Giải mã những cái bắt tay của Tổng thống Putin

Thái độ của Tổng thống Putin và các lãnh đạo khác khi bắt tay nhau phần nào thể hiện mối quan hệ giữa hai nước trong các bối cảnh cụ thể.

Giải mã những cái bắt tay của Tổng thống Putin

Tổng thống Putin tiếp ông Obama tại Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở Nga tháng 9/2013, hai tháng trước khi khủng hoảng Ukraine nổ ra. 

Theo cây bút Peter Collett của The Guardian, hai ông đều cười nhưng dè dặt hơn bình thường. Ông Obama cũng không vỗ vai người đồng cấp Nga dù đó là cử chỉ ông thường làm khi gặp gỡ mọi người. Obama đưa tay ra nhưng lại rút về trước khi chạm vào ông Putin.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chú ý đến cuộc nội chiến Syria và vụ tấn công bằng vũ khí hóa học Ghouta hồi tháng 8/2013. 

Truyền thông miêu tả hội nghị là cuộc đấu giữa Obama và Putin. Mỹ muốn thu hút ủng hộ từ các nước khác để tiến hành hoạt động quân sự chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, trong khi Nga, đồng minh của Syria, phản đối việc này. Ảnh: EPA

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Anh David Cameron hồi tháng 6/2014 gặp nhau tại Pháp, trước lễ kỷ niệm 70 năm khối đồng minh tiến hành tấn công đổ bộ chống phát xít Đức trong Thế chiến II. 

Tuy nhiên, sự kiện này có phần bị lu mờ bởi khủng hoảng Ukraine. Theo Itar-Tass, hai nhà lãnh đạo bắt đầu cuộc hội đàm "mà không có một cái bắt tay truyền thống".

Mặc dù có khởi đầu khá lạnh nhạt, cuộc gặp vẫn diễn ra theo đúng nghi thức. Ông Putin và ông Cameron sau đó bắt tay nhưng "không được máy ảnh ghi lại", phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Đức Angela Merkel gặp ông Putin tại Pháp hồi tháng 6 cũng trong khuôn khổ lễ kỷ niệm nói trên. "Đây là cái bắt tay lạnh nhạt nhất của bà Angela Merkel mà tôi từng thấy", Joe Navarro, một chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể làm việc cho FBI 25 năm nhận xét.

  "Với động tác cúi cằm xuống, bà rõ ràng đang trách móc ông Putin, người có vẻ gượng gạo, không tự nhiên và thoải mái". Tuy Nga và Đức có quan hệ khá thân thiết, bà Merkel là một trong những lãnh đạo châu Âu kiên quyết nhất trong việc giải quyết khủng hoảng Ukraine. Ảnh: AFP

"Tôi nghĩ tôi sẽ bắt tay ngài nhưng tôi chỉ có một điều duy nhất muốn nói với ngài: Ngài cần phải ra khỏi Ukraine", Jason MacDonald, phát ngôn viên của Thủ tướng Canada Harper, dẫn lại lời nói của ông với lãnh đạo Nga tại hội nghị G20 ở Australia tháng 11/2014. 

Ông Putin đáp lại rằng ông không thể thực hiện được điều đó vì Nga "không có mặt" ở Ukraine. Ảnh: Reuters

Ông Cameron có cuộc gặp căng thẳng kéo dài gần một giờ đồng hồ với Tổng thống Putin bên lề hội nghị G20 năm 2014. Thủ tướng Anh nói rằng ông Putin đang ở "ngã tư đường" và đang mạo hiểm mối quan hệ của Nga với các nước phương Tây. 

Ông còn chỉ trích Nga là "quốc gia lớn bắt nạt nước nhỏ" ở châu Âu trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Australia Tony Abbott tại Canberra. Ảnh: AFP

Ông Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay nhau tại hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Bắc Kinh hồi tháng 11/2014. 

Vào thời điểm này, Nga và Trung Quốc ký kết một biên bản ghi nhớ về việc xây dựng tuyến đường dẫn khí đốt từ tây Siberia đến các tỉnh miền tây của Trung Quốc, sau khi hai bên đạt được thỏa thuận khổng lồ về khí đốt trị giá 400 tỷ USD hồi tháng 5/2014. Ảnh: Xinhua

Ông Putin bắt tay Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hồi tháng 12/2014, tuyên bố hủy dự án đường ống khí đốt sang châu Âu South Stream (Dòng chảy phương Nam) và tăng cường chuyển khí đốt đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko bắt tay ở đầu cuộc đàm phán ở Belarus về khủng hoảng Ukraine hồi tháng 8/2014. Căng thẳng giữa hai nước vào thời điểm này lên cao sau khi Kiev công bố đoạn video được cho là quay cảnh binh lính Nga bị bắt ở đông Ukraine và quân chính phủ giao tranh ác liệt với quân ly khai kể từ tháng 4/2014. 

Nga bác bỏ cáo buộc về việc hỗ trợ lính và vũ khí cho phe ly khai. Vụ rơi máy bay MH17 hồi tháng 7/2014 càng làm cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng. Ảnh: Reuters

Lãnh đạo Nga, Đức, Pháp và Ukraine hôm 11/2 họp tại Minsk để tìm cách giải quyết khủng hoảng Ukraine. Hai lãnh đạo Nga và Ukraine bắt tay trong giây lát trước sự chứng kiến của Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp. Truyền thông phương Tây gọi đây là cái bắt tay "mang tính biểu tượng". 

Tờ IBTimes nhận xét ông Poroshenko khá nghiêm nghị còn ông Putin dường dư thân thiện hơn với "nụ cười gượng". Cuộc hội đàm kết thúc sau 17 giờ đồng hồ với một lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ 0h ngày 15/2. Ảnh: Reuters

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ