Vì nhiều lý do, không ít HS tốt nghiệp THCS không được học tiếp lên THPT. Vậy hướng đi nào cho HS sau tốt nghiệp THCS là điều người lớn chúng ta trăn trở, khi mà dù đã có nhiều quy định về việc này, nhưng thực trạng triển khai ở cơ sở hầu như chưa đáp ứng được yêu cầu.
Sự cần thiết phải phân luồng HS sau THCS
Sau khi tốt nghiệp THCS, ngoài việc tiếp tục học tại các trường THPT hay trong các trung tâm giáo dục thường xuyên, HS còn có thể theo học nghề hoặc tham gia lao động sản xuất. Trong số HS không học tiếp THPT, phần lớn là do các em bị hổng nhiều kiến thức cơ bản nên không thi vào được. Nhưng có một thực tế: Khi các em thi trượt, không vào được THPT, nhiều phụ huynh không muốn cho con em vào học nghề, mà vẫn mong muốn con mình học ôn để thi lại năm sau.
Có những em do lực học yếu, ôn nhiều năm vẫn không thi đỗ THPT gây tốn kém cho gia đình, lại thêm tuổi các em đã lớn, rất ngại khi ngồi với bạn bè cùng lớp mà ít tuổi hơn nhiều, mặc cảm học không vào, thành ra lỡ dở cả mấy năm.
Những thực tế đó phản ánh sự yếu kém trong công tác phân luồng hiện nay ở các cơ sở GD, đòi hỏi phải thay đổi nhận thức của xã hội, đổi mới công tác tư vấn hướng nghiệp ngay trong trường THCS, đầu tư mở rộng quy mô các cơ sở dạy nghề ở những vùng khó khăn.
Cần nhiều giải pháp tổng thể
Là một giáo viên, tôi nhận thấy cần sớm phân luồng HS sau THCS để giúp các em xác định được một hướng đi đúng đắn phù hợp với năng lực của mình.
Muốn phân luồng HS sau THCS được tốt, việc đầu tiên phải giải tỏa được tâm lý e ngại của phụ huynh. Các trường THCS cần làm tư tưởng cho phụ huynh học sinh để họ thông suốt khi quyết định cho con em mình vào học nghề (nếu lực học của các em không đảm bảo học THPT). Mặt khác, để phụ huynh có thể tin tưởng trao con em mình, các trường nghề nên công khai chất lượng đầu ra, quá trình đào tạo và đặc biệt là triển vọng nghề nghiệp tương lai, công việc sau này.
Công tác hướng nghiệp cho học sinh THCS là cần thiết. Ngay từ học kỳ II lớp 8, mỗi tháng HS được học 2 tiết hướng nghiệp để định hướng sau khi tốt nghiệp THCS. Thế nhưng 2 tiết trên 1 tháng ít ỏi này cũng không mấy khi được các trường thực hiện nghiêm túc, mà chỉ ghi sổ sách lấy lệ. Cần chú trọng các tiết hướng nghiệp để HS tự xác định được trình độ của mình có thể phù hợp với nghề nào nếu không theo học tiếp THPT.
Mặt khác, trước mỗi kỳ tuyển sinh vào THPT, nhà trường cần tư vấn cụ thể để các em nhận thức được lực học của mình, không nên làm hồ sơ theo trào lưu. Giáo viên chủ nhiệm nên mạnh dạn nói rõ với những HS có lực học “non” không thể thi đỗ THPT, đồng thời khuyên các em làm hồ sơ vào trường học nghề, vừa đỡ tốn kém cho gia đình, vừa tránh bị “tổn thương” khi điểm thi vào THPT của các em quá thấp.
Đầu tư hơn nữa cho các trường nghề cũng là giải pháp quan trọng, bên cạnh đó là các trung tâm dạy nghề, trung tâm GDTX. Đối với trường THCS, cần tổ chức tốt, nghiêm túc các kỳ thi nghề phổ thông đối với HS lớp 9. Khi làm công tác hướng nghiệp cũng cần cho HS biết rõ những ưu tiên đối với học sinh tốt nghiệp THCS, khi vào học nghề sẽ được miễn một nửa học phí, HS vùng khó khăn sẽ được miễn hoàn toàn.
Mới đây, Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị về triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau THCS đã được ban hành. Trong đó chú ý nhất là sau khi hoàn thành chương trình GDTX cấp THPT và chương trình đào tạo TCCN, nếu đủ điều kiện theo quy định hiện hành, người học có thể tham gia kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT và kỳ thi tốt nghiệp TCCN để có cơ hội nhận được 2 bằng tốt nghiệp. Đó chính là sự khuyến khích rất lớn cho HS trong việc chọn học nghề, đáp ứng yêu cầu phân luồng mà công tác phổ cập GD trung học đã đặt ra từ lâu.