Giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên THCS

GD&TĐ - Chương trình bồi dưỡng và nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo theo những yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp bắt đầu triển khai từ năm 2010 giúp nhà giáo thường xuyên tự học tập và rèn luyện để nâng cao mức đạt được theo các yêu cầu của chuẩn.

Giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên THCS

Các chuẩn đó được thể hiện cụ thể về phẩm chất đạo đức; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; năng lực tìm hiểu môi trường và đối tượng giáo dục; năng lực phối hợp với gia đình, cộng đồng và xã hội trong công tác giáo dục, về năng lực phát triển nghề nghiệp...

Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng và quản lý bồi dưỡng cần được đánh giá, cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng chất lượng giáo dục của nhà trường.

Chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm

Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tư cách nhà giáo – công dân qua những nội dung cụ thể như sau:

Bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên về chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; Phổ biến, quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, các quy định của Nhà nước và của Ngành, nhiệm vụ và kế hoạch giáo dục & đào tạo năm học mới, tình hình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương, trong nước và quốc tế.

Bồi dưỡng quan điểm nhận thức về chuyên môn, nghiệp vụ theo hướng cập nhật hóa, hiện đại hóa tri thức bộ môn và đổi mới phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giáo viên.

Đổi mới công tác đánh giá giáo viên

Đánh giá giáo viên dựa trên chuẩn nghề nghiệp nhằm xác định chính xác, khách quan mức độ năng lực nghề nghiệp của giáo viên ở thời điểm đánh giá các yêu cầu theo chuẩn.

Trên cơ sở đó đưa ra các khuyến nghị cho giáo viên được đánh giá và các cấp quản lý giáo dục nhằm không ngừng nâng cao năng lực nghề nghiệp đồng thời khắc phục những yếu kém và động viên các mặt mạnh mà giáo viên đã làm được.

Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chương trình, xem giáo viên thực hiện như thế nào để từ đó có biện pháp giúp đỡ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà giáo viên đang mắc phải.

Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện tiến độ chương trình theo phân phối chương trình giảng dạy các môn học để thấy được việc thực hiện chương trình có đầy đủ, kịp thời, có bị cắt xén chương trình không. Qua đó giúp giáo viên thực hiện đầy đủ và nghiêm túc hơn.

Kiểm tra, đánh giá việc soạn bài, chuẩn bị bài trước khi lên lớp của giáo viên. Nội dung soạn bài cần đảm bảo các yêu cầu: Xác định đúng mục tiêu bài dạy; xác định đúng những công việc cần chuẩn bị của thầy và trò; xây dựng được các hoạt động chủ yếu diễn ra trong giờ dạy; xác định được phương pháp và hình thức dạy học phù hợp với đối tượng học sinh đồng thời phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Kiểm tra nội dung đã đảm bảo đúng, đủ kiến thức trọng tâm của bài và đảm bảo tính khoa học, hệ thống.

Kiểm tra, đánh giá việc giảng dạy trên lớp thể hiện: Nề nếp, tổ chức lớp học; việc đảm bảo nội dung bài dạy: truyền thụ kiến thức (đảm bảo kiến thức cơ bản, hệ thống), kỹ năng thực hành, giáo dục tư tưởng, tình cảm; việc vận dụng các phương pháp nhằm phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh; đánh giá chung bài dạy của thầy và kết quả tiếp thu bài của trò.

Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy chế chuyên môn của giáo viên: Thực hiện đầy đủ ngày giờ công, các buổi sinh hoạt chuyên môn, nề nếp ra vào lớp; có ghi chép đầy đủ các loại hồ sơ sổ sách theo quy định; có chấm, chữa và trả bài đầy đủ theo quy định.

Kiểm tra, đánh giá kết quả giảng dạy, giáo dục của giáo viên thể hiện thông qua kết quả kiểm tra thường xuyên, định kỳ và kết quả học lực, hạnh kiểm của học sinh cuối kỳ và cuối năm.

Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các công tác khác như: Công tác chủ nhiệm, tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa; ý thức tham gia các hoạt động chuyên môn, hoạt động đoàn thể; công tác bồi dưỡng thường xuyên, tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên; công tác viết sáng kiến kinh nghiệm (giải pháp hữu ích) và việc vận dụng vào giảng dạy.

Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng

Nhà trường cần xây dựng được nội dung bồi dưỡng, tự bồi dưỡng có tính chất tổng hợp, kết hợp tính nhiều mặt với chuyên môn hóa và phân hóa cao đối tượng.

Chương trình bồi dưỡng bao gồm các thành phần kiến thức cơ bản thuộc các lĩnh vực: Chủ trương, đường lối, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đặc biệt là các nội dung quan điểm, định hướng của Đảng, Quốc hội, Nhà nước về giáo dục; về tâm lý học, giáo dục học, các vấn đề về lý luận, về phương pháp dạy học bộ môn tiên tiến; các vấn đề mới về chương trình, sách giáo khoa và khoa học bộ môn.

Nội dung bồi dưỡng, tự bồi dưỡng: Bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn tập trung vào những nội dung giáo viên còn yếu, thiếu hoặc các chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp, sử dụng phương tiện, trang thiết bị dạy học hiện đại; bồi dưỡng kiến thức về tin học, ngoại ngữ …

Công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng của đội ngũ giáo viên còn thể hiện qua việc tự nghiên cứu trong quá trình viết sáng kiến kinh nghiệm hoặc giải pháp hữu ích hàng năm của mỗi giáo viên cũng như việc thiết kế, làm đồ dùng dạy học.

Nội dung về bồi dưỡng, tự bồi dưỡng được thể hiện qua các hoạt động: Bồi dưỡng, tự bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; bồi dưỡng, tự bồi dưỡng về giáo dục; bồi dưỡng, tự bồi dưỡng về các hoạt động: Tổ chức hội thảo, thảo luận chuyên đề, tổ chức hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp, trò chơi dân gian, sinh hoạt tập thể, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm.

Tạo điều kiện ứng dụng kiến thức vào thực tế

Đảm bảo 100% giáo viên được ứng dụng những kiến thức mới vào công tác giảng dạy và giáo dục học sinh.

Những kiến thức mới mà đội ngũ giáo viên tiếp thu được ở nhiều lĩnh vực thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng thể hiện ở những vấn đề sau đây:

Kiến thức về đổi mới phương pháp dạy và học: Đổi mới phương pháp cũng là những vấn đề rất khó vì cái mới luôn luôn khó tiếp cận. Do vậy, khi đội ngũ giáo viên tiếp nhận được phương pháp giảng dạy mới đều muốn đưa vào quá trình giảng dạy.

Hiệu trưởng cần tạo điều kiện để giáo viên thể hiện những vấn đề mà họ đã tiếp thu được. Những thử nghiệm bước đầu có thể chưa thành công nhưng đó chính là sự mạnh dạn trong đổi mới tư duy của đội ngũ giáo viên. Từ đó những cái mới được triển khai và thử nghiệm để rồi mang lại những kết quả to lớn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Những kiến thức mới về liên môn, giữa các môn khoa học có những nét tương đồng. Vấn đề tích hợp giữa các bộ môn khoa học với nhau.

Tuy nội dung kiến thức của một bài dạy, một tiết dạy rất nhiều và dài. Song, nếu giáo viên biết tích hợp thì sẽ tạo ra sự hứng thú của học sinh trong các tiết học, làm tăng tính hiệu quả cho các tiết dạy.

Những kiến thức mới liên quan đến giáo dục môi trường, giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, những vấn đề xử lý tình huống trong cuộc sống…

Tất cả những kiến thức đó đều mới đối với mỗi giáo viên nhất là những giáo viên đã công tác lâu năm. Giáo viên tiếp thu được qua các lớp tập huấn nếu không được triển khai, áp dụng vào thực tế giảng dạy thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ý thức của học sinh. Do vậy, hiệu trưởng phải mạnh dạn và tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên ứng dụng vào thực tế giảng dạy của mỗi giáo viên.

Giao lưu, học hỏi

Đảm bảo 100% giáo viên trẻ mới bước vào nghề được tạo điều kiện về thời gian, kinh phí cho việc giao lưu, học tập kinh nghiệm; giao lưu, trao đổi về lĩnh vực chuyên môn:

Giáo viên trẻ được dự giờ của giáo viên có kinh nghiệm, giáo viên dạy giỏi ở các trường THCS khác; giáo viên được dự các tiết thí nghiệm, thực hành; các tiết có sử dụng các thiết bị dạy học hiện đại; các tiết có ứng dụng công nghệ thông tin.

Giáo viên được dự các buổi bồi dưỡng học sinh giỏi, phù đạo học sinh yếu kém; dự các buổi sinh hoạt tổ chuyên môn do Tổ trưởng chuyên môn phụ trách; dự các tiết kiểm tra nội bộ và tham gia các buổi góp ý, đánh giá giáo viên; dự hội nghị chuyên đề, hội thảo chuyên môn; dự các tiết thao giảng, hội giảng, các tiết thi giáo viên giỏi.

Giao lưu, trao đổi các hoạt động giáo dục: Dự các tiết sinh hoạt do giáo viên chủ nhiệm phụ trách; các tiết do lớp trưởng điều hành dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm; dự các buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp do giáo viên chủ nhiệm giảng dạy; các tiết do Đoàn trường triển khai;

Dự các buổi sinh hoạt ngoại khóa do giáo viên chủ nhiệm phối hợp với Đoàn trường tổ chức; tham gia các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; tham gia các buổi trao đổi giữa giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh học sinh về giáo dục đạo đức học sinh chậm tiến bộ.

Môi trường sư phạm thân thiện

Để giáo viên yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, cần có một môi trường làm việc thuận lợi. Lý luận chỉ ra rằng một môi trường sư phạm thân thiện, dân chủ và đoàn kết tạo động lực cho giáo viên.

Hiệu trưởng nhà trường xác định đúng bản chất và ý nghĩa của một môi trường thuận lợi để chủ động tạo lập hay có những tác động đến các cấp quản lý tạo điều kiện để xây dựng môi trường tốt cho các hoạt động giáo dục và phát triển đội ngũ giáo viên.

Để chất lượng giáo dục không ngừng phát triển về mọi mặt, Hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục cần có sự quan tâm thiết thực tới đội ngũ giáo viên bằng nhiều cách, bằng các công việc cụ thể như sau:

Đảm bảo thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách, về bổ nhiệm, đãi ngộ, quyền lợi vật chất, tinh thần như: Chế độ tiền lương, chế độ phụ cấp, chế độ thử việc, ốm đau, thai sản, khen thưởng … khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc thanh toán các chế độ cho giáo viên.

Nhà trường xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp nhằm tăng thêm thu nhập cho đội ngũ giáo viên từ nguồn quỹ của nhà trường như quỹ tương trợ, quỹ tình thương hoặc kêu gọi các tổ chức, cá nhân, những mạnh thường quân ủng hộ cho giáo dục, để giúp cho giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ốm đau, gia đình gặp phải hoạn nạn.

Nhà trường tổ chức cho đội ngũ giáo viên được thăm quan, du lịch nghỉ dưỡng trong dịp hè, trong những ngày lễ lớn...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ