(GD&TĐ) - Yên Bái thuộc vùng cao Tây Bắc của tổ quốc với 30 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 50%. Trong số 9 huyện, thị xã, thành phố có hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải thuộc diện 62 huyện nghèo nhất của cả nước; có 70 xã vùng cao và 58 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn trên tổng số 180 xã, phường, thị trấn.
Do vậy, đúng như Giám đốc Sở GD- ĐT Yên Bái, NGƯT Trần Xuân Hưng đã nhận định: GD Yên Bái là GD vùng dân tộc nên phải có chính sách và giải pháp quyết liệt thì mới giải quyết được vấn đề GD của riêng Yên Bái.
Từ chính sách riêng của tỉnh
Ngày đầu năm học ở Trường Mầm non Lương Thịnh (Trấn Yên - Yên Bái) |
Trong bối cảnh khó khăn chung của tỉnh, ngành GD Yên Bái luôn phải đối mặt với không ít thách thức như địa hình núi cao hiểm trở, HS trở ngại khi đến trường và luôn phải chống chọi với lũ quét, sạt lở…cơ sở vật chất trường học còn thiếu thốn, trang thiết bị dạy học cũng yếu và thiếu. Đa số HS là người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn nên thiệt thòi về điều kiện học tập. Để giải quyết việc này, tỉnh Yên Bái đã ban hành chính sách riêng để phát triển GD dân tộc, trong đó đặc biệt quan tâm đến hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Đó là chính sách hỗ trợ gạo cho HS đến trường.
Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, đường xá đi lại khó khăn, ngoài một số HS được đi học ở trường nội trú thì một bộ phận không nhỏ HS không thể trở về nhà trong ngày. Tình trạng HS chán nản bỏ học rất dễ xảy ra nếu không có những biện kịp thời. Để giải quyết vấn đề này, các thầy cô giáo, các nhà trường đã bố trí tận dụng các lớp học, nhà ở của GV rồi làm cả nhà tạm trong khuôn viên của trường để HS có chỗ ở.
Có trường còn liên hệ với gia đình xung quanh trường để giúp HS có thể ở trọ. Nhiều gia đình đã dựng lều ở gần trường, mượn đất làm nhà, trồng rau xanh, góp gạo nấu cơm chung cho các em. Mô hình trường bán trú dân nuôi ra đời đã bước đầu giúp các em ổn định học tập. Việc duy trì nề nếp, đảm bảo sĩ số, tính chuyên cần được đảm bảo, vì thế chất lượng học tập cũng vì thế mà tăng cao.
Phải là giải pháp bền vững
Trường tiểu học số 2 An Thịnh - Văn Yên, Yên Bái |
Tất cả những cách làm trên đã đáp ứng được phần nào nhu cầu học tập của HS vùng cao, tuy nhiên về lâu dài rất khó bền vững. Ngành GD đã chủ động tham mưu với tỉnh ủy, HĐND, UBND. Hàng loạt chủ trương lớn đã được thông qua trong giai đoạn 2010- 2015: Nghị quyết số 22/2009/NQ- HĐND tỉnh về xây dựng trường PTDT BT; Đề án phát triển GDMN tỉnh và Nghị quyết số 43/2011/NQ- HĐND phê duyệt Đề án Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Với mục tiêu hỗ trợ cho GD dân tộc có những bước đi cơ bản, tiến tới từng bước nâng cao chất lượng theo hướng bền vững.
Sau 3 năm thực hiện và triển khai quyết liệt các chủ trương của tỉnh, ngành GD đã từng bước khẳng định một hướng đi đúng, đáp ứng được đòi hỏi về thực tiễn phát triển GD ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Mô hình trường PTDT BT đã làm thay đổi diện mạo GD dân tộc thiểu số ở Yên Bái. Đến nay toàn tỉnh đã có 38 trường PTDT BT, trong đó có 9 trường tiểu học, 14 trường THCS, 15 trường liên cấp và 111 lớp ghép.
Mô hình trường PTDT BT đã giúp số lượng HS bán trú tăng nhanh, khắc phục được tình trạng HS bỏ học. Đây cũng là yếu tố quan trọng để thực hiện công tác PCGD tiểu học và THCS. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 10.210 HS được hưởng chế độ chính sách đối với HS bán trú, tăng 5.214 HS so với năm học trước. Hiện nay, 69,5% HS trong các trường học trên địa bàn là diện HS bán trú.
Theo NGƯT Trần Xuân Hưng - giám đốc Sở GD- ĐT Yên Bái, chất lượng GD vùng HS dân tộc đã chuyển biến rõ rệt. Trong năm học 2012- 2013, tỷ lệ HS khá, giỏi trong các trường PTDT BT cấp THCS tăng từ 14% lên 18%; tỷ lệ HS yếu, kém giảm từ 11% xuống còn 6,5%. Đối với cấp tiểu học cũng có nhiều chuyển biến, số HS giỏi tăng cao và tỷ lệ HS bỏ học giảm đáng kể, từ 0,2% xuống còn 0,08%. Đặc biệt, từ khi có trường PTDT BT số HS nữ người dân tộc đến lớp tăng cao ở tất cả các cấp học.
Qua mô hình trường PTDT BT, đội ngũ GV cũng được đảm bảo về số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng mục tiêu GD toàn diện. Đến nay, các trường học còn được tỉnh cho cơ chế để bổ sung nhân viên y tế trường học, nhân viên phục vụ và nhân viên cấp dưỡng. Đảm bảo HS ở trường không chỉ được học tập mà còn được chăm sóc đầy đủ.
Đáng chú ý, trong 3 năm thực hiện chủ trương trường PTDT BT, toàn tỉnh đã xây dựng mới được 39 phòng học, 221 phòng ở, 19 bếp ăn, 16 công trình vệ sinh và hàng loạt hạng mục công trình nước sạch, bàn ghế và giường ngủ cho HS để các em yên tâm học tập.
Hướng đi mới
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai mô hình trường PTDT BT, ngành GD Yên Bái vẫn gặp nhiều khó khăn về nhu cầu ăn, ở của HS, việc định mức GV chưa phù hợp với tính chuyên biệt của loại hình trường này. Công tác bồi dưỡng GV dạy tiếng dân tộc, công tác quản lý HS còn nhiều hạn chế và đang là rào cản trong phát triển căn bản toàn diện sự nghiệp GD- ĐT Yên Bái. Vì thế, về lâu dài, ngành GD Yên Bái đã định hình một hướng đi mới cho mô hình trường PTDT BT.
Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Xuân Hưng cho rằng: Cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa GD, để các tổ chức đoàn thể, cá nhân tích cực hơn trong việc tham gia đóng góp thêm các điều kiện cơ sở vật chất thiết bị học tập cho mô hình này. Bên cạnh đó, ngành GD tiếp tục rà soát lại mạng lưới trường lớp để phấn đấu đến năm 2015 có 100% các trường đủ điều kiện được chuyển thành trường PTDT BT.
Mô hình trường học bán trú không mới, nhưng ở Yên Bái, cái mới là ở khâu tổ chức, nó được coi là điều kiện cơ bản ban đầu quyết định đến chất lượng dạy và học ở các trường học trên địa bàn tỉnh; nhất là đối với vùng dân tộc đặc biệt khó khăn. (NGƯT Trần Xuân Hưng - Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái) |
Thanh An