Giải Nobel qua những con số

Từ năm 1901 đến 2013, tổng cộng có 847 cá nhân và 25 tổ chức nhận được giải thưởng Nobel, trong đó có một số được vinh danh nhiều hơn một lần, theo AFP.

Giải Nobel qua những con số

Giải Nobel qua những con số ảnh 1 Mùa giải Nobel năm nay sẽ mở màn vào ngày 6/10. Ảnh: Shutterstock

- Người lớn tuổi nhất giành giải Nobel là nhà khoa học Mỹ gốc Nga Leonid Hurwicz. Ông thắng giải Nobel Kinh tế năm 2007 lúc đã 90 tuổi. Và chỉ vài tháng sau niềm vui lớn lao ấy, ông qua đời vào tháng 6/2008.

- Kể từ năm 1901 khi giải Nobel đầu tiên được trao cho đến nay, đã có 44 phụ nữ được vinh danh, bao gồm hai lần của Marie Curie, và số nam giới là 803 người. 

Người phụ nữ đầu tiên chiến thắng giải Nobel Kinh tế là bà Elinor Ostrom vào năm 2009. Và chỉ có 2 phụ nữ giành giải Nobel Vật lý, gần đây nhất là hồi năm 1963.

- Năm 2007, nữ tác gia Anh Doris Lessing trở thành người lớn tuổi nhất giành giải Nobel Văn học. Tên bà được xướng lên khi bà đã 87 tuổi. Nhà văn sau đó gọi giải thưởng này là một "thảm họa" vì nó khiến bà không còn thời gian để viết lách. Bà qua đời vào tháng 11/2013.

- Nhà khoa học Anh Lawrence Bragg giành giải Nobel Vật lý năm 1915 khi chỉ mới 25 tuổi là người trẻ nhất chiến thắng trong lịch sử trao giải Nobel. 

Ngoài ra, còn có nhà khoa học Đức Werner Karl Heisenberg thắng giải Nobel Vật lý năm 1932 khi 31 tuổi. Còn người trẻ nhất đoạt giải Nobel Văn học là nhà văn Anh Rudyard Kipling với giải thưởng năm 1907 khi ông 42 tuổi.

- Tuổi bình quân của tất cả những người đoạt giải Nobel ở mọi lĩnh vực từ năm 1901 đến 2013 là 59 tuổi.

- Có 6 cặp cha và con trai thắng giải thưởng danh giá này, trong khi chỉ có một cặp cha và con gái cùng một cặp mẹ và con gái có mặt trong số những người đoạt giải. 

Ba cặp vợ chồng cũng được vinh danh ở giải Nobel, trong đó có cặp vợ chồng nổi tiếng người Pháp Joliot-Curie.

- Có 6 người đã từ chối nhận giải. Trong đó có triết gia Pháp Jean-Paul Sartre hồi năm 1964 và nhà chính trị Việt Nam Lê Đức Thọ năm 1973 không nhận giải thưởng Nobel Hòa bình được trao chung với Ngoại trưởng Mỹ khi ấy là Henry Kissinger. 

Trùm phát xít Adolf Hitler đã cấm ba nhà khoa học của Đức là Richard Kuhn (giải Hóa học 1938), Adolf Butenandt (Hóa học 1939) và Gerhard Domagk (Y học 1939) nhận giải, còn chính quyền Liên Xô buộc nhà văn Boris Pasternak từ chối giải Nobel Văn học năm 1958.

- Giải Nobel Hòa bình năm 2014 có con số kỷ lục 278 đề cử. Tên của những người được đề cử và nội dung các cuộc thảo luận của ủy ban được giữ kín trong 50 năm.

Lịch công bố các giải Nobel 2014:

- Ngày 6/10 (sớm nhất vào lúc 16 giờ 30 phút theo giờ VN): Giải Nobel Y học.

- Ngày 7/10 (16 giờ 45 phút): Giải Nobel Vật lý.

- Ngày 8/10 (16 giờ 45 phút): Giải Nobel Hóa học.

- Ngày 9/10: Giải Nobel Văn học có thể sẽ được công bố. Viện Hàn lâm Thụy Điển thường chỉ cho biết ngày công bố giải thưởng này vài ngày trước đó, tuy nhiên theo thông lệ thì giải Nobel Văn học công bố vào khoảng 18 giờ của ngày thứ năm trong tuần (năm nay là ngày 9.10).

- Ngày 10/10 (16 giờ): Giải Nobel Hòa bình.

- Ngày 13/10 (18 giờ): Giải Nobel Kinh tế.

Theo thanhnien.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ