Châu Á phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng
Ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc NHNN cho biết: “Hội nghị sẽ tập trung vào hai chủ đề chính. Thứ nhất, Hội nghị sẽ bàn về việc thoát khỏi khủng hoảng, chia sẻ kinh nghiệm của châu Á trong quản lý kinh tế và những thách thức chính sách trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động mới. Vai trò của các tổ chức tài chính quốc tế và cộng đồng các nhà tài trợ trong việc hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với tác động tiêu cực của khủng hoảng.
Thứ hai, liên quan tới việc đạt tới vị thế thị trường mới nổi, Hội nghị sẽ thảo luận cách thức tăng trưởng và giảm nghèo tốt nhất cho các nước châu Á đang phát triển, đặc biệt là chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong khủng hoảng.
Như đã biết, trong cuộc khủng hoảng này, các nước đang phát triển chịu tác động mạnh, thông qua các kênh như thương mại, kiều hối, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và vốn viện trợ do đã hội nhập sâu rộng hơn. Năm 2009, cán cân ngân sách tổng thể của nhóm nước này ước giảm 2,5 điểm % GDP, trong đó thu từ xuất khẩu hàng hóa giảm 5 điểm phần trăm GDP. Đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 20% so với năm 2008, đặc biệt giảm mạnh tại châu Á và châu Mỹ la tinh.
Người nghèo là nhóm đối tượng bị tác động mạnh nhất, trên nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó việc làm và thu nhập giảm mạnh, đặc biệt là tại các quốc gia xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp. Ngay tại châu Á, khủng hoảng đã đẩy 14 triệu người vào cảnh nghèo khổ, trong đó đa số là tại các nước đang phát triển”.
Năm 2009, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn là một trong số ít các nước có tốc độ tăng trưởng khá cao, đạt 5,32%. |
So với phần còn lại của thế giới, các nước châu Á đang phát triển phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng, nhờ vào những nền tảng kinh tế vĩ mô mạnh, và phản ứng chính sách nhanh chóng, quyết liệt và toàn diện của các nước trong khu vực.
Năm 2009, trong khi thế giới chỉ tăng trưởng khoảng 1%, châu Á đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 4,5%, đáng chú ý là Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia và Việt Nam có đà tăng trưởng ấn tượng. Chính vì vậy, châu Á đã dẫn đầu thế giới trên con đường vượt qua khủng hoảng, và được coi là đầu tầu tăng trưởng mới của nền kinh tế toàn cầu, với mức tăng trưởng khu vực năm 2010 được dự kiến ở mức 7%, so với mức 4% của thế giới.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ như vậy, nhưng các nước châu Á đang phát triển vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức mới do tác động của cuộc khủng hoảng. Đó là cầu thế giới giảm và sức ép đối với ngân sách tăng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nghèo và tái nghèo tăng lên, do tác động của khủng hoảng, tăng giá lương thực và hậu quả của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tại các nước Đông và Nam Á. Do đó, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn, các nhà hoạch định chính sách châu Á cần nhanh chóng xác định mô hình và giải pháp phát triển kinh tế xã hội phù hợp trong tình hình mới, trong đó chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới cơ cấu, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đảm bảo an sinh xã hội.
Muốn phát triển phải đảm bảo an sinh xã hội
Ông John Lipsky, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất IMF cho rằng, châu Á đang đóng vai trò trung tâm trong quá trình phục hồi kinh tế thế giới; tuy nhiên, tỷ lệ người nghèo trong khu vực vẫn còn cao và các Chính phủ cần tập trung chính sách giúp giảm nghèo hơn nữa trong giai đoạn tới.
Theo ông Lipsky, để vươn tới vị thế thị trường mới nổi, các nước đang phát triển châu Á cần đảm bảo tăng trưởng lành mạnh trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, coi cải cách cơ cấu là ưu tiên trong việc cải thiện sức cạnh tranh và hội nhập sâu hơn nữa vào mạng lưới thương mại toàn cầu; và cuối cùng là đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng tiếp cận luồng tài trợ quốc tế đối với các nước đang phát triển Châu Á trong việc đảm bảo tăng trưởng bền vững và giảm nghèo và đối phó với những nguy cơ trong dài hạn, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh cầu thế giới suy giảm, tăng trưởng xuất khẩu tới các khu vực khác chậm lại, các nước châu Á đang phát triển cần tìm ra những nhân tố tăng trưởng mới. Một trong những giải pháp ưu tiên là đẩy mạnh đầu tư trong nước, đặc biệt là các lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng như giao thông, năng lượng và viễn thông.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hạn chế về ngân sách sau khủng hoảng, các nước cần tăng cường hiệu quả đầu tư, sử dụng mô hình kết hợp giữa chính phủ và tư nhân, đẩy mạnh đầu tư tư nhân, và tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ bên ngoài. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chú trọng tới tăng trưởng tiết kiệm nhiên liệu và xử lý các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu. Đặc biệt, nhiệm vụ củng cố mạng lưới an sinh xã hội để bảo vệ người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương nhất là một nhiệm vụ rất quan trọng.
Năm 2009, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn là một trong số ít các nước có tốc độ tăng trưởng khá cao, đạt 5,32%. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng cả năm tăng 6,52%. Tình hình xuất khẩu những tháng cuối năm được cải thiện rõ rệt, giúp kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm 2009 đạt khoảng 57 tỷ USD. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2009 mặc dù có suy giảm nhưng vẫn ở mức khả quan đạt 21,5 tỷ USD. Trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế do tác động của khủng hoảng, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thích đáng, nhất là hướng vào công tác xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, góp phần bảo đảm đời sống nhân dân, đặc biệt là đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Qua đó, công tác xóa đói, giảm nghèo có nhiều chuyển biến quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2009 giảm xuống còn 12%, và phấn đấu giảm xuống còn 10 - 11% cho năm 2010. |
Trần Nhật