Như vậy việc dạy và học tiếng Anh phải đảm bảo chất lượng đầu vào và kết quả đầu ra theo Khung năng lực ngoại ngữ (KNLNN). Để việc thực hiện có hiệu quả, cần đổi mới đồng bộ từ phương pháp giảng dạy và phương pháp kiểm tra đánh giá, kết hợp với bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Đó là quan điểm của thầy Trương Thuận Cần (Trường THCS Võ Trường Toản, TPHCM)
Đổi mới phương pháp dạy và học tiếng Anh
Giáo viên cần nghiên cứu kỹ mô tả năng lực cần đạt ở mỗi cấp học nhằm có định hướng, mục tiêu giảng dạy từ đó soạn giảng và giảng dạy chú ý đến phát triển năng lực cần đạt cho học sinh ở cấp học đó.
Việc giảng dạy dựa trên bản mô tả Khung năng lực ngoại ngữ giúp cho giáo viên đưa ra yêu cầu rèn luyện phù hợp, vừa sức và có nâng cao giúp học sinh phát triển năng lực tiếng Anh và đáp ứng được yêu cầu về đầu ra theo Khung năng lực ngoại ngữ và đảm bảo đầu vào cho cấp học tiếp theo.
Giáo viên dạy tiếng Anh cần chú ý giảng dạy phát triển kỹ năng (nghe, nói, đọc và viết) cho học sinh và thay đổi quan niệm và cách dạy học tiếng Anh chỉ tập trung vào ngữ pháp.
Trong tiết dạy, giáo viên cần tạo nhiều hơn những cơ hội cho học sinh thực hành ngôn ngữ nhằm phát triển kỹ năng.
Mặc khác, giáo viên cũng chú ý đến những hoạt động ngoại khóa tiếng Anh nhằm tạo thêm cơ hội thực hành ngôn ngữ và tạo niềm yêu thích, động cơ học tiếng Anh ở học sinh.
Giáo viên cần tận dụng kênh hình, tiếng để giúp học sinh có cơ hội tiếp cận với tiếng Anh của người bản ngữ trong điều kiện không cho phép có giáo viên bản ngữ.
Bên cạnh đó, giáo viên cần chú ý hướng dẫn học sinh thực hiện các dự án học tập (project), tận dụng internet để tạo môi trường kết nối học tập qua đó giúp các em tự tin hơn trong việc sử dụng ngôn ngữ.
Đổi mới kiểm tra đánh giá
Để đảm bảo đầu ra học sinh theo KNLNN thì các bài kiểm tra thường xuyên trên lớp cũng phải được đánh giá theo năng lực ngôn ngữ, có nghĩa là kiểm tra đánh giá đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Hoạt động kiểm tra đánh giá thường xuyên này được cho là có ảnh hưởng tích cực trong việc định hướng và góp phần đảm bảo chuẩn đầu ra. Ngoài ra giáo viên nên sử dụng các hình thức kiểm tra đánh giá khác như đánh giá theo cặp, nhóm, hồ sơ học tập…
Các hình thức kiểm tra đánh giá khác nhau sẽ cho góc nhìn từ nhiều phía về năng lực của học sinh và cũng là bằng chứng về năng lực giao tiếp mà học sinh đạt được trong quá trình học tập (Chương trình Giáo dục phổ thông môn tiếng Anh thí điểm cấp THPT). Điều này cũng góp phần phát triển năng lực của học sinh góp phần đảm bảo chất lượng đầu ra của học sinh theo Khung năng lực ngoại ngữ.
Tuy nhiên, các bài kiểm tra phải được thực hiện linh hoạt tùy vào tình hình cơ sở vật chất và nhân lực của nhà trường. Nhiều học sinh cùng kiểm tra nói và kiểm tra nghe cùng lúc có thể gây bị động cho nhà trường nếu cơ sở vật chất và nhân lực chưa đáp ứng.
Theo kinh nghiệm một số các trường trung học gặp khó khăn trên đã linh hoạt thực hiện kiểm tra nói riêng trước kỳ kiểm tra tập trung. Thời gian kiểm tra nói có thể kéo dài một tuần trước kiểm tra tập trung và để đảm bảo công bằng giữa những học sinh, những chủ đề (speaking topics) kiểm tra nói hoàn được thay mới qua mỗi đợt kiểm tra.
Đối với các trường không đủ thiết bị kiểm tra nghe, giáo viên linh hoạt luân phiên máy cassette giữa các phòng kiểm tra nghe. Học sinh có thể làm các phần khác trước (viết, đọc hiểu) sau đó làm phần nghe hiểu khi đến lượt. Với cách làm này chỉ cần phân nữa số máy trên tổng số phòng kiểm tra là có thể thực hiện được kiểm tra nói.
Đào tạo đội ngũ giáo viên về kỹ năng kiểm tra đánh giá
Bên cạnh việc đào tạo nâng cao năng lực và phương pháp giảng dạy cho giáo viên, các cấp quản lý cần quan tâm phối hợp với các đơn vị đào tạo mở các khóa tập huấn về kiểm tra đánh giá, đặc biệt là kiểm tra đánh giá theo chuẩn Khung năng lực ngoại ngữ.
Các khóa tập huấn cần tập trung vào kỹ thuật biên soạn đề kiểm tra năng lực của học sinh nhằm giúp giáo viên có thể thiết kế bài kiểm tin cậy để đánh giá năng lực học sinh.
Sau các khóa bồi dưỡng, giáo viên sẽ thành lập ngân hàng đề kiểm tra đánh giá năng lực đầu ra và đầu vào ở mỗi đơn vị và chia sẻ ngân hàng với các đơn vị khác, điều này sẽ làm mức độ các bài kiểm năng lực sẽ đồng đều giữa những nơi khác nhau, đảm bảo học sinh dù được đánh giá ở đơn vị nào thì kết quả đánh giá năng lực phải như nhau.
Cùng với kinh nghiệm chia sẻ như trên, thầy Trương Thuận Cần đề xuất: Bộ GD&ĐT thành lập Trung tâm đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc gia một mặt để đánh giá trình độ giáo viên tiếng Anh mặt khác là nhằm có những bài kiểm tra năng lực đầu vào và đầu ra cho học sinh đảm bảo tính chính xác và thống nhất chung cả nước.
Khi đó các tỉnh sẽ sử dụng bài kiểm tra từ trung tâm này để đánh giá năng lực đầu vào của cấp THCS và cấp THPT.
Khi đầu vào môn tiếng Anh của học sinh được dựa trên một chuẩn do cùng một trung tâm sẽ đánh giá đầu ra thì chúng ta sẽ yên tâm về năng lực tiếng Anh của học sinh theo học chương trình tiếp theo và đảm bảo chất lượng đầu ra.
Cũng đã có những bài học khi giáo viên chỉ tập trung dạy theo hướng của đề thi nên khi học xong một cấp với số điểm rất cao nhưng năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh chưa đáp ứng yêu cầu học tập và giao tiếp.
Với việc triển khai thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020 bằng nhiều giải pháp và đầu tư về cả con người và cơ sở vật chất ta có thể hy vọng việc đảm bảo được chất lượng đầu vào và kết quả đầu ra môn tiếng Anh của học sinh ở các cấp phổ thông như mong muốn.
Thầy Trương Thuận Cần