Giải pháp mới ứng phó với biến đổi khí hậu

GD&TĐ - Một công ty khởi nghiệp về nông nghiệp đang đi đầu trong nỗ lực kéo một nghìn tỷ tấn carbon dioxide từ khí quyển xuống và lưu trữ nó trong đất qua các hoạt động canh tác tái sinh. Đây được xem là giải pháp hiệu quả nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Cây trồng phủ đất kết hợp chăn thả giúp đất đai màu mỡ, lưu trữ nhiều carbon.
Cây trồng phủ đất kết hợp chăn thả giúp đất đai màu mỡ, lưu trữ nhiều carbon.

Đưa carbon trở về nơi chúng được sản sinh

Nông nghiệp đóng một vai trò chủ yếu trong thảm họa khí hậu, khoảng 1/4 lượng khí thải nhà kính sản sinh từ việc sử dụng đất và canh tác nông nghiệp kết hợp. Trong khi lượng CO2 trong khí quyển đạt mức cao nhất trong 3 triệu năm qua, theo các nhà khoa học, thực vật có thể kéo carbon xuống và lưu trữ nó trong đất, với những điều kiện thích hợp.

Sáng kiến The Terraton, một phong trào mang tính toàn cầu, ra đời với mục tiêu đầy tham vọng: Thu giữ một nghìn tỷ tấn carbon dioxide từ khí quyển qua phương pháp canh tác tái sinh. Nỗ lực này là sản phẩm trí tuệ của Công ty khởi nghiệp kỹ thuật nông nghiệp Indigo Ag.

“Có nhiều giải pháp mà chúng tôi đang theo đuổi để làm giảm tác động của sự biến đổi khí hậu và đảo ngược nó”, CEO của Indigo, David Perry, nói, “Nhưng phân lập carbon khí quyển trong đất nông nghiệp là giải pháp duy nhất mà theo tôi, có khả năng mở rộng, tiết kiệm và tức thời”.

Nhà môi trường học Paul Hawken, một trong những người có tiếng nói quan trọng về tính bền vững, ủng hộ sáng kiến này. Quyển sách gần đây của ông Drawdown: The Most Comprehensive Plan Ever Proposed to Reverse Global Warming (tạm dịch: Drawdown: Kế hoạch toàn diện nhất được đề xuất để đảo ngược sự ấm lên toàn cầu), phác thảo 100 giải pháp để chống biến đổi khí hậu, trong đó canh tác tái sinh xếp thứ 11.

Nhưng ông tiết lộ, trong quyển kế tiếp của mình nó được xếp số 1. “Nông nghiệp tái sinh và khí hậu có mối quan hệ mật thiết nhưng đã bị lãng quên”, Hawken nói và cho biết thêm: “Thật sự, đó là sự quay lại của carbon mà chúng ta đã đưa vào không khí qua các kỹ thuật nông nghiệp, phá rừng và đốt cháy nhiên liệu hóa thạch. Những gì mà chúng tôi nói đến là đưa carbon trở về nơi chúng được sản sinh”.

Như vậy, phải làm thế nào để mang một nghìn tỷ tấn carbon trở về? Ý tưởng cơ bản là thực vật thải ra CO2 và lắng đọng carbon vào trong đất qua rễ của chúng. Các phương pháp mang tính bền vững như canh tác không cần làm đất, trồng loại cây che phủ đất và luân canh cây trồng sẽ cải thiện sự màu mỡ của đất bằng cách tăng chất hữu cơ. Đất càng màu mỡ, càng có nhiều carbon.

Đất tự nhiên có hàm lượng carbon khoảng 3%, nhưng đất nông nghiệp bạc màu chỉ chứa chừng 1%. Khôi phục hàm lượng carbon trong đất bị mất trên tất cả các vùng đất nông nghiệp trên thế giới, thông qua các biện pháp canh tác tái sinh (tái tạo đất mặt bằng cây trồng phủ đất, tăng đa dạng sinh học, cải thiện chu trình nước, nâng cao các dịch vụ hệ sinh thái, hỗ trợ sinh học…) sẽ thu hút một nghìn tỷ tấn CO2 ra khỏi khí quyển.

Hiệu quả của canh tác tái sinh

Ở quy mô nhỏ, nó thực sự hiệu quả. Những nông dân áp dụng phương pháp canh tác tái sinh đang nhìn thấy mức carbon trong đất tăng đáng kể. Mùa màng của họ cho năng suất cao, cây trồng chịu hạn tốt.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang thực hành canh tác tái sinh diễn ra khá chậm, đòi hỏi có những biện pháp khích lệ, ưu đãi. Và đây là điều kiện cho Chương trình Indigo Carbon xuất hiện, giúp nông dân kết nối với người tiêu dùng và doanh nghiệp. Nông dân đăng ký chương trình được đào tạo và hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi sang biện pháp canh tác tái sinh. Các nhà khoa học Indigo đến kiểm tra đất của họ, tìm hàm lượng carbon để tính giá trị của nó.

Angela “Annie” Dee, một nông dân thế hệ thứ hai ở Aliceville, Alabama (Hoa Kỳ), đã đăng ký tham gia Chương trình Indigo Carbon, mặc dù cô không cần sự ưu đãi gì. Sau ba thập niên áp dụng cây trồng phủ đất và không cày bừa, Dee quan sát thấy có sự gia tăng chất hữu cơ, vi khuẩn và trùn đất… những yếu tố giúp cho đất màu mỡ, xốp.

Cô không rõ vì sao những người trồng trọt không làm theo cách này. “Tôi thấy nhiều người ở trong khu vực của tôi không dùng cây che phủ đất trong khi nó mang lại nhiều hiệu quả tích cực”, Dee nói.

Ben Riensche, một nông dân thuộc thế hệ thứ 5 ở Jesup, Iowa (Hoa Kỳ) không biết gì về phương pháp canh tác tái sinh cho đến hai năm gần đây, khi Indigo bắt đầu sử dụng trang trại 6.000 ha của anh để thử nghiệm và nghiên cứu. “Indigo bắt đầu xác định những yếu tố sẽ cải thiện tính bền vững của các phương pháp mà chúng ta canh tác”, Riensche nói, “Đó là lý do tại sao tôi hợp tác với họ”.

Anh bắt đầu thực hiện các biện pháp canh tác tái sinh như trồng “một hỗn hợp các loài” để cung cấp nơi chăn thả gia súc cho hàng xóm, điều này sẽ giúp lưu trữ carbon trong rễ cây trồng nơi đây. Anh cũng trồng các loại cây che phủ bao gồm củ cải, và hoa hướng dương để cải thiện quần xã sinh vật của cánh đồng. “Hy vọng chúng ta không làm thoái hóa đất, ít tác động lên môi trường và thực phẩm chúng ta gieo trồng ngày càng lành mạnh hơn”, Ben Riensche chia sẻ.

Adam Chappell và người em trai của mình đang quản lý một trang trại rộng 3.600ha ở Cotton Plant, Arkansa (Hoa Kỳ), nói rằng anh rất vui vì một công ty lớn đang tiến hành một cuộc chiến vì mục tiêu nông nghiệp bền vững. Nhờ giải pháp canh tác tái sinh, anh đã chiến thắng cỏ dại, mang lại sức sống cho trang trại.

Các biện pháp canh tác tái sinh có tiềm năng thực sự để thay đổi tiến trình biến đổi khí hậu, nhưng nó không chỉ phụ thuộc vào nông dân. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể hỗ trợ bằng cách mua thực phẩm được canh tác theo phương pháp bền vững, thúc đẩy thay đổi chính sách và truyền bá thông điệp về môi trường.
Theo Nationalgeographic

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ