(GD&TĐ) - Sáng nay (18/12), tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã tham dự Hội thảo “Giải pháp E- learning trong đào tạo và bồi dưỡng Giáo viên tiếng Anh”, do Vụ GDTX và Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 phối hợp với Intel Việt Nam tổ chức.
|
Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: gdtd.vn) |
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ các cơ quan nghiên cứu, Sở GD-ĐT, các trường Đại học khu vực phía Bắc, cùng nghe tham luận xung quanh vấn đề sử dụng Công nghệ thông tin (CNTT) và giải pháp E-learning trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, CNTT và truyền thông là công cụ thiết yếu trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. CNTT phải được coi là một công cụ nhằm giúp nâng cao khả năng quản lý, khả năng sáng tạo, khả năng tương tác để tiến tới mô hình lớp học lấy học sinh làm trung tâm ở tất cả các môn học. Tuy nhiên, hiện nay sự phát triển và ứng dụng CNTT trong các nhà trường vẫn còn ở mức sơ khai, chưa khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh của công cụ hữu dụng này.
Hiện nay các cụm từ “Đào tạo trực tuyến”, “Đào tạo qua mạng Internet” hay “E-learning” đang được sử dụng rộng rãi, là khái niệm chỉ quá trình dạy và học dựa vào mạng Internet, công nghệ số và các thiết bị điện tử - truyền dẫn. Để hình thức này mang lại kết quả tốt hơn nữa cho quá trình dạy học nói chung và môn tiếng Anh nói riêng, cần có sự cố gắng của mỗi người học, nâng cao năng lực của cơ sở đào tạo, sự nỗ lực chung của các cơ quan hữu quan, đặc biệt là vai trò tổ chức, điều phối của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhận định.
Các tham luận tại Hội thảo tập trung nêu rõ những khó khăn và thuận lợi của việc sử dụng hình thức E – learning trong dạy học tiếng Anh hiện nay tại Việt Nam và những kinh nghiệm của một số nước trong khu vực từ việc ứng dụng hình thức dạy học này.
|
Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu GD (Ảnh: gdtd.vn) |
Theo TS. Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Bộ phận thường trực Đề án Ngoại ngữ QG 2020, hiện nay 100% các trường phổ thông, TTGDTX đã được kết nối băng thông rộng ADSL; từ năm 2008, Bộ GD-ĐT đã ký thỏa thuận với Công ty viễn thông Viettel về cước phí ưu đãi Internet ưu đãi cho giáo dục,.. đó là những thuận lợi cơ bản về hạ tầng cơ sở để hình thức học tập trực tuyến phát triển. Tuy nhiên vấn đề ứng dụng còn gặp một số rào cản về trình độ sử dụng công nghệ số và ý thức tự học của người sử dụng,…
Ông Ngô văn Hợi, Phó giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Quảng Ninh cho rằng, trên thực tế hiện nay, tất cả các cơ sở GD từ bậc học Mầm non đến bậc Đại học đều có hệ thống máy tính nối mạng Internet. Việc ứng dụng CNTT trong dạy và học tiếng Anh đã khẳng định được tính hiệu quả vì vậy cần tăng cường và nâng cao hơn nữa kiến thức về CNTT cho giáo viên tiếng Anh; chú trọng đào tạo khả năng sử dụng E – learning cho các sinh viên ngành sư phạm tiếng Anh; đồng thời nâng cao hơn nữa ý thức tự học, tự nghiên cứu thông tin qua Internet để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học nói chung trong các nhà trường.
Bảo Minh