(GD&TĐ) - Hiện tượng quá tải bệnh viện luôn là một nỗi bức xúc lớn cho người bệnh, cho các cán bộ y tế ở các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến Trung ương, gây ảnh hưởng lớn đến quá trình khám, chữa bệnh, hiệu quả của việc điều trị bệnh… Những giải pháp mà Bộ Y tế đề xuất để giảm sự quá tải bệnh viện trong giai đoạn 2013 – 2020 liệu có giải quyết được “bài toán” hóc búa này?
Nhiều hệ lụy do quá tải bệnh viện
Theo phân tích của PGS. TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tình trạng quá tải bệnh viện là nguyên nhân dẫn tới rất nhiều hệ lụy trong khâu khám, điều trị cho bệnh nhân và những hệ quả xấu khác cho xã hội như: làm giảm chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc người bệnh; khiến thời gian điều trị bị kéo dài do chờ đợi các kỹ thuật chẩn đoán, can thiệp hoặc do biến chứng trong quá trình điều trị; giảm sự hài lòng và mức độ hợp tác của người bệnh và gia đình người bệnh với bệnh viện.
Bên cạnh đó, quá tải bệnh viện còn làm tăng tỷ lệ tai biến, biến chứng, điển hình là nhiễm khuẩn bệnh viện, tỷ lệ sai sót trong chuyên môn tăng như sai sót trong kê đơn, cho sai thuốc, sai liều dùng, nhầm lẫn về tần suất, khoảng cách giữa các lần dùng thuốc; gia tăng chi phí điều trị đối với người bệnh, bệnh viện và xã hội.
Quá tải bệnh viện gây ảnh hưởng lớn đến quá trình khám, chữa bệnh (ảnh chụp tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tim Hà Nội) |
Các bệnh viện vẫn còn quá tải trầm trọng
Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2012, cả nước đã tăng được 11.599 giường bệnh theo kế hoạch và 12.711 giường bệnh thực kê. Tính chung công suất sử dụng giường bệnh trên cả hệ thống khám chữa bệnh có giảm nhẹ, dao động từ 1 - 2%. Tuy nhiên, bệnh viện tuyến Trung ương vẫn có công suất sử dụng giường bệnh lớn nhất là 112,5%. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, để đảm bảo hiệu quả, chất lượng của dịch vụ trong hoạt động của hệ thống khám, chữa bệnh, công suất sử dụng giường bệnh không nên vượt quá 85%.
Chị Lan Quỳnh (số nhà 54, ngõ 567, phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cho biết: Tháng trước, con chị phải vào điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai vì căn bệnh viêm phổi. Chị cảm thấy “choáng” vì giường bệnh mà con chị được xếp vào trước đó đã có hai bệnh nhi khác, và con chị là bệnh nhi thứ ba. Các giường khác của phòng bệnh đó, và của cả khoa Nhi đều trong tình trạng tương tự. Trước tình trạng đó, những gia đình có điều kiện đều phải “tìm đường cứu con”: người nhà gần thì cứ đến giờ khám bệnh, phát thuốc mới cho con vào viện, chấp nhận ngày hai buổi đi về; người ở ngoại tỉnh thì ở nhờ nhà bà con, nếu không thì thuê nhà trọ gần bệnh viện. Theo chị Quỳnh, mỗi giường bệnh có 2 – 3 bệnh nhi, cộng thêm từng ấy người nhà đi theo thì không có cả chỗ ngồi chứ đừng nói đến chuyện nằm ngả lưng.
Cần có giải pháp trọng tâm
Bộ Y tế thể hiện quyết tâm giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện bằng hàng loạt giải pháp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trong thời gian tới, Bộ Y tế cần đi sâu, ưu tiên cho những giải pháp trọng tâm, như phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh hay nâng cao chất lượng đội ngũ y bác sĩ của các cơ sở y tế tuyến dưới.
Bà Nguyễn Thị Niên (xã Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội), hiện đang chăm cháu ngoại điều trị tại A15 khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, nếu các cơ sở y tế tuyến dưới tạo được uy tín đối với người bệnh, thì chắc chắn không ai muốn lặn lội xa xôi, tốn kém tiền bạc lên các bệnh viện tuyến trên để khám, điều trị làm gì. Đây có lẽ cũng là một trong những vấn đề cốt lõi mà ngành y tế cần giải quyết ngay, nếu muốn giảm quá tải bệnh viện.
Khảo sát của Bộ Y tế cho thấy, tình trạng quá tải bệnh viện diễn ra hết sức nặng nề ở các bệnh viện tuyến Trung ương, đặc biệt tập trung vào một số bệnh viện chuyên khoa như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện K, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM... |
Nguyễn Thị Thuận