mạch sẽ giảm đáng kể”.

Canh mộc nhĩ, khổ qua cũng có tác dụng giải độc rất tốt. Đồng thời cải thiện lượng mỡ trong máu và làm giảm huyết áp.

4. Giảm lượng muối ăn

Các nghiên cứu kết luận, càng ăn ít muối thì nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp càng thấp. Lượng muối đưa vào cơ thể mỗi ngày 1,5 gram là mức lý tưởng, mặc dù nhu cầu của cơ thể mỗi ngày cần đến 20 gram muối.

Ăn quá nhiều muối có thể dẫn đến việc giữ nước trong máu. Thông thường thận thải lượng nước thừa này ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, khi lượng nước thừa vượt quá ngưỡng thì thận không thể làm tròn chức năng của mình, dẫn đến việc tích luỹ nước. Điều này làm gia tăng thể tích máu bơm qua hệ thống mạch và có thể dẫn đến cao huyết áp.

5. Ngưng rượu và thuốc lá

Các nhà chuyên môn khuyên không nên hút thuốc, uống rượu. Vì cả thuốc lá và rượu đều làm tăng nhịp tim và tăng huyết áp, đồng thời giảm lượng oxy cần thiết đến các tổ chức cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu mỗi ngày dùng 100 gram rượu vang đỏ sẽ có lợi cho hoạt động của hệ tim mạch.

Tuy nhiên, ngưng hút thuốc lá không phải là điều dễ dàng, nhưng có hàng trăm nghìn phụ nữ tìm cách bỏ thuốc mỗi năm. Một khi họ gia nhập vào 50% người lớn bỏ thuốc lá, thì họ có thể nhận được sự giảm huyết áp, giảm một cách đáng kể nguy cơ đau tim, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi và một số vấn đề sức khỏe khác.

6. Cẩn thận với thuốc dùng

Người bị tăng huyết áp cũng phải cẩn thận khi sử dụng một số thuốc đếm giọt chứa các chất gây co mạch, vì có thể làm tăng huyết áp, như là các thuốc sau đây: Thuốc nhỏ mắt, thuốc chống dị ứng (Antihistamine), các thuốc dùng điều trị viêm xoang, cảm lạnh, cảm cúm và ho, đặc biệt là thuốc có chứa các chất chống sung huyết (làm thông mũi).

7. Tập luyện

Sự luyện tập đã được chứng minh là có lợi cho cả việc giảm tăng huyết áp cũng như phòng tránh các bệnh tim mạch. Vì lợi ích này mà nhiều tổ chức y tế Mỹ đã đề cao việc luyện tập.

Ngay cả mức độ tập luyện “khiêm tốn” cũng cho thấy khả năng cải thiện đáng kể sức khỏe tim mạch. Không có bài tập phức tạp để làm theo và cũng không có chương trình duy nhất mà rõ ràng là tốt hơn tất cả.

Có thể tham gia luyện tập trong một lớp yoga, đến thường xuyên một phòng tập thể dục, làm vườn, đi với con thú cưng hay khiêu vũ.

Thậm chí là đi những bước nhỏ như “leo” cầu thang thay vì đi thang máy, có thể góp phần làm giảm huyết áp và làm cho tim mạnh khỏe hơn. Điểm quan trọng nhất của tập luyện là bền bỉ và thường xuyên tốt hơn là tập tích cực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ