Giá trị di tích làng cổ Đường Lâm mãi trường tồn

GD&TĐ - Đường Lâm là một trong những ngôi làng đầu tiên được Nhà nước xếp hạng là di tích (năm 2005). Ngoài nhiệm vụ quản lý, khai thác, phát triển du lịch tại di sản thì công tác bảo tồn, tôn tạo đóng vai trò rất quan trọng. 

Cổng làng Mông Phụ - Đường Lâm
Cổng làng Mông Phụ - Đường Lâm

Điều đó khẳng định sự quan tâm đầu tư của Nhà nước đến việc bảo tồn các di sản văn hóa. Đồng thời, ghi nhận được sự ủng hộ, hợp tác tự nguyện của đông đảo nhân dân và du khách gần xa.

Công tác bảo tồn

Đến với di tích làng cổ Đường Lâm, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng, tìm hiểu, khám phá các giá trị đa dạng, phong phú của mỗi loại di sản văn hóa mà còn được hòa mình trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Từ nét sinh hoạt, phong tục tập quán, quan hệ tiêu biểu đến các giá trị cảnh quan đặc sắc tại rất nhiều vị trí vùng đệm của di tích; Đồng thời được thưởng thức các sản phẩm đặc trưng truyền thống của cư dân nông nghiệp.

Làng gồm 5 thôn thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) với diện tích 162 ha, số dân 7.000 người, 1.050 hộ gia đình sinh sống. 
Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ ở Đường Lâm hiện có 98 ngôi nhà cổ, 5 đình, 4 đền, 2 chùa cổ, hàng chục các quán, điểm, giếng cổ văn chỉ, võ chỉ, miếu, nhà bia, nhà tưởng niệm.

Các công trình di tích đã tồn tại hàng mấy thế kỷ như: Nhà cổ, đình, đền, cổng làng, miếu, quán… chủ yếu được cộng đồng dân cư dựng lên bằng các loại vật liệu truyền thống đặc trưng của vùng nên luôn chịu sự tác động của các yếu tố: Khí hậu, côn trùng, mối mọt. Việc tu bổ, bảo tồn các hạng mục của di tích diễn ra một cách khoa học, đúng quy định của luật di sản và các văn bản kết hợp sự tham gia góp ý của lãnh đạo chính quyền địa phương và nhân dân sở tại, sự quản lý, theo dõi của các đơn vị chuyên môn của thị xã và thành phố. Quá trình thực hiện diễn ra theo quy trình gồm đánh giá, khảo sát hiện trạng, lựa chọn công trình cần lập dự án thiết kế, thi công và tư vấn của các chuyên gia.

Chia sẻ về công tác bảo tồn các di tích ở Làng cổ Đường Lâm, ông Nguyễn Huy Khánh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết: "Dựa trên lý lịch và thực trạng của di tích chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương chọn ra các công trình bị xuống cấp, cần thiết phải lập dự án xin Nhà nước hỗ trợ, tu bổ, tôn tạo. Việc lựa chọn cần đạt được sự nhất trí, ủng hộ của chính quyền và người dân.

Trước khi thi công, chúng tôi tiến hành đánh giá các cấu kiện, vật liệu, các loại vật liệu dự kiến thay thế, xem xét thực tế công trình, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của chủ nhân như: Lộ trình, thời gian, các hạng mục được sửa chữa tôn tạo, tu bổ theo đúng thiết kế đã được phê duyệt; tư vấn cho các gia đình phục dựng các công trình phụ trợ phù hợp với không gian, cảnh quan của các di tích (tại các nhà cổ).

Việc xây dựng nhà bao che bằng vật liệu chắc chắn, kiên cố bảo đảm các điều kiện thuận lợi quá trình thi công. Tận dụng các loại vật liệu cũ, sử dụng hiệu quả các yếu tố gốc để cho di tích luôn có tính kế thừa, bảo tồn được giá trị cốt lõi tiêu biểu, không thay thế, làm mới hoàn toàn, áp dụng một số kinh nghiệm thực tiễn dân gian…

Tính đến thời điểm này, đã có 26 nhà cổ, 29 điểm, giếng cổ và một số di tích trọng điểm như: Đình Mông Phụ, Cam Thịnh, cổng làng Mông Phụ, đền – lăng Ngô Quyền và một số dự án khác như: Sa bàn, mô hình 20 ngôi nhà mẫu truyền thống đã được Nhà nước đầu tư khoản kinh phí lớn. Các di tích hoàn thiện được cộng đồng dân cư và chính quyền, cơ quan quản lý, sử dụng và phát huy có hiệu quả”.

Vừa qua, di tích Làng cổ Đường Lâm nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình, có trách nhiệm và đạt kết quả cao của các chuyên gia, nhà khoa học, tình nguyện viên Nhật Bản và tổ chức JICA tại Việt Nam. Điều đó đã được chứng minh bằng giải thưởng của Ủy ban UNESCO Châu Á – Thái Bình Dương dành cho 5 công trình, gồm 3 nhà cổ và 2 di tích vào năm 2013. Mô hình và quy trình bảo tồn di tích tại Làng cổ Đường Lâm cũng được các chuyên gia lựa chọn để mời các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Bảo tồn di tích phố cổ Hội An ra học tập, trao đổi kinh nghiệm.

Ngoài việc tu bổ, tôn tạo các di tích bằng nguồn vốn Nhà nước, một số di tích còn được cộng đồng dân cư và chính quyền bảo tồn bằng nguồn vốn xã hội hóa tự nguyện. Các công trình được thực hiện bảo đảm về chất liệu thiết kế, tạo sự nhất trí đồng thuận cao đang sử dụng có hiệu quả như một số hạng mục của chùa Mía, cổng làng Đông Sàng, văn chỉ, đền phủ, đình phố…

Còn không ít khó khăn

Quá trình tu bổ, tôn tạo các nhà cổ còn gặp một số vướng mắc. Các ngôi nhà cổ là sở hữu của gia đình nên họ có quyền sửa chữa, cải tạo để đảm bảo điều kiện cư trú, nhưng lại thực hiện theo sự quản lý của Luật Di sản văn hóa là phải giữ hiện trạng để báo cáo, phối hợp với chính quyền và ban quản lý làm các thủ tục trình Nhà nước xem xét cho lập dự án tu bổ. Trong khi, thời gian chờ được phê duyệt thường kéo dài, nên ngôi nhà sẽ đứng trước 2 nguy cơ là không đảm bảo cho các nhân khẩu đang cư trú và di sản văn hóa bị hư hỏng nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, quá trình thi công cũng gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện theo các văn bản chính sách mới được sửa đổi ban hành.

Trong bối cảnh thực tiễn, công tác quản lý di tích đang còn gặp nhiều khó khăn, việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích làng cổ Đường Lâm cần được làm bài bản, khoa học, có hiệu quả nên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND thành phố Hà Nội đã nhất trí cho tiến hành các bước để khoanh vùng khu vực bảo vệ của di tích trong thời gian tới.

Vừa qua, di tích làng cổ Đường Lâm nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình, có trách nhiệm và đạt kết quả cao của các chuyên gia, nhà khoa học, tình nguyện viên Nhật Bản và tổ chức JICA tại Việt Nam. Điều đó đã được chứng minh bằng giải thưởng của Ủy ban UNESCO châu Á – Thái Bình Dương dành cho 5 công trình, gồm 3 nhà cổ và 2 di tích vào năm 2013. Mô hình và quy trình bảo tồn di tích tại làng cổ Đường Lâm cũng được các chuyên gia lựa chọn để mời các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Bảo tồn di tích phố cổ Hội An ra học tập, trao đổi kinh nghiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhóm cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đặt bẫy ảnh để điều tra nắm bắt các loài động vật hoang dã.

'Mắt thần' giữ rừng Quảng Trị

GD&TĐ - Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) có tổng diện tích gần 23.500ha, chủ yếu là rừng nguyên sinh nên có nhiều loài động vật quý hiếm.