Giải pháp quan trọng nâng cao năng lực cán bộ quản lý cấp phòng GD&ĐT

Giải pháp quan trọng nâng cao năng lực cán bộ quản lý cấp phòng GD&ĐT

Quy định rõ tiêu chuẩn chức danh trưởng, phó trưởng phòng GD&ĐT

TS Nguyễn Quang Nhữ - Phó trưởng phòng Phát triển đội ngũ Nhà giáo và CBQL giáo dục (Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục, Bộ GD&ĐT) – cho biết: Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đã chỉ rõ: “…Công tác quản lý giáo dục và đào tạo có bước chuyển biến nhất định. Tuy nhiên, quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém…”.

Nghị quyết 29 cũng xác định: “Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất…”; “… Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế; khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; cán bộ quản lý giáo dục các cấp phải qua đào tạo về nghiệp vụ quản lý…”.

Thực tiễn cho thấy, CBQL giáo dục nói chung và trưởng phòng, phó trưởng phòng GD&ĐT nói riêng có vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay – giai đoạn triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và lộ trình cụ thể được quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Chính vì vai trò quan trọng của CBQL giáo dục, của trưởng phòng, phó trưởng phòng GD&ĐT nên trong Chỉ thị số 2268/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019-2020 của ngành Giáo dục về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019-2020 của ngành Giáo dục đã xác định rõ: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục”, với nội dung cụ thể: “Ban hành tiêu chuẩn chức danh và chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý phòng, sở giáo dục và đào tạo…”.

Ngày 9/8/2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 10/2019/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng GD&ĐT (Thông tư số 10). Thông tư này có một số điểm cần lưu ý:

Thứ nhất, cán bộ, công chức, viên chức khi được cấp có thẩm quyền xem xét quy hoạch chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng GD&ĐT thì chưa yêu cầu phải có chứng chỉ chương trình bồi dưỡng trưởng phòng, phó trưởng phòng nhưng khi được bổ nhiệm thì phải có chứng chỉ chương trình bồi dưỡng trưởng phòng, phó trưởng phòng;

Thứ 2: Đối với trưởng phòng, phó trưởng phòng nữ dưới 50 tuổi hoặc trưởng phòng, phó trưởng phòng nam dưới 55 tuổi chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn thì trong thời gian nhiệm kỳ bổ nhiệm phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định, tức là phải có chứng chỉ chương trình bồi dưỡng trưởng phòng, phó trưởng phòng GD&ĐT;

Thứ 3: Căn cứ các tiêu chuẩn quy định tại Thông tư số 10, UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện, phòng GD&ĐT thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng GD&ĐT.

Trưởng, phó phòng GD&ĐT phải bồi dưỡng 160 tiết

Ngày 17/12/2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 4856 ban hành chương trình bồi dưỡng trưởng phòng, phó trưởng phòng GD&ĐT. Chương trình bồi dưỡng gồm 4 mô-đun, 160 tiết, trong đó có 15 tiết ôn tập/kiểm tra, 120 tiết bồi dưỡng và 25 tiết khảo sát thực tế. Cụ thể là:

Mô-đun 1: Quản lý giáo dục với 2 chuyên đề: Quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; Quản lý các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn.

Mô-đun 2: Tiếp cận giáo dục với 2 chuyên đề: Công bằng trong giáo dục; Phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc.

Mô-đun 3: Điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông với 2 chuyên đề: CBQL và giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; Cơ sở vật chất, thiết bị; tài chính.

Mô-đun 4: Đảm bảo chất lượng với 2 chuyên đề: Đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và các chỉ số phát triển chất lượng giáo dục địa phương.

Ngoài những yêu cầu cần phải có về lĩnh vực quản lý nhà nước theo quy định. Theo TS Nguyễn Quang Nhữ, đây là những nội dung hết sức cơ bản, quan trọng, gắn chặt với vị trí và chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của phòng GD&ĐT, với chức trách và nhiệm vụ của trưởng phòng, phó trưởng phòng GD&ĐT theo quy định có tính đặc thù của Ngành, nhất là trong quá trình triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hiện nay và trong những năm tiếp theo.

Chương trình bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, giúp trưởng phòng, phó trưởng phòng GD&ĐT và cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền xem xét, quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức danh này, sau khi được bồi dưỡng, cụ thể:

Xây dựng được kế hoạch phát triển GD&ĐT của cấp huyện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT của ngành; Tổ chức thực hiện được kế hoạch phát triển GD&ĐT và chủ động xử lý các vấn đề của giáo dục địa phương theo thẩm quyền.

“Việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành đồng thời Quy định tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng GD&ĐT cùng với Chương trình bồi dưỡng trưởng phòng, phó trưởng phòng GD&ĐT là một trong những giải pháp cơ bản, quan trọng, kịp thời, góp phần nâng cao năng lực CBQL để thực hiện thắng lợi đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT nói chung và đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nói riêng” - TS Nguyễn Quang Nhữ nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.
Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.