Kế hoạch không thể chỉ ở trên giấy
Năm học 2013 - 2014 trường THCS Châu Hội sát nhập cùng với khối THCS xã Châu Nga thành Trường THCS Hội Nga (Quỳ Châu, Nghệ An).
Theo cô Hoàng Thị Nguyệt - Hiệu trưởng, với muôn vàn khó khăn ban đầu của một trường mới sát nhập, 2 điểm trường cách nhau quá xa - trên 12 km - giáo viên THCS buộc phải dạy cả 2 điểm trường do vậy rất khó khăn trong vấn đề tìm hiểu, gần gũi, nắm vững hoàn cảnh học sinh cũng như đầu tư thời gian nâng cao chất lượng.
Bên cạnh đó, học sinh ra ở bán trú thiếu thốn về cơ sở vật chất, về tình cảm, chưa quen với cuộc sống tập thể. Một số em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như mồ côi cha hoặc mẹ, cha mẹ đau ốm thường xuyên, gia đình không có phương tiện cho các cháu đi học.
Phụ huynh thì ái ngại khi con em mình độ tuổi còn nhỏ phải sống xa gia đình, chưa tự chăm sóc cho bản thân.
Đó là chưa kể, ở độ tuổi học sinh THCS, nếu ở gần nhà, học sinh một buổi đi học, buổi còn lại ở nhà có thể phụ giúp gia đình. Do điều kiện kinh tế, nhận thức văn hóa xã hội còn nhiều hạn, nhiều phụ huynh vẫn trông chờ, phó mặc con em mình cho nhà trường, lên nương, ở lán….
Trước những khó khăn này, cô Hoàng Thị Nguyệt cho biết, nhà trường đã xây dựng kế hoạch công tác phối kết hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương, thực hiện có hệ thống, xuyên suốt cả năm học.
Trường cũng tạo các biểu mẫu giúp cán bộ giáo viên, chủ động trong việc nắm bắt thông tin, xử lý thông tin, công khai sĩ số học sinh trên bảng tin nhà trường để toàn thể giáo viên cùng chia sẻ và phối hợp kịp thời. Quản lý chắc những học sinh có dấu hiệu vi phạm, học sinh yếu kém có nguy cơ bỏ học dẫn đến bỏ học giữ chừng.
Đối với giáo viên, nhà trường quán triệt phải hiểu rõ hoàn cảnh gia đình của mỗi học sinh. Luôn tạo ra mối quan hệ gần gũi, thân thiện giữa giáo viên và học sinh. Sau các giờ học trên lớp thường xuyên có mặt ở ký túc để giúp đỡ các em về cả vật chất lẫn tinh thần.
Đặc biệt, cần có giải pháp giáo dục từng em cụ thể, không áp dụng tràn lan một biện pháp giáo dục với nhiều học sinh hoặc nhiều lần đối với một học sinh.
Một nhiệm vụ quan trọng của giáo viên là thường xuyên liên lạc với phụ huynh khi học sinh có biến động trong học tập như học sinh tiến bộ hay thụt lùi hay chậm học.
“Học sinh vắng học buổi thứ nhất không có lý do, giáo viên chủ nhiệm trực tiếp liên lạc với gia đình tìm hiểu nguyên nhân; vắng sang buổi thứ 2 không rõ lý do là báo cáo ngay với ban giám hiệu xin bố trí thời gian để vào gặp trực tiếp phụ huynh học sinh.
Giáo viên được yêu cầu báo cáo kịp thời với lãnh đạo trường sau khi đã làm việc với phụ huynh học sinh cũng như ban quản lí thôn bản nhưng vẫn không có hiệu quả để cùng với nhà trường có hướng giải quyết kịp thời nhằm đưa học sinh đến trường” - cô Hoàng Thị Nguyệt cho hay.
Phải luôn kiên định, chủ động và sáng tạo
Từ kinh nghiệm thực tế, cô Hoàng Thị Nguyệt cho rằng, trong mỗi thời điểm, mỗi điều kiện, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhà trường phải luôn kiên định, chủ động và sáng tạo trong công tác vận động học sinh, kết hợp với các biện pháp duy trì sĩ số để đảm bảo chuyên cần.
Hai mặt công tác trên phải luôn gắn bó và được tiến hành đồng thời. Có thế mới đủ điều kiện để đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục cũng như việc duy trì sĩ số.
Cô Nguyệt nhấn mạnh: Muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì phải chấm dứt tình trạng bỏ học, tập trung đẩy mạnh vào 2 vấn đề “chuyên” và “chăm”.
Muốn vậy, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên phải tự giác, tự nguyện gần gũi, hiểu và sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn và hỗ trợ học sinh bằng cả tình thương và trách nhiệm.
Để đạt được kết quả trên, phải theo dõi và nắm vững sĩ số học sinh hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Phải tìm hiểu nguyên nhân đối tượng bỏ học, học sinh hay nghỉ học, tìm biện pháp khắc phục nguyên nhân. Xử lý từng trường hợp cụ thể, không chỉ đạo chung chung.
Công tác vận động học sinh phải thường xuyên liên tục trở thành phong trào trong nhà trường. Khi tổ chức đi vận động học sinh đến lớp phải đi tập thể có đông đủ ban giám hiệu, các thầy cô giáo, nhân viên và ban đại điện cha mẹ học sinh.
Một giải pháp quan trọng khác là thường xuyên đổi mới công tác quản lý, luôn tìm tòi, linh hoạt và sáng tạo. Đồng thời tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền để có quyết sách đúng về giáo dục và phải tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cũng như các cấp quản lý giáo dục; tranh thủ được sự đồng thuận của chi bộ, ban quản lí các thôn bản, của nhân dân, phụ huynh trên địa bàn.
Thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho học sinh. Qua các hoạt động này, học sinh đến trường vừa được học, vừa được chơi, từ đó, yêu trường, yêu lớp.
“Với những giải pháp này, tính đến thời điểm hiện tại, trường không có học sinh bỏ học.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, nhà trường đã phối hợp với chính quyền đón 7 em học sinh nữ bị đưa đi khỏi bản làm ăn xa, quay lại trường học; những học sinh này có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên hộ trợ nuôi ăn ở tại trường tiếp tục học tập” – Cô Hoàng Thị Nguyệt chia sẻ.