Giải tỏa thắc mắc sĩ tử trước giờ G

Những thắc mắc của các sĩ tử trước kì thi tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2014 được chắt lọc và trả lời giúp các bạn có cách ứng xử đúng trong kỳ thi.

Giải tỏa thắc mắc sĩ tử trước giờ G

Mình nghe nói, các năm trước, có nhiều bạn thi tốt nghiệp đạt điểm 10 nhưng khi đại học chưa đủ điểm trung bình. Điều đó là do đề thi hay thầy cô chấm “khó” vậy?

Là kì thi “tuyển” để chọn người đủ “chuẩn” học đại học nên từ đề thi đến cách chấm bài thi ĐH đều khó hơn rất nhiều với kì thi tốt nghiệp. 

Thế nên, chuyện đạt điểm 10 trong kì thi tốt nghiệp nhưng chưa đủ điểm trung bình, thậm chí chỉ được 1, 2 điểm khi thi đại học là chuyện bình thường nếu các bạn chủ quan, ôn tập không kĩ và không có “chiến thuật” làm bài hiệu quả.

“Chiến thuật” làm bài hiệu quả, cụ thể là sao vậy?

Đề thi đại học chắc chắn sẽ khó hơn nhiều so với đề thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, cả hai đều mang tính phân loại cao. Tức là, luôn có những câu hỏi dễ để hầu hết các thí sinh đều làm được, nhưng có những câu khó, thậm chí rất khó dành cho các bạn khá giỏi.

Tất nhiên, sự khó, dễ ấy không thể hiện rõ ràng, cụ thể theo trình tự mà được phân bố rải rác trong đề thi. Vì vậy teen nhà mình rất nên dành thời gian đọc kĩ đề, rồi sau đó, câu nào dễ làm trước, câu khó làm sao, để đảm bảo không đạt điểm tối đa cả đề thi thì cũng phải lấy điểm tối đa của các câu dễ. Hãy chắt chiu từng 0,25 điểm, vì đó hoàn toàn có thể là số điểm đủ giúp bạn đậu đại học.

Nhiều thí sinh thích đề thi tốt nghiệp vừa qua vì nó được ra theo hướng mở. Điều đó có thể “lặp lại” trong kì thi ĐH - CĐ?

Theo Bộ GD & ĐT, đề thi đại học năm nay sẽ ra theo hướng mở, không đánh đố, không bắt thí sinh phải học thuộc lòng, tăng cường kiểm tra năng lực, khả năng sáng tạo của thí sinh. Teen có thể an tâm rồi nhé!

Vừa rồi, nhiều bạn “né” môn ngoại ngữ vì môn này có phần viết luận. Vậy trong kì thi đại học, môn ngoại ngữ có phần viết luận không?

Chính xác là không bạn nhé! Toàn bộ đề thi vẫn được ra theo hình thức trắc nghiệm nên những teen thích khối D có thể “thở phào nhẹ nhõm” rồi đó!

Còn đề thi môn ngữ văn thì sao? Cấu trúc đề thi có giống như khi tụi mình thi tốt nghiệp? Làm sao để đạt điểm cao môn này?

Đề thi môn Ngữ văn vẫn sẽ có câu hỏi mở. Câu hỏi mở thường nằm ở câu 3 điểm trong cấu trúc đề thi gồm các câu 2 điểm, câu 3 điểm, câu 5 điểm.

Phần đọc hiểu sẽ nằm trong trong câu ít điểm (ưu tiên các ngữ liệu trong sách giáo khoa), phần làm văn sẽ nằm ở câu nhiều điểm. Câu nghị luận xã hội 3 điểm, câu nghị luận văn học 5 điểm. Lưu ý, khi làm bài, với phần đọc hiểu, đề hỏi gì trả lời đó, ngắn gọn, không dài dòng.

Còn với phần làm văn, nếu gặp đề thi gộp cả 2 phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học thành một như đề thi tốt nghiệp, teen nhớ làm cả hai phần.

Nhiều teen gặp dạng đề này thường chỉ làm một phần hoặc làm sơ sài cả hai phần nên không được điểm cao. Ngoài ra, về mặt hình thức, teen cần phân biệt đoạn văn và bài văn. 

Nếu đề yêu cầu viết đoạn văn thì chỉ viết đoạn văn, không viết bài văn (gồm đoạn mở bài, thân bài, kết luận). Với đề làm văn “2 trong 1”, teen chỉ nên viết một bài văn chứ không nên viết thành 2 bài riêng biệt.

Mình nghe nói, khi thi môn Địa, sẽ không được mang Atlat vào phòng thi như khi tốt nghiệp?

Chính xác! Vì thế, bạn cần phải nắm rõ những kiến thức lí thuyết trong sách giáo khoa, đặc biệt là những kiến thức về biển đảo như các vùng biển Việt Nam, các huyện đảo, tài nguyên biển…

Theo Mực tím

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ