Giác hơi cắt lễ hút "máu độc" coi chừng nhiễm HIV

GD&TĐ - Giác hơi không điều trị đặc hiệu cho bất cứ bệnh nào, chỉ là phương pháp hỗ trợ khi bị cảm cúm, đau nhức. Việc lạm dụng và không sát trùng dụng cụ giác hơi có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Giác hơi cắt lễ hút "máu độc" coi chừng nhiễm HIV

Không trị bệnh đặc hiệu

6h30 sáng, điểm giác hơi của bà Nguyễn Thị Kim Ngà (P.Cát Lái, Q.2, TPHCM) đã có khách. Trong căn phòng chật hẹp bề bộn, một mảnh chiếu nhỏ được trải xuống nền gạch và bộ đồ nghề là lọ cồn 90 độ, 2 chai dầu thoa da, cùng rổ ống giác hơi nhem nhuốc, được dùng chung cho nhiều khách và không sát trùng lại sau mỗi ca GH.

Bà Ngà tay thoăn thoắt đốt lửa chụp ống giác lên lưng cho khách, vừa làm bà vừa chuyện: “Làm xong là thấy người khỏe liền vì được hút hết gió độc trong người ra. Trước đây tôi có giác cắt lễ, nhưng sau này ít cắt hơn. Giác cắt lễ xong thấy cơ thể khỏe hơn giác thường, đàn ông làm nhiều hơn, vì mỗi lần cắt và hút giác là máu ra nhiều lắm. Nhưng đã quen thì thấy mê”.

Giác hơi cắt lễ hút "máu độc" coi chừng nhiễm HIV ảnh 1

Một điểm GH tự phát tại Q.2, TPHCM

Bà Ngà cũng cho hay: “Làm nghề này chỉ nhìn học lỏm chứ không cần trường lớp vì quá đơn giản”. Khoảng 15 phút sau bà Ngà rút ống giác, lưng khách tím đen. Lấy một lọ được cho là “tinh dầu của một loại hoa, mua ở chợ Sài Gòn” thoa khắp lưng cho khách, bà Ngà xuýt xoa: “Vết đen tím là máu độc, nếu cắt lễ hút ra thì đã lắm!”. Trên nhiều trang mạng cũng nhan nhản điểm giác hơi chào hàng: “giác theo yêu cầu cả cắt lễ và giác lửa, đến giác tận nhà, giá 200.000đ/lần”.

Đại tá Đỗ Kiên Cường, Viện Vật lý Y sinh TPHCM, cho rằng giác hơi dùng nhiệt ít có nguy cơ nhiễm trùng nhưng có thể gây bỏng da, lây nhiễm bệnh ngoài ra như lang ben, nấm… Cồn 90 độ chỉ diệt khuẩn, không diệt được vi trùng nấm ngoài da, và nhiều vi sinh vật khác. Giác hơi là phương pháp kích thích thần kinh ngoại biên, tác động tới thần kinh trung ương tác dụng hỗ trợ người bệnh giảm cơn đau trong thời gian ngắn, hoàn toàn không điều trị đặc hiệu cho bất cứ bệnh nào.

Giác hơi cắt lễ hút "máu độc" coi chừng nhiễm HIV ảnh 2

Bà Ngà đang giác hơi cho khách.

Giác hơi cắt lễ hút nặn “máu độc” là quan niệm sai, trên cơ thể không có máu độc. Cắt da thịt chích máu thực ra là dùng độc trị độc, dùng kích thích gây đau để giảm đau, không phải chích hút máu độc như nhiều người lầm tưởng. Những dụng cụ dùng để chích máu, giác hơi yêu cầu phải tuyệt đối vô trùng. Giác hơi và giác hơi cắt lễ dạo (rạch da và chụp ống giác hơi hút máu ứ) thì không thể có cách sát trùng thiết bị giác hơi an toàn, nên nguy cơ lây nhiễm bệnh ngoài ra, nặng hơn là nhiễm trùng máu do cắt lễ là có thể xảy ra.

 Nguy cơ lây nhiễm viêm gan, HIV

Phân tích kỹ hơn, TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Trưởng phòng đào tạo Nghiên cứu Khoa học và chỉ đạo tuyến, Viện Y học Dân tộc TPHCM cho biết, giác hơi có hai loại: cắt lễ và giác hơi không cắt lễ. Giác hơi không cắt lễ lại có 3 cách: không dùng lửa, dùng lửa và dùng nước ấm hoặc nước thuốc.

"Chữa cảm trong vài phút mà đẩy cả cuộc đời đi chữa HIV là điều không ai muốn, nhưng nguy cơ có thể xảy ra khi làm giác hơi dạo không an toàn. Nếu gia đình tự làm giác hơi, tốt nhất thực hiện giác hơi không dùng lửa và không cắt lễ" ,TS.BS Trương Thị Ngọc Lan cho biết.

Giác hơi là một biện pháp vật lý, khi bầu giác hơ lửa làm cho không khí bị loãng, chụp vào da sẽ có lực hút, cơ bị kéo lên, giãn ra. Giác hơi có tác dụng đối với trường hợp bị cảm và người bị đau nhức do cơ bị co.

Trong hai trường hợp này nguyên lý giác hơi như nhau, đều làm giãn cơ. Khi bị cảm (thường là cảm lạnh), phản xạ của cơ thể là gặp lạnh thì co lại, những thành phần co lại như da, mạch máu dưới da và cơ. Khi chúng co sẽ làm cho cơ xiết lại, máu huyết không lưu thông gây đau nhức.

Khi giác hơi kéo cơ giãn ra đột ngột sẽ đẩy những mạch máu (máu ứ), mao mạch đang co lại bị vỡ tràn dưới da, mọi người thường nói bị trúng gió sẽ tím bầm, hoặc máu độc.

Chống chỉ định của giác hơi, đó là không làm ở những vết thương hở, vùng da đang bị lở loét mụn nhọt. Nhiều trường hợp da bị phồng lên do để ống giác quá lâu trên da, giác hơi trung bình chỉ 5-10 phút, giác lửa không được quá lớn.

Trường hợp bị phỏng da không được chọc vỡ nước vết phỏng. Yêu cầu dụng cụ giác hơi thường phải được rửa sạch bằng xà phòng, phơi nắng nhiều giờ trong ngày. Dụng cụ giác hơi cắt lễ muốn sát trùng phải nấu chúng trong nhiệt khoảng 100oC từ 1-2 giờ.

“Có nơi sau khi dùng dao lam cắt lễ cho người bệnh, lại cắm lưỡi dao này vào một miếng chanh tươi, mục đích là sát trùng. Tuy nhiên, acid của trái chanh không thể diệt được vi khuẩn. Còn với các điểm giác hơi tự phát, giác hơi dạo thì việc sát trùng dụng cụ không thể đảm bảo. Do đó, lây bệnh về da, lây nhiễm qua đường máu là rất lớn như: viêm gan siêu vi B, C, HIV… Tỷ lệ viêm gan B, C tại Việt Nam hiện rất cao”, TS Lan cho hay.

Theo Tin tức online

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh đội nắng ra về sau buổi thi đánh giá năng lực ở Đại học Quốc gia TP HCM ngày 7/4. Ảnh minh họa: VNUHCM

'Hạ nhiệt' cho sĩ tử

GD&TĐ - Nắng nóng kéo dài những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của học sinh các địa phương.
Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.