Giải pháp giải quyết “tắc nghẽn biên chế”, tạo “đất trống” đón người tài

GD&TĐ - Ngày 25/6, tại Hải Phòng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Giao ban cụm thi đua vùng 7 gồm 5 thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị

Bộ GD&ĐT không cầm tay chỉ việc

 Về cán bộ quản lý, phải có tính toán theo hướng mở và liên thông, gắn với tiêu chí cán bộ quản lý giáo dục. Thực hiện tốt điều này sẽ vừa giải quyết được tình trạng “tắc nghẽn biên chế”, vừa tạo được "đất trống" để đón được người giỏi vào ngành.
Đối với số người đang trong biên chế, tới đây sẽ áp dụng chuẩn giáo viên để phân loại, theo lộ trình không đáp ứng được thì tinh gọn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng đánh giá giáo dục của 5 thành phố đều có những tiềm năng và thế mạnh, nhưng cũng có áp lực cao như nhu cầu đầu tư và yêu cầu chất lượng về khả năng; trong triển khai công việc còn gặp những vướng mắc về quy chế chưa tháo gỡ được... 

Phân tích, chỉ ra những nguyên nhân và gợi ý cách làm, như vấn đề viên chức trong các nhà trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng:

Các địa phương nên hạn chế tuyển viên chức mới, mà thay vào đó tuyển dụng theo hình thức hợp đồng. Giáo viên nào có năng lực, chuyên môn tốt thì tiếp tục ký hợp đồng, ngược lại thì chấm dứt. Điều này sẽ tạo ra sự sàng lọc, đỡ áp lực biên chế cho Ngành.

Liên quan tới dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường sao cho hiệu quả, việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, tổ chức lớp học theo mô hình Trường học mới (VNEN), Bộ trưởng khẳng định những giá trị tích cực và tiến bộ của các mô hình trên.

Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý khi thực hiện, các địa phương cần đặc biệt lưu tâm đây là những cách làm mới, do vậy cần chú ý tới các yếu tố tâm lý - văn hoá xã hội đã sẵn sàng hay chưa.

Bộ GD&ĐT sẽ rà soát và điều chỉnh các nội dung sao cho thích hợp nhất với học sinh và nhà trường. Nhưng quan điểm của Bộ là không “cầm tay, chỉ việc” bắt buộc các trường, địa phương phải lựa chọn cách làm, mà chính các địa phương phải chủ động tìm cách làm phù hợp với thực tiễn.

Giải pháp căn cơ khắc phục những hiện tượng lệch lạc phát sinh từ dạy thêm

Tại Hội nghị, Bộ trưởng thẳng thắn phân tích: Cần phải thừa nhận nhu cầu dạy thêm - học thêm: Học sinh khá học thêm để giỏi lên, học sinh yếu kém thì phụ đạo để đảm bảo kiến thức.

Đây là việc đáp ứng nhu cầu về phụ đạo, bồi dưỡng của các học sinh yếu kém và học sinh giỏi, không nên đánh bùn sang ao khiến giáo viên đi dạy thì phàn nàn rằng vất vả, nhưng vẫn dạy thêm; đến khi không được phép dạy thêm thì lại có ý kiến.

Trong thực tế, có những thầy cô trên lớp dạy không hết chương trình, ra đề thi vào nội dung “tăng cường”, cách làm này thực chất là nhằm ép học sinh đi học thêm.

Cho dù những giáo viên này chỉ là số ít trong toàn Ngành, nhưng phải thấy đây là hành vi gian dối, không thể chấp nhận được và cần phải phạt nặng.

Bộ trưởng cho biết: Để khắc phục một cách căn cơ những hiện tượng lệch lạc phát sinh từ dạy thêm, tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát để đảm bảo chương trình phổ thông nhẹ nhàng, cơ bản; giáo viên giảng dạy trong giờ hành chính là hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy, sẽ không có chuyện dạy thêm các nội dung chính khoá.

Thi đua là làm tốt lên, chứ không phải thắng - thua

Đặc biệt nhấn mạnh làm thi đua thì không nên duy trì sự cào bằng, tính “phong trào”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Cần phải xây dựng các tiêu chí thi đua như Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng; từ đó tạo động lực phát triển tự thân, cạnh tranh lành mạnh cho các cơ sở giáo dục, cũng như tạo áp lực để chính quyền địa phương đầu tư, quan tâm thiết thực tới giáo dục.

Cần phải nhìn nhận, đánh giá lại tiêu chí thi đua; phải có thực chứng so sánh từng sở, từng cá nhân để tham khảo học tập và phát triển. Chứ nhìn vào bảng thống kê các địa phương toàn 10 cả, toàn bằng nhau hết thì không khỏi thấy như là luân phiên.

Bộ trưởng đề nghị: Thi đua là làm tốt lên, người nào có thành tích thì khi được nhận thành tích cũng thấy xứng đáng, còn người chưa được thì nỗ lực khắc phục vươn lên, chứ không chỉ là việc thắng thua. Vì vậy, đánh giá thi đua phải có tiêu chí rõ ràng, thi đua phải có phân định cao thấp.

Tới đây, dự kiến Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng Bộ chỉ số xếp hạng thi đua, sẽ có 5 tiêu chí, trong đó nhấn mạnh tới tiêu chí đảm bảo chất lượng (về giáo viên, cơ sở vật chất, quản trị trường học); Bên cạnh đó là các tiêu chí về kỷ cương nề nếp, đổi mới sáng tạo.
Những nội dung đánh giá thi đua và cách thức đánh giá thông qua các chỉ số sẽ là căn cứ chấm điểm khách quan và chính xác để xác định danh hiệu thi đua.

Đánh giá các mặt hoạt động của 5 thành phố trong năm học 2015 – 2016, ông Nguyễn Hữu Độ – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, Trưởng cụm thi đua - báo cáo:

Các địa phương đã tích cực, chủ động, triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm học và đã đạt được những kết quả toàn diện. Tuy nhiên, vẫn còn có những khó khăn tồn tại.

Công tác quản lý GD&ĐT chưa theo kịp đổi mới và phát triển của xã hội; nhận thức của giáo viên về các môn học tự chọn còn hạn chế; chất lượng và trình độ đội ngũ giữa các trường và vùng miền trên địa bàn các thành phố còn chưa đồng đều; chất lượng giáo dục tại một số trường ngoài công lập, trung tâm GDTX còn thấp.

Trang thiết bị dạy học, phòng học bộ môn ở một số trường ngoại thành xa của các thành phố lớn với số lượng dân số cơ học tăng nhanh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh còn hạn chế về số lượng và chất lượng, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.