Giảm nhẹ thiên tai tác động tới hoạt động dạy - học

Giảm nhẹ thiên tai tác động tới hoạt động dạy - học

(GD&TĐ)- Năm 2012 được dự báo thiên tai sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, bất thường, khó dự báo. Bộ GD-ĐT đã và đang tích cực triển khai các hoạt động trong phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt thại về tính mạng, tài sản, hoạt động dạy - học của giáo viên (GV), học sinh (HS) và nhà trường. Phóng viên báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT PGS.TS Trần Quang Quý- Ủy viên Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương- trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Bộ GD-ĐT về công tác này.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, trong những năm gần đây, thiên tai đã xảy ra ở khắp các khu vực trên cả nước, gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng tới tính mạng, tài sản, hoạt động dạy - học của GV, HS và nhà trường. Thứ trưởng có thể nêu ra những con số sơ bộ minh họa cho thiệt hại của ngành giáo dục? 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý. Ảnh, gdtd.vn
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý. Ảnh, gdtd.vn  

Thứ trưởng (TT) Trần Quang Quý: Năm 2009 cơn bão số 9, 10 và 11 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã làm cho 44 cán bộ, GV, HS chết và mất tích; 24 người bị thương; 5.445 trường học bị sập, ngập và tốc mái; nhiều sách, vở, thiết bị dạy - học của HS, GV tại các vùng lũ bị cuốn trôi. Năm 2010 các tỉnh miền Trung từ Nghệ An tới Ninh Thuận liên tiếp chịu 3 đợt mưa lũ đặc biệt lớn trong tháng 10 và 11 đã làm cho 22 cán bộ, GV, HS chết và mất tích, 20 người bị thương, hơn 12.260 trường học bị ngập nước sâu từ 0,5m đến 2,5m. Chỉ riêng 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, ước tính tổng thiệt hại của ngành Giáo dục lên tới 705 tỷ đồng với trên 10 nghìn phòng học, phòng chức năng, thư viện bị sập đổ, cuốn trôi hoặc ngập sâu; trên 1.300 căn hộ của GV bị ngập hỏng nặng, 44.000m tường rào bị đổ, 12.700 bộ bàn ghế và 383.000 bộ sách giáo khoa bị cuốn trôi, nhiều thiết bị dạy học, máy vi tính, công trình nước sạch, vệ sinh trong trường học bị hư hỏng nặng; nhiều công trình xây dựng theo Chương trình “Kiên cố hóa trường học” chưa hoàn thành cũng bị hư hại…Qua các con số minh họa trên cho thấy, mỗi khi xảy ra thiên tai, lũ, lụt, ngành giáo dục chính là đối tượng chịu rất nhiều tác động, thiệt hại. Chính vì vậy, công tác phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai đang được Bộ GD-ĐT đặc biệt quan tâm, tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ. 

Pv: Bộ GD-ĐT đã có những chủ trương như thế nào để xây dựng kế hoạch dài hơi và mang tầm chiến lược quốc gia trong phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai? 

TT Trần Quang Quý: Thực hiện Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; sau thời gian nghiên cứu và tổ chức xây dựng, ngày 08/9/2011, Bộ GD-ĐT đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 – 2020. Từ thời điểm này, công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành giáo dục đã được đặt trong khuôn khổ của một kế hoạch dài hạn.

Pv: Những mục tiêu chính đặt ra trong Kế hoạch hành động này là gì thưa thứ trưởng?

TT Trần Quang Quý: Mục tiêu chung của Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 – 2020 là nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kĩ năng cho cán bộ, GV, HS, SV (SV); huy động và sử dụng hợp lí, hiệu quả các nguồn lực để phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành giáo dục nhằm hạn chế tối đa sự gián đoạn các hoạt động dạy - học, góp phần phát triển giáo dục, kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng; bảo đảm thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục gắn kết với chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. 

Đoàn khảo sát của Bộ GD-ĐT do thứ trưởng Trần Quang Quý dẫn đầu kiểm tra những thiệt hại do mưa lũ năm 2010 đã để lại hậu quả nghiêm trọng cho giáo dục các tỉnh miền Trung. Ảnh, gdtd.vn
   Đoàn khảo sát của Bộ GD-ĐT do thứ trưởng Trần Quang Quý dẫn đầu kiểm tra những thiệt hại do mưa lũ năm 2010 đã để lại hậu quả nghiêm trọng cho giáo dục các tỉnh miền Trung. Ảnh, gdtd.vn    

Để thực hiện mục tiêu chung, Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 – 2020 đã đề ra các mục tiêu cụ thể trên nhiều mặt: Thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức; tập huấn nâng cao năng lực; lồng ghép, tích hợp những kiến thức cơ bản về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào các chương trình giáo dục, hoạt động ngoại khoá trong nhà trường; tổ chức đào tạo các chuyên ngành phục vụ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; nghiên cứu và thiết kế mô hình trường/lớp học phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Pv: Nhiệm vụ và các giải pháp đặt ra để đạt được các mục tiêu trên đây là gì?

TT Trần Quang Quý: để thực hiện các mục tiêu trên, Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 – 2020 đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Các nhiệm vụ, giải pháp được thực hiện thông qua việc xây dựng và thực hiện các đề án sau: Đề án đưa kiến thức về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào nhà trường. Biên soạn tài liệu, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, GV, nhân viên và cộng đồng; Đề án tổ chức thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong các nhà trường và cộng đồng; Đề án thu thập, xử lý thông tin, kiểm tra, đánh giá trước, trong và sau thảm hoạ thiên tai nhằm lập kế hoạch chuẩn bị, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai; Đề án nghiên cứu, thiết kế mô hình và xây dựng thí điểm mẫu trường/lớp học phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại một số khu vực đặc thù; Đề án rà soát, đề xuất việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai theo nhu cầu xã hội.

Pv: Tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 – 2020 là một công việc phức tạp, diễn ra trong thời gian dài. Xin Thứ trưởng cho biết công tác tổ chức của ngành giáo dục như thế nào? 

TT Trần Quang Quý: kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 – 2020 đã quy định rõ việc tổ chức bộ máy các cấp trong ngành giáo dục, cụ thể như sau: Ở cấp Bộ: thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão và triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2020. Ở cấp tỉnh: thành lập Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo (hoặc lồng ghép với Ban Chỉ đạo khác có liên quan như Ban Chỉ đạo về biến đổi khí hậu, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão,…). Ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp: thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai (hoặc lồng ghép với Ban Chỉ đạo khác có liên quan).

Về công tác triển khai thực hiện, căn cứ Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 – 2020, các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục đào tạo và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết, xác định các nhiệm vụ, nội dung, biện pháp cần ưu tiên để bố trí các nguồn lực triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện đặc thù, nhiệm vụ, chức năng của đơn vị mình. Định kỳ hoặc đột xuất, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức kiểm tra, giao ban theo nhóm, khu vực để rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp phù hợp với điều kiện từng địa phương theo ba giai đoạn trước, trong và sau thảm họa thiên tai.

Trận lũ kép năm 2010 đã để lại hậu quả nặng nề, đặc biệt là 12.700 bộ bàn ghế và 383.000 bộ sách giáo khoa bị cuốn trôi, nhiều thiết bị dạy học, máy vi tính bị hỏng; bằng nhiều nguồn lực, Bộ GD-ĐT đã cứu trợ kịp thời cho ngành giáo dục tại các tỉnh này sớm đi vào ổn định. Ảnh, gdtd.vn
 Trận lũ kép năm 2010 đã để lại hậu quả nặng nề, đặc biệt là 12.700 bộ bàn ghế và 383.000 bộ sách giáo khoa bị cuốn trôi, nhiều thiết bị dạy học, máy vi tính bị hỏng; bằng nhiều nguồn lực, Bộ GD-ĐT đã cứu trợ kịp thời cho ngành giáo dục tại các tỉnh này sớm đi vào ổn định. Ảnh, gdtd.vn

Pv: trong năm 2012, Bộ GD-ĐT đã có những việc làm trọng tâm nào để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 – 2020 thưa Thứ trưởng?

TT Trần Quang Quý: ngay từ những tháng đầu năm, Bộ GD-ĐT đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thực hiện các nội dung của Kế hoạch này. Có thể kể ra một số hoạt động chủ yếu sau: Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão của Bộ thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão và triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2020. Ban hành Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2012 nhằm chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, viện, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2012. Triển khai xây dựng các đề án đã được xác định trong Kế hoạch, trong đó tập trung ưu tiên làm trước các đề án quan trọng: Đề án đưa kiến thức về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vào nhà trường. Biên soạn tài liệu, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, GV, nhân viên và cộng đồng; Đề án tổ chức thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong các nhà trường và cộng đồng và Đề án thu thập, xử lý thông tin, kiểm tra, đánh giá trước, trong và sau thảm hoạ thiên tai nhằm lập kế hoạch chuẩn bị, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai.

Phối hợp với Tổ chức Unicef tổ chức 03 hội thảo triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 – 2020 tại các khu vực dễ xảy ra thiên tai trong cả nước. Phối hợp với Tổ chức Unicef , Tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam và các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ tổ chức Lễ công bố Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2020 và Hội thảo cam kết, xây dựng kế hoạch hỗ trợ tổ chức thực hiện của Nhóm Điều phối giáo dục trong hoàn cảnh khẩn cấp.

Pv: Việc tổ chức công tác này đang gặp khó khăn, thách thức gì và ngành giáo dục cần sự hỗ trợ gì thưa Thứ trưởng?

TT Trần Quang Quý: về nguyên tắc, kinh phí thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 – 2020 được bố trí chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do ngân sách nhà nước còn khó khăn nên kinh phí hàng năm bố trí cho Bộ GD-ĐT tổ chức thực hiện công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai còn rất hạn chế.

Để thực hiện được các mục tiêu của Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 – 2020; bên cạnh nguồn kinh phí của nhà nước, Bộ GD-ĐT mong muốn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm và tài chính của các tổ chức quốc tế, các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Việc thực hiện công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành giáo dục có tác dụng truyền thông, chỉ đạo rất hiệu quả đến bộ phận lớn dân cư là đối tượng HS, SV, GV và cán bộ quản lý giáo dục (chiếm trên 25% dân số Việt Nam), đồng thời việc thông tin, truyền thông, chỉ đạo đến các đối tượng trong ngành giáo dục còn có sức lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng dân cư trong cả nước. Vì vậy, Bộ GD-ĐT rất mong nhận được sự chỉ đạo, giúp đỡ, tạo điều kiện của Chính phủ, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương trong cả nước.

Bá Hải (ghi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ