(GD&TĐ) - Hỏi: Bạn đọc Võ Thanh Tuấn (tuan.ckct@gmail.com), hiện là giáo viên dạy nghề tại Trường CĐN Long An, tỉnh Long An viết thư hỏi chuyên mục Hộp thư bạn đọc: Từ tháng 9/2004, Tôi là giáo viên giảng dạy tại trường Cao đẳng SPKT Vĩnh Long, đến hết tháng 5/2010 thì tôi xin nghỉ việc theo nguyện vọng để về quê. Từ tháng 8/2010 đến nay Tôi là giáo viên dạy nghề tại trường Cao Đẳng Nghề Long An tỉnh Long An. Tôi có chuyển sổ bảo hiểm về Trường Cao đẳng nghề Long An để tiếp tục tham gia đóng BH. Vậy thời gian tôi làm việc tại trường Cao đẳng SPKT Vĩnh Long có được tính thâm niên nhà giáo hay không? Tính đến nay phụ cấp thâm niên của tôi là bao nhiêu? Nếu được thì Tôi phải liên hệ với ai và hồ sơ bao gồm những gì để được giải quyết?
Ảnh minh họa/internet |
* Trả lời: Trong thư bạn không nói rõ bạn nghỉ dạy ở Trường Cao đẳng SPKT Vĩnh Long vì lý do gì và bạn đã là giáo viên biên chế chính thức hay chưa nên chúng tôi không có cơ sở để tư vấn chính xác cho bạn. Theo chúng tôi, bạn có thể nghiên cứu kỹ Điều 2, 3 Nghị định 54/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo và Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV- BTC-BLĐTBXH của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính: Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.
Cụ thể theo Điều 2 Nghị định 54/2011/NĐ-CP quy định về điều kiện, thời gian tính hưởng và thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên như sau:
1. Điều kiện được tính hưởng phụ cấp thâm niên
Nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên.
2. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên
a) Thời gian giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục;
b) Thời gian hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành nghề khác được cộng dồn với thời gian quy định tại điểm a khoản này để tính hưởng phụ cấp thâm niên.
3. Thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên
a) Thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu;
b) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;
c) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
d) Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Còn tại Điều 3 Nghị định này quy định về mức phụ cấp thâm niên như sau: Nhà giáo đủ 5 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.
Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
GD&TĐ Online