Không chỉ ở Việt Nam mà ở các quốc gia có nền văn hóa chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng Phật giáo, những câu chuyện xung quanh các bức tượng thiền sư vẫn luôn là một bí ẩn có sức hút kỳ lạ, thách thức sự lý giải của khoa học.
Mới đây, ở Mông Cổ, người ta phát hiện một bức tượng thiền sư mới, có tuổi đời trên 200 năm và làm cho cả thế giới kinh ngạc.
Sau khi bức tượng này được đưa ra nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo cho rằng, thực chất vị thiền sư này chưa chết mà chỉ rơi vào trạng thái sâu của thiền định.
Rất khó để thống kê hết được hiện trên thế giới đã phát hiện được bao nhiêu bức tượng thiền sư đang ngồi trong tư thế tọa thiền.
Ở Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Mông Cổ, Nhật Bản... và nhiều quốc gia Phật giáo phát triển mạnh đều tìm thấy những bức tượng người kiểu này.
Đặc điểm chung của các bức tượng người này là các vị thiền sư luôn ngồi trong tư thế tọa thiền hàng trăm năm, thậm chí có bức tượng lên đến hàng ngàn năm vẫn trơ như gỗ đá.
Đơn cử, như khi quan sát xác ướp nam giới trong tư thế thiền hoa sen có niên đại 200 năm tại Mông Cổ, hai nhà nghiên cứu Phật giáo nhận định ông đang ở trong trạng thái thiền rất sâu.
Theo kết quả giám định ban đầu của chuyên gia, xác ướp có thể là một nhà sư qua đời từ những năm đầu thế kỷ 19. Sau 200 năm dưới lòng đất, xác ướp thiền sư vẫn nguyên vẹn.
Mới đây nhất, bức tượng Đức Phật đang ngồi thiền trưng bày tại bảo tàng Drents ở Hà Lan đã được đưa đến trung tâm Y tế Meander ở Amersfoort năm ngoái.
Các nhà khoa học phát hiện hình ảnh bộ xương người sau khi tiến hành chụp cắt lớp bức tượng bằng công nghệ chụp CT dưới sự chứng kiến của chuyên gia nghiên cứu Phật học - Erik Bruijin.
Nhóm nghiên cứu đã xác định vị thiền sư trong bức tượng chính là Liuquan, nhân vật nổi tiếng trong lịch sử phát triển Phật giáo Trung Quốc trước Công nguyên... Đây là hai trường hợp các bức tượng táng được tìm thấy trên thế giới gần đây nhất.
Tượng táng của thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội. |
Riêng ở Việt Nam , đến nay người ta đã phát hiện ít nhất 4 bức tượng táng ngồi trong tư thế tọa thiền. Tại chùa Đậu có hai bức tượng thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Tường trong tư thế ngồi tọa thiền từ thế kỷ XVII.
Tại chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh, người ta phát hiện tượng táng của thiền sư Như Trí cũng trong tư thế ngồi tọa thiền từ thế kỷ XVII.
Và một bức tượng nữa ở Việt Nam được tìm thấy đó chính là tượng của thiền sư Chuyết Chuyết ở chùa Phật Tích, Bắc Ninh.
Các bức tượng của bốn vị thiền sư này đã từng thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và thế giới. Theo như các tư liệu về Phật giáo Việt Nam thì, trước đây ở nước ta có nhiều nhà sư đã để lại nhục thân trong tư thế ngồi kiết già tọa thiền như thiền sư Từ Đạo Hạnh, thiền sư Minh Không... tuy nhiên do chiến tranh mà các bức tượng trên bị giặc phá hủy.
Nguồn gốc của những điều phi thường
Các bức tượng táng đến nay vẫn luôn thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trên thế giới. Người ta không thể lý giải được vì sao các bức tượng người trên tuy chỉ được bảo quản đơn giản nhưng lại tồn tại gần như không bị vi khuẩn bên ngoài tấn công phá hủy.
Riêng bức tượng của thiền sư Mông Cổ thì chỉ bọc bên ngoài một lớp da trâu, hay như ở Việt Nam , các bức tượng chỉ được phủ bên ngoài một lớp sơn ta.
Trong một vài trường hợp, các nhà khoa học vẫn không sao tìm được nguyên nhân về cái chết của các vị thiền sư này.
Cụ thể, bức tượng của thiền sư Nguyễn Khắc Trường, các nhà khoa học đã đưa ra các "chỉ số" về chiều cao, trọng lượng của thiền sư Vũ Khắc Trường.
Nghiên cứu trên xương, trên phim X- quang và độ mòn của răng cửa, nhóm tu bổ phát hiện ra thiền sư Vũ Khắc Trường khi mất là một người đàn ông dưới 40 tuổi, cao khoảng 1m65, không có bệnh lý thể hiện trên xương.
Những bí ẩn thách thức Giả thuyết về bức tượng táng trên đang còn sống vẫn chưa thể chứng minh. Tuy nhiên, sự khác thường đến phi thường của các bức tượng táng trên là điều không thể chối cãi. Theo đó, các bức tượng táng trên không chỉ kỳ lạ về mặt hình thức, tất cả thiền sư đều ngồi trong tư thế tọa thiền. Mà kỳ lạ hơn, các bộ phận não và nội tạng vẫn nguyên vẹn, không có dấu hiệu nào cho thấy chúng bị lấy ra khỏi cơ thể. Hiện tượng thân thể của các thiền sư tồn tại hàng trăm đến hàng nghìn năm không bị hủy hoại mà không cần dùng đến bất kỳ một loại hóa chất nào đang khiến nhiều nhà khoa học bối rối trong lý giải. Tuy nhiên, việc nội tạng và não bộ của các vị thiền sư vẫn còn nguyên vẹn mà không cần một loại hóa chất nào bảo quản đó là một điều phi thường và nằm ngoài khả năng của khoa học hiện đại. |
Quá trình tìm hiểu của PV, về hai bức tượng thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường tại chùa Đậu thì được biết, trước khi hai vị thiền sư này quyết định nhập thất, tọa thiền, họ có dặn lại đệ tử và dân làng:
Nếu xác các Ngài thối thì đem chôn, thơm và không tan rã thì để lại thờ. Các Ngài muốn giữ xác không tan rã để nêu gương cho đời sau tu hành cũng giống như hạnh khất thực của Đức Phật.
Sau khi dặn xong đệ tử và dân làng, hai vị này nhập thất, không ăn, không uống, không nói, một thời gian sau hai Ngài mất, để lại thân thể trong tư thế tọa thiền.
Riêng đối với bức tượng táng vừa được phát hiện tại Mông Cổ, không ít người cho rằng nhà sư trên chưa chết mà đang “thiền tukdam” – một trạng thái huyền bí giữa sự sống và cái chết.
Giáo sư Ganhugiyn Purevbata, người sáng lập viện Nghệ thuật Phật giáo Mông Cổ trong đại học Phật giáo Ulan Bator tại Mông Cổ, phát biểu:
"Vị Lạt Ma ấy ngồi trong tư thế kiết già, với tay trái mở ra và tay phải tượng trưng cho hành động giảng kinh. Những động tác ấy cho thấy Ngài chưa chết, mà đang ở trong trạng thái thiền rất sâu, theo truyền thống cổ xưa của các vị Lạt Ma”.
Nhiều thông tin cho rằng, tại Ấn Độ, quê hương của Phật giáo, trong 50 năm qua, giới nghiên cứu ghi nhận 40 trường hợp tương tự.
Tiến sỹ Barry Kerzin, một nhà sư nổi tiếng kiêm thầy thuốc nói rằng, ông từng chăm sóc một số nhà sư trong trạng thái thiền tukdam.
Nếu một người có thể duy trì trạng thái thiền tukdam trong hơn 21 ngày – một hiện tượng hiếm khi xảy ra, lúc đó cơ thể của người này sẽ co dần lại và cuối cùng chỉ tóc, lông, móng tay, móng chân và trang phục còn tồn tại. Những người đứng gần nhà sư sẽ thấy một cầu vồng trên trời trong nhiều ngày.
Sự hiện diện của cầu vồng báo hiệu rằng nhà sư đã tìm thấy một cơ thể cầu vồng. Đó là trạng thái gần Phật nhất. Và cũng theo Kerzin, nếu một cá nhân có thể duy trì trạng thái thiền tukdam, người ấy sẽ có cơ hội trở thành Phật.