Giải bài toán giáo viên thừa - thiếu cục bộ

GD&TĐ - Tính đến ngày 15/8, cả nước có gần 310.000 giáo viên mầm non; nếu so với định mức mà Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ đã thống nhất thì số giáo viên mầm non còn thiếu là khoảng 40.000 người. Ở bậc tiểu học, số giáo viên còn thiếu gần 19.000 người. Trong khi đó ở bậc THCS và THPT cũng xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ ở nhiều địa phương. Cụ thể THCS thiếu 10.000 người nhưng cũng lại thừa 12.000 người, còn bậc THPT thì thiếu trên 3.000 giáo viên.

Cần giải pháp căn cơ từ phía chính quyền địa phương, ngành GD cơ sở trong việc rà soát chính xác số lượng giáo viên thừa - thiếu
Cần giải pháp căn cơ từ phía chính quyền địa phương, ngành GD cơ sở trong việc rà soát chính xác số lượng giáo viên thừa - thiếu

Có sự bất hợp lý là các địa phương như thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi trong năm 2017 đã tổ chức thi tuyển dụng hàng ngàn giáo viên ở 4 cấp học từ mầm non đến THPT, với số lượng thí sinh dự thi rất lớn, nhưng bước vào đầu năm mới 2018 - 2019 này vẫn có phản ánh từ cơ sở về việc thiếu hàng giáo viên, thậm chí nhiều lớp học ở miền núi đứng trước nguy cơ trắng giáo viên. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non cũng xảy ra ở hầu hết các tỉnh miền núi hoặc vùng khó khăn.

Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo viên thừa - thiếu cục bộ hiên nay, trong đó, từ kinh nghiệm tại cơ sở, tôi cho rằng, có ba nguyên nhân chính:

Một là, công tác quy hoạch, dự báo, tổ chức sắp xếp mạng lưới, quy mô trường lớp, giáo viên thiếu - thừa ở các địa phương còn nhiều hạn chế, yếu kém;

Hai là, khi thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, từ 4 - 5 năm nay, các cấp có thẩm quyền ở nhiều địa phương không được giao chỉ tiêu biên chế;

Ba là, nhu cầu gửi trẻ ở bậc mầm non của các phụ huynh ngày càng tăng, giáo viên tăng song không theo kịp tốc độ tăng của trẻ, đặc biệt là các thành phố lớn, khu đô thị đang phát triển.

Nhiều năm qua, mỗi địa phương có những cách làm khác nhau để giải bài toán thiếu - thừa giáo viên cục bộ. Hầu hết, các địa phương cho hợp đồng giáo viên, có nơi lên đến cả hàng ngàn người; có giáo viên dạy hợp đồng trên 20 năm mà vẫn không có cơ hội vào biên chế Nhà nước. Hàng loạt vụ giáo viên bị thiệt thòi khi thi tuyển, xét tuyển, ở Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk… từng gây bức xúc, nhức nhối dư luận xã hội cả nước, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra một phương án nào tối ưu để tháo gỡ.

Tiếp đến, nhiều địa phương vẫn còn những quy định chồng chéo, những hướng dẫn và thực thi khác nhau về thuyên chuyển, điều chuyển, biệt phái số giáo viên dư thừa ở môn này, trường này, cấp học này sang dạy ở môn, trường, cấp học khác còn thiếu. Tâm thế nhiều giáo viên thêm bất an khi buộc phải thay đổi môn dạy, trường, lớp, cấp học.

Không thể để kéo dài tình trạng thiếu - thừa giáo viên ở các địa phương như thế này mãi. Nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng trước hết đến quyền và lợi ích của nhà giáo, tiếp đó là quyền lợi được học tập của các em HS và trên nữa là ảnh hưởng tới chất lượng GD.

Tôi đồng tình với chủ trương, tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT hiện nay là các địa phương phải tiếp tục sắp xếp rà soát mạng lưới trường lớp theo hướng giảm điểm lẻ, tăng quy mô các trường để tiết kiệm định mức đầu tư cũng như biên chế. Điều tiết số thầy cô giáo từ nơi thừa sang nơi thiếu, từ cấp học thừa sang cấp học thiếu để khắc phục tình trạng có HS mà không có giáo viên. Đồng thời, các trường sư phạm phối hợp tốt với các địa phương có ngay biện pháp, kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho số giáo viên được chuyển sang cấp học còn thiếu để họ sớm thích nghi với cách dạy - học, GD ở cấp đó.

Trước mắt, các cấp thẩm quyền yêu cầu cấp quản lý GD ở địa phương rà soát, thống kê chính xác số giáo viên thừa - thiếu tại tất cả các trường, nhất là diện thiếu nhiều và giao quyền, trách nhiệm cho các trường, Phòng GD&ĐT được phép chủ động hợp đồng giáo viên trong năm nay và vài năm tới. Mặt khác, ngành GD cần đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư để giảm tải cho trường công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ