Giảm tai nạn giao thông, đâu chỉ là... giảm tốc độ

Giảm tai nạn giao thông, đâu chỉ là... giảm tốc độ

(GD&TĐ) - Kế hoạch tổ chức chiến dịch tuyên truyền và cao điểm xử lý vi phạm tốc độ đối với doanh nghiệp (DN) vận tải và người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, do Bộ GTVT ban hành, có hiệu lực từ 1/7. Có thể thấy đối với các cơ quan quản lý, tốc độ là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông (TNGT). Có điều, liệu các chiến dịch hay kế hoạch này có phải là “đến hẹn lại lên”, rồi lại “đâu vào đấy”?

Giảm tốc độ là giải pháp cần nhưng không phải duy nhất để giảm thiểu TNGT
Giảm tốc độ là giải pháp cần nhưng không phải duy nhất để giảm thiểu TNGT

Bắt buộc lắp “hộp đen” trên mọi phương tiện vận tải

Thực tế việc lắp thiết bị giám sát hành trình (thường gọi là “hộp đen”) đã được ngành GTVT triển khai thí điểm một thời gian trên các phương tiện vận tải. Thống kê của Uỷ ban ATGT Quốc gia, cả nước có khoảng 48.000 phương tiện vận tải bắt buộc phải lắp “hộp đen”, đến nay số lượng đã triển khai vào khoảng 20.000 phương tiện. Tuy nhiên, theo kế hoạch xử lý vi phạm tốc độ mà Bộ GTVT ban hành, từ 1/7/2013 trở đi, sẽ tiến hành xử phạt đối với tất cả chủ xe và lái xe không lắp thiết bị hành trình cũng như không hoạt động. Tất cả những thông số trên hộp đen sẽ báo hành trình của xe cũng như điều kiện xử lý DN. Bộ GTVT cho biết tới đây Chính phủ sẽ sửa đổi Nghị định 71/2012/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ), trong đó theo đề xuất của Bộ GTVT, những chủ xe vi phạm nhiều lần, Bộ GTVT tính xấp xỉ 2%, thì sẽ nghiên cứu để dừng cấp giấy phép vận tải, đồng thời không cho lái xe khách nữa đối với lái xe đó.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, thực tế từ 1/7/2013 trở về trước, thiết bị giám sát hành trình đã là bắt buộc nhưng lại chưa được tiến hành kiểm tra, do vậy về hình thức vẫn là khuyến khích mà thôi. Mục tiêu là để các chủ phương tiện tự giác thực hiện, trên cơ sở đó, bảo vệ cho chủ xe, an toàn cho hành khách và bản thân. “Những chủ xe không thực hiện thì họ chưa thấy được tầm quan trọng quản lý đội xe, lái xe, tôi tin rằng số đó là không nhiều”, ông Trường cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia - những DN vận tải không lắp thiết bị giám sát hành trình, hay có lắp nhưng thiết bị không hoạt động, là “không quan tâm tới điều kiện an toàn và quản lý doanh nghiệp. Tôi cho rằng, những doanh nghiệp này không xứng đáng để tiếp tục kinh doanh trên thị trường, đặc biệt là kinh doanh vận tải hành khách”.

Trách nhiệm vẫn là ở cơ quan quản lý

Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2013, mặc dù có những chỉ đạo quyết liệt từ các cơ quan chức năng, nhưng thực tế vẫn diễn ra hàng loạt vụ TNGT nghiêm trọng. Theo ông Nguyễn Hồng Trường, việc người điều khiển phương tiện không làm chủ tốc độ cũng chỉ là một trong những nguyên nhân chính. Bên cạnh đó còn phải kể đến việc các DN vận tải không chấp hành các quy định trong giấy phép đăng ký, dẫn đến các lái xe bất chấp tốc độ, sức khỏe không đảm bảo, lái ban đêm dẫn đến xảy ra tai nạn...

Tuy nhiên, ông Trường cũng thừa nhận thực tế trách nhiệm chủ yếu để xảy ra những thực trạng nêu trên vẫn là từ các cơ quan quản lý nhà nước. Chẳng hạn, việc cấp phép cho DN vận tải chưa đủ điều kiện; việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của các DN vận tải nhất là tại địa phương chưa thường xuyên, liên tục... dẫn đến hiện tượng có đơn vị kinh doanh vận tải chỉ có thương hiệu và cho xe bên ngoài vào kinh doanh.

Còn nhớ trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” vào ngày 30/6, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng cũng đã cho biết: Trên 80% các tai nạn nghiêm trọng là do lỗi người điều khiển phương tiện. Vấn đề đặt ra là tại sao lỗi người điều khiển phương tiện lại cao như vậy. Người đứng đầu ngành cũng đã thừa nhận ở đây là có phần nguyên nhân sâu xa từ công tác quản lý nhà nước.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, nhận thức rõ điều này, Bộ GTVT đã phối hợp với các Bộ, ngành để có kế hoạch rà soát một loạt. Trong đó, Bộ GTVT có các đoàn thanh tra đi kiểm tra rất nhiều địa phương, tập trung vào kinh doanh vận tải, từ đó phát hiện nhiều vấn đề cần chấn chỉnh, sửa đổi, kể cả văn bản pháp luật đến tinh thần, trách nhiệm thi hành công vụ, nhất là các Sở Giao thông vận tải.

“Với sự quyết liệt của Bộ GTVT, trong thời gian tới những lỗ hổng về công tác quản lý nhà nước sẽ được khắc phục, xác lập lại trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Tôi tin là tai nạn sẽ giảm”, ông Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.

Thiết Lĩnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ