Giải pháp dạy học Lịch sử đáp ứng yêu cầu đổi mới thi THPT quốc gia

GD&TĐ - Các thầy cô giáo tổ Lịch sử, Trường THPT Đại Ngãi (Sóc Trăng) cho biết, giáo viên Lịch sử các trường THPT trong toàn tỉnh đã nỗ lực tìm ra cách thức dạy học hiệu quả, đáp ứng yêu cầu việc đổi mới việc thi trắc nghiệm khách quan môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Giải pháp dạy học Lịch sử đáp ứng yêu cầu đổi mới thi THPT quốc gia

Qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề tại đơn vị và trao đổi kinh nghiệm giữa các giáo viên bộ môn, Trường THPT Đại Ngãi bước đầu đã có một số định hướng và giải pháp sau:

Xác định nội dung dạy học và chuẩn bị cho kỳ thi

Nội dung dạy học là phần chung của chương trình môn Lịch sử lớp 12 THPT và Giáo dục thường xuyên hiện hành đã thực hiện giảm tải.

Tổ Lịch sử tiến hành xây dựng ma trận đề thi môn Lịch sử từ việc nghiên cứu, khai thác đề minh họa của Bộ GD&ĐT.

Đồng thời, xây dựng các cấu trúc đề thi khác nhau dựa trên ma trận đã xác định, từ đó soạn các câu hỏi ứng với từng nội dung trong ma trận nhằm phục vụ việc dạy và học.

Cùng với đó, xây dựng ma trận đề kiểm tra theo từng nội dung dạy học của từng chương, từng giai đoạn lịch sử.

Những lưu ý trong công tác dạy học

Trước hết, giáo viên cần giải thích cho học sinh hiểu, dù thi với hình thức nào thì bài thi vẫn luôn đánh giá đúng năng lực của học sinh, đòi hỏi người học phải có kiến thức đầy đủ, vững vàng. Giáo viên phân tích cho học sinh thấy được các ưu điểm của hình thức thi trắc nghiệm khách quan để học sinh an tâm, phấn khởi, tự tin học tập.

Nội dung học tập căn cứ vào chương trình, chuẩn kỹ năng kiến thức Lịch sử THPT, nên ưu tiên sử dụng sách giáo khoa Lịch sử THPT lớp 12.

Tạo điều kiện học sinh tiếp xúc với câu hỏi trắc nghiệm khách quan ngay trong bài học. Đặc biệt, cho học sinh làm quen với một số câu hỏi trắc nghiệm được diễn đạt với nhiều cách khác nhau nhằm tránh việc hiểu nhầm và rèn luyện năng lực đọc hiểu cho học sinh.

Rèn luyện cho học sinh kỹ năng thực hành làm các câu hỏi trắc nghiệm để giúp học sinh biết loại bỏ nhanh chóng các phương án sai, chọn được đáp án đúng trong thời gian ngắn nhất.

Gắn việc dạy học Lịch sử với thực tế cuộc sống để tăng tính phong phú trong việc dạy và học, mở rộng và nâng cao kiến thức cho học sinh.

Các năng lực cần phát triển cho học sinh

Trong việc dạy và học Lịch sử, theo kinh nghiệm các thầy cô tổ Lịch sử Trường THPT Đại Ngãi, cần phát triển năng lực học sinh theo các hướng sau:

Năng lực đọc hiểu: là một trong những năng lực hết sức quan trọng, giúp giải quyết nhanh chóng một số vấn đề nhất định, học sinh có thể hiểu đúng và nhanh vấn đề. Đặc biệt, học sinh cũng cần biết các phương án trả lời của câu hỏi trắc nghiệm khách quan cũng là một phần của vấn đề đặt ra.

Năng lực tư duy hình ảnh: giúp giải quyết nhanh chóng các dạng câu hỏi ở mức độ thông hiểu mà phương pháp thông thường không mang lại hiệu quả. Loại tư duy này ít được khai thác trong hình thức thi tự luận nhưng lại có hiệu quả rất lớn trong hình thức thi trắc nghiệm khách quan.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần rèn cho học sinh các năng lực giải quyết các vấn đề lịch sử, suy luận loại trừ, phán đoán ...

Lưu ý trong công tác kiểm tra, đánh giá

Trong kiểm tra, đánh giá, các thầy cô tổ Lịch sử Trường THPT Đại Ngãi cho rằng cần tập trung vào các việc chủ yếu sau:

Đưa hình thức trắc nghiệm khách quan vào công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên.

Xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan môn Lịch sử trong phạm vi giáo viên, tổ.

Từng bước tiến đến tăng cường sử dụng trắc nghiệm khách quan vào kiểm tra, đánh giá ở các khối 10, 11 và 12.

Theo các thầy cô giáo tổ Lịch sử, Trường THPT Đại Ngãi (Sóc Trăng), trắc nghiệm khách quan trong môn Lịch sử là hình thức kiểm tra, đánh giá vẫn thường sử dụng trong dạy học. Câu hỏi trắc nghiệm khách quan đã từng xuất hiện trong các tài liệu tham khảo môn Lịch sử bậc trung học.Giáo viên được tiếp cận về trắc nghiệm khách quan từ việc lập ma trận đề, biên soạn đề kiểm tra đến việc đánh giá hiệu quả các câu hỏi.
Chính vì thế, việc môn Lịch sử được thi bằng hình thức trắc nghiệm khách quan trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 không phải là việc quá mới đối với giáo viên và học sinh, mà đó chỉ là khó khăn tạm thời do việc phải thay đổi cách dạy và học cho phù hợp với hình thức kiểm tra đánh giá này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ