Tuy nhiên, để đạt mơ ước, ngoài sự giúp đỡ của thầy cô, bản thân mỗi trò cần nỗ lực không ngừng để làm quen cuộc sống tự lập tại môi trường mới, cách học mới…
Bước đệm để vươn đến ước mơ
Nguyễn Văn Huy, người dân tộc Lào, học sinh lớp 10, Trường THCS&THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em, Huy là con út. Từ nhỏ, nam sinh đã chứng kiến cảnh bố mẹ tần tảo với mấy sào ruộng để nuôi bốn anh chị em học hành. Vì vậy trong quá trình học, Huy nỗ lực để được tuyển vào trường nội trú tỉnh nhằm giúp gia đình giảm bớt gánh nặng.
Huy chia sẻ: “Ba năm học THPT rất quan trọng và khá tốn kém. Gia đình không khá giả để có điều kiện cho em đi học thêm như những bạn khác. Do đó, trường nội trú là lựa chọn tốt nhất cho em đến gần với ước mơ trở thành kỹ sư sửa chữa ô tô”.
Bỡ ngỡ, nhớ nhà và lo lắng khi đến môi trường mới là tâm trạng mà nữ sinh Đinh Thị Thanh Mai (học sinh lớp 10, Trường PTDT Nội trú THCS&THPT Bắc Yên, tỉnh Sơn La) gặp phải trong tuần đầu sống xa nhà. Vì vậy, chỉ một vài hình ảnh quen thuộc thoáng qua là nỗi nhớ nhà lại ùa về trong Mai.
Mai chia sẻ: “Em cũng như nhiều bạn chọn vào học trường nội trú vì gia đình hoàn cảnh khó khăn. Vào đây, em được Nhà nước hỗ trợ chi phí học hành, sách vở, quần áo và bữa ăn hàng ngày. Đồng thời, tại trường nội trú ngoài học trên lớp, những buổi tự học cũng có thầy cô hỗ trợ ôn tập. Như vậy, cơ hội bước vào với giảng đường đại học gần hơn”.
Cũng như Mai, nữ sinh Mạc Quỳnh Anh, học sinh lớp 10, Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), chia sẻ: “Trong tuần đầu học tại trường, chúng em được thầy cô dạy các kiến thức tự lập, bảo vệ bản thân và cách sinh hoạt trong môi trường tập thể. Bên cạnh đó, hằng ngày cô giáo chủ nhiệm, ban giám hiệu cũng đến phòng động viên, chia sẻ và hỏi han chúng em để vơi bớt nỗi nhớ nhà, yên tâm học tập. Nhà trường đã tổ chức đêm gala chào đón học sinh lớp 10 nhằm tạo sự gần gũi giữa học sinh các khóa với nhau”.
Học sinh Trường PTDT Nội trú THCS&THPT Bắc Yên (tỉnh Sơn La) tham gia hoạt động lao động. Ảnh: NVCC |
Nhiều hoạt động hỗ trợ
Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Cẩm Tú, giáo viên Trường THCS&THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh, với học sinh nội trú, hai tuần đầu năm học rất quan trọng để hình thành thói quen học tập cho các em, đặc biệt là học sinh đầu cấp.
Cô Cẩm Tú dẫn chứng: Học sinh lớp 6 đang quen với cách học phụ thuộc vào thầy cô từ cấp 1. Vì vậy, để các em rèn luyện tính tự giác, độc lập trong học tập, những tuần đầu tiên mỗi thầy cô phải có sự kiên trì, bền bỉ, chủ động với học sinh. Bên cạnh đó, Chương trình GDPT 2018, học sinh lớp 6 rất cần sự đồng hành của phụ huynh, nhưng học sinh nội trú thì rất khó nên thầy cô như cha mẹ đồng hành cùng các em.
“Đồng hành, chia sẻ, động viên” là câu nói mà cô Vương Xuân Thuận, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn luôn nhắc nhở học sinh, giáo viên trong trường.
“Sau khi học sinh đầu cấp đến nhập học, nhà trường sẽ thông tin tới phụ huynh và các em về điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, ký túc xá cũng như hoạt động học tập, sinh hoạt để phụ huynh, học sinh nắm được và chuẩn bị tâm thế. Đặc biệt năm nay, lớp 10 sẽ học Chương trình GDPT 2018, chúng tôi cũng lưu ý các em trong việc chọn tổ hợp cũng như lên kế hoạch học tập cụ thể cho bản thân để đạt hiệu quả tốt nhất”, cô Thuận chia sẻ.
Bên cạnh đó, trong những tuần đầu năm học, Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn cũng yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu hoàn cảnh của mỗi học sinh để biết em nào cần được hỗ trợ, từ đó nhà trường sẽ lên phương án. Trước đó, tối 19/8, nhà trường đã tổ chức chương trình gala chào đón học sinh K10. Tại đây, học sinh khối 10 sẽ được gặp gỡ với học sinh khối 11, 12 và các thầy cô.
“Các em được lắng nghe anh chị khóa trước có thành tích tốt chia sẻ phương pháp học, cách vượt qua những khó khăn giai đoạn đầu mới nhập học. Nhà trường cũng lồng ghép để phổ biến nội quy, nội quy ký túc xá, phòng ở cho học sinh khóa mới”, cô Thuận cho hay.
Không chỉ vậy, trong những tuần đầu năm học, Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn tổ chức chương trình ngoại khóa Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh lớp 10; tổ chức “diễn đàn tuyên truyền pháp luật về ma túy, an ninh mạng và phòng cháy, chữa cháy” giúp các em hiểu rõ hơn về tệ nạn ngoài xã hội, nhận biết nguy cơ tiềm ẩn trên mạng xã hội và cách phòng tránh, bảo vệ bản thân... “Đặc biệt, học trò được các đồng chí thuộc Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 2 giáo dục kỹ năng gấp chăn màn nhanh gọn, đảm bảo yêu cầu”, cô Thuận cho biết.
Tuần đầu tiên học sinh nhập học, ngoài những giờ học trên lớp, sinh hoạt chung, trong các bữa ăn, tôi sẽ đến hỏi han các em về thực đơn có hợp khẩu vị, đủ no không? Nếu chưa no hay không hợp khẩu vị, chúng tôi sẽ góp ý với cô nuôi để có phương án điều chỉnh sao cho phù hợp. Đối với học sinh đầu cấp, tôi cố gắng tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, nắm bắt tâm lý để động viên các em không nản và đòi về. Tôi luôn nói với học sinh của mình khi đến đây học, thầy cô, bạn bè chính là gia đình, người thân của mình. - Cô Đinh Thị Nuôi (Giáo viên môn Ngữ văn Trường PTDT Nội trú THCS&THPT Bắc Yên, tỉnh Sơn La)