Lịch của người Maya
Tin đồn về ngày tận thế chủ yếu dựa vào suy đoán từ lịch của người Maya, một nền văn minh cổ từng phát triển rực rỡ ở Trung Mỹ. Trước khi suy tàn, nền văn minh này đã để lại nhiều thành tựu đặc sắc, trong đó có hệ thống lịch thiên văn với độ chính xác đáng nể.
Không giống với phần lớn nền văn minh khác, người Maya chủ yếu sử dụng hệ đếm cơ số 20 trong việc làm lịch. Họ nhóm các ngày theo hệ đếm này, giống như ngày nay chúng ta nhóm các ngày theo tháng, năm, thập kỷ, thế kỷ và thiên niên kỷ.
Theo đó, 20 ngày là một winal, 18 winal là một tun, 20 tun là một katun, 20 katun là một baktun, cứ như vậy sẽ là các piktun, kalabtun, kinchiltun và alautun. Một tun chỉ có 18 winal hay 360 ngày, gần bằng một năm. Như vậy, một baktun theo cách tính này có độ dài khoảng hơn 394 năm. Từ những thông tin thu được, giới khoa học tính ngược trở lại và tìm ra điểm khởi đầu của bộ lịch trên vào ngày 11/8/3114 TCN.
Con số quan trọng khác của người Maya là số 13. Tài liệu Popol Vuh cho rằng loài người đang sống trong kỷ nguyên thứ tư, bắt đầu sau kỷ nguyên thứ ba diệt vong ngày 11/8/3114 TCN, sau khi một chu kỳ lớn với 13 baktun kết thúc. Do đó, tài liệu trên tin rằng một sự kiện tương tự sẽ xảy ra vào ngày 21/12/2012 tới đây. Tuy vậy, theo quy tắc làm lịch, số lượng baktun sẽ tiếp tục tăng cho tới 20 để hoàn thành một piktun.
Mặt khác, nền văn minh Maya diệt vong vào thế kỷ XVI và bộ lịch này không còn được sử dụng. Với thời gian tồn tại và phát triển chưa tới 2.000 năm, các quan niệm trên vẫn chỉ là niềm tin, phỏng đoán. Trong bối cảnh một nền văn minh châu Mỹ bị cô lập với phần còn lại của thế giới, chưa tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến mà nặng về tôn giáo thần bí, thì niềm tin đó không có cơ sở khoa học cả về thời điểm năm 3114 TCN hay năm 2012 này. Nếu nền văn minh Maya còn tồn tại, chắc họ sẽ chờ đợi ngày 21/12 tới đây như một ngày Tết mà 394 năm mới có một lần, nhưng đơn thuần chỉ là sự kết thúc của một ngày cũ và bắt đầu một ngày mới.
Sự thẳng hàng của các hành tinh
Theo tin đồn, các hành tinh trong hệ mặt trời xếp thẳng hàng với nhau và lực hấp dẫn của chúng sẽ cộng hưởng và gây ảnh hưởng tới chuyển động của trái đất.
Hệ mặt trời có 8 hành tinh và xác suất cả 8 hành tinh bất kỳ thẳng hàng vô cùng bé. Tiến sĩ Donald Luttermoser, Đại học East Tennessee, Mỹ tính toán rằng tất cả các hành tinh, từ sao Thủy tinh tới sao Diêm vương (giờ thành hành tinh lùn) sẽ thẳng hàng tuyệt đối mỗi 8,6.10 lũy thừa 46 năm (86 tỷ tỷ tỷ tỷ tỷ năm), một con số lớn hơn nhiều lần 13,7 tỷ năm tuổi của vũ trụ.
Trong lịch sử, ngày 4/2/1962, mặt trăng, mặt trời và các hành tinh từ sao Thủy tới sao Thổ ở gần nhau không quá 17 độ trên bầu trời. Lần tiếp theo sự kiện này xảy ra sẽ là năm 2.438. Vào 21/12/2012, không hề có sự thẳng hàng của các hành tinh như trên.
Tuy nhiên, nếu giả thiết, tất cả các hành tinh cùng thẳng hàng về một phía đi chăng nữa, thì liệu có ảnh hưởng gì tới trái đất?
Mặt trời và mặt trăng có lực hấp dẫn đủ lớn và gần tương đương nhau để gây nên thủy triều trên trái đất, nhưng đó là bởi mặt trời quá lớn còn mặt trăng quá gần chúng ta. Lực hấp dẫn giảm theo bình phương khoảng cách, các hành tinh lại ở quá xa nên không đủ lớn để gây tác động đáng kể nào lên trái đất. Theo tính toán, sao Mộc – hành tinh lớn nhất trong hệ mặt mặt chỉ tác động một lực bằng 1% so với mặt trăng. Trong khi đó, trong một tháng âm lịch, mặt trăng thay đổi khoảng cách với trái đất liên tục, và lực thủy triều do đó dao động tới 25%, quá lớn so với sự thay đổi kia.
Cũng có ý kiến cho rằng, sự thẳng hàng các hành tinh này ảnh hưởng tới mặt trời. Chúng ta phải biết rằng, mặt trời chiếm tới 99.86% tổng khối lượng hệ mặt trời, so với nó tất cả các vật thể còn lại đều quá nhỏ bé, cho nên dù thẳng hàng hay không thì tương tác từ tất cả các vật thể còn lại tới mặt trời là vô cùng nhỏ và không thể ảnh hưởng gì tới hoạt động vốn có của nó.
Tuy vậy, các hành tinh vẫn “thẳng hàng” nếu nhìn từ trái đất. Đây là hiện tượng thiên văn thường gặp và được biết từ thời cổ đại.
Do hệ mặt trời hình thành từ một đám khí bụi hình đĩa, nên các hành tinh có quỹ đạo gần trùng nhau, dường như nằm trên cùng một mặt phẳng. Nếu lấy mặt phẳng quỹ đạo của trái đất làm chuẩn (mặt phẳng Hoàng đạo) thì các hành tinh di chuyển trên bầu trời rất gần với đường đi của mặt trời hàng năm (đường Hoàng đạo).
Vì vậy, nếu quan sát từ trái đất sẽ thấy các hành tinh thường xếp thẳng hàng trên bầu trời. Tuy nhiên, trong không gian, các hành tinh này không hề thẳng hàng mà hình ảnh trên chỉ là do hướng quan sát của chúng ta là từ trái đất.