Giải quyết nợ công - hướng nào ít rủi ro?

GD&TĐ - Theo các chuyên gia đến từ Chương trình Phát triển Liên Hiêp Quốc (UNDP), trong các khoản chi tiêu thường xuyên của ngân sách Nhà nước, các hạng mục chi tiêu tăng nhanh nhất là ở lĩnh vực hành chính (83,43%), giáo dục và đào tạo (78,49%).  

UNDP vừa phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam công bố Báo cáo đánh giá về tài chính cho phát triển của Việt Nam (ảnh: Thạch Thảo)
UNDP vừa phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam công bố Báo cáo đánh giá về tài chính cho phát triển của Việt Nam (ảnh: Thạch Thảo)

GD&ĐT - khoản chi tiêu thường xuyên tăng nhanh thứ hai

“Việc phải đáp ứng các nghĩa vụ chi tiêu thường xuyên ngày càng tăng đã tạo nên sức ép lớn đối với ngân sách Nhà nước. Trên thực tế, tổng chi tiêu thường xuyên của Chính phủ (không kể những khoản trả nợ gốc) đã tăng vọt lên 75,11% năm 2015 so với năm 2011 và tăng gần gấp đôi so với mức tăng nguồn thu ngân sách phi viện trợ (38,9%) trong cùng thời kỳ.

Trong các khoản chi tiêu thường xuyên, các hạng mục chi tiêu tăng nhanh nhất là ở lĩnh vực hành chính (83,43%), giáo dục và đào tạo (78,49%). Những khoản chi này đóng góp vào mức thâm hụt ngày càng lớn của ngân sách Nhà nước (bao gồm các khoản trả nợ gốc cho các chi tiêu của Chính phủ) từ khoảng 4% GDP năm 2011 lên 6,3% GDP năm 2015” - UNDP nêu thực trạng từ sức ép của chi tiêu thường xuyên trong công bố mới đây.

UNDP cũng phân tích: Tình trạng tăng lên nhanh chóng của các khoản nợ công trong nước chứa đựng nhiều rủi ro. Khi mà hầu hết trái phiếu Chính phủ đều do các ngân hàng thương mại nắm giữ (79,6% cuối năm 2011 và 55,4% cuối năm 2016).

Điều đó cho thấy hai rủi ro chính cần lưu ý, đó là sự suy giảm tính bền vững của các ngân hàng thương mại, bởi bất kỳ một sự suy giảm đột ngột nào về giá trị trái phiếu Chính phủ cũng có thể gây ra hậu quả tiêu cực tức thời cho tổng kết tài sản của các ngân hàng, đồng thời gia tăng khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong việc tiếp cận các nguồn tín dụng có chi phí hợp lý từ các ngân hàng thương mại.

Thêm nữa, hầu hết trái phiếu Chính phủ đều có kỳ hạn ngắn, chi phí huy động cao (lãi suất bình quân hơn 10% cho trái phiếu thời hạn 5 năm). Điều này dẫn tới những nghĩa vụ thanh toán nặng nề, thậm chí ở một số thời điểm (trong các năm 2014 - 2016) đã vượt quá khả năng thanh toán của ngân sách Nhà nước.

Trong khi đó, các khoản Chính phủ vay từ Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Quỹ tích lũy để trả nợ và vốn nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước đã đến giới hạn, ảnh hưởng đến tính thanh khoản của các định chế tài chính này. Cùng với đó, các khoản nợ của các doanh nghiệp Nhà nước và chính quyền địa phương có bảo lãnh của Chính phủ cũng là một rủi ro đáng kể đối với tính bền vững của các khoản nợ công.

Từ những rủi ro ẩn chứa trên, các chuyên gia của UNDP cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần khẩn cấp tái cấu trúc nợ trong nước và rà soát lại chiến lược vay nợ trong nước.

Hầu hết trái phiếu Chính phủ đều có kỳ hạn ngắn, chi phí huy động cao
Hầu hết trái phiếu Chính phủ đều có kỳ hạn ngắn, chi phí huy động cao

Đầu tư như thế nào cho phát triển bền vững?

“Đẩy mạnh đầu tư tư nhân trong nước để đáp ứng nhu cầu tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” - UNDP nhấn mạnh, khi các chuyên gia của tổ chức này bằng một báo cáo chi tiết “Đánh giá tình hình tài chính cho phát triển Việt Nam” đã sử dụng thấu kính “Khung tài chính tích hợp quốc gia”. Qua đó, báo cáo này phân tích cơ cấu, tính chất và xu hướng tài chính phát triển và các nguồn đầu tư cho phát triển ở Việt Nam (có so sánh với các nước khác - chủ yếu là các nước trong khu vực ASEAN).

“Gia tăng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và mở rộng nguồn tài chính tư nhân trong nước là những ưu tiên hàng đầu, giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu tài chính cho việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững” - khuyến nghị chính của các chuyên gia thực hiện báo cáo trên nêu.

Lần công bố báo cáo này, các chuyên gia của UNDP đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về những thay đổi trong bức tranh tài chính phát triển ở Việt Nam. Trong đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và luồng tiền gửi vào gia tăng, trong khi trợ giúp phát triển chính thức giảm, và nguồn thu ngân sách không tăng đủ để đáp ứng nhu cầu đầu tư công cần thiết cho chi tiêu bắt buộc ngày càng tăng và nợ công gia tăng.

Theo ông Haoliang Xu (Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, Giám đốc UNDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương), báo cáo đánh giá tài chính cho phát triển cho thấy bức tranh tài chính phát triển ở Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng. Ông Haoliang Xu nhấn mạnh: “Đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước tăng gấp đôi vào năm 2015 so với năm 2002, nhưng chỉ chiếm 40% tổng tài chính cho phát triển và tỉ lệ đầu tư tư nhân trên đầu người của Việt Nam - 490 đô la Mỹ so với mức trung bình của các nước ASEAN là 690 đô la Mỹ - trong nhóm thấp nhất ở khu vực ASEAN”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.