Giả mạo thông tin tuyển sinh, học bổng: Cẩn thận không thừa

Giả mạo thông tin tuyển sinh, học bổng: Cẩn thận không thừa

Giả mạo thông tin tuyển sinh, học bổng

Năm 2018, Trường ĐH Bách khoa TPHCM đưa ra cảnh báo với sinh viên trước thông báo về việc tiếp nhận học bổng, yêu cầu đóng học phí nhập học (180 triệu đồng)/chương trình liên kết quốc tế với đối tác Australia. Nhà trường khẳng định mọi thông báo, hồ sơ, con dấu mà các đối tượng gửi đến sinh viên về chương trình này đều là giả mạo.

Tương tự, tháng 3/2019, Trường ĐH Kinh tế TPHCM cũng nhận được phản ánh về việc giả mạo thông tin tuyển sinh chương trình cử nhân quốc tế - chu trình đào tạo liên kết doanh nghiệp quốc tế năm học 2019. Thông báo này phát hành nêu thời gian đào tạo 2,5 năm; quy mô 30 SV/lớp với học phí 62 triệu đồng/học viên/khóa, hình thức đăng ký đơn giản chỉ cần "quẹt thẻ ATM (thanh toán một lần)". Sau khi xác minh, nhà trường đã thông báo đến sinh viên và phụ huynh.

Mới đây nhất, Trung tâm Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Sài Gòn nhận được nhiều thông tin liên hệ từ phía phụ huynh hỏi về việc con mình trúng tuyển một chương trình liên kết đào tạo tại trường. Văn bản thông báo trúng tuyển gửi phụ huynh còn hứa hẹn trợ cấp mỗi tháng 200 Dollar Singapore (SGD) cho sinh viên khi theo học, bảo đảm thu nhập hàng tháng từ 2.500 SGD trở lên khi sinh viên vừa học, vừa làm việc tại các bệnh viện hàng đầu Singapore. Qua điều tra và xác minh, Trung tâm Đào tạo quốc tế phát hiện một số sinh viên trong trường đem văn bản giả mạo này về cho gia đình xin 150 triệu đồng đóng để được nhận học bổng.

Chủ động kiểm chứng và xác minh

Chương trình liên kết quốc tế của các trường đại học tại Việt Nam với cơ sở GD ĐH trên thế giới khá đa dạng: Học chuyển tiếp, tiếp nối giai đoạn hay học song bằng ngay tại Việt Nam. Việc hợp tác giữa hai bên không chỉ dừng lại ở trọn vẹn một chương trình đào tạo, mà xuất hiện nhiều ngành hẹp, với phương thức linh hoạt nhất cho người học. Vì vậy, các chương trình này thu hút sự quan tâm của phụ huynh và sinh viên.

Nhắm tới đối tượng có nhu cầu học chương trình liên kết (mức học phí cao), trong khi việc tra soát các thông tin, giấy tờ giả từ cơ quan chức năng (giấy báo nhập học, thông tin trúng tuyển, thông báo nhận học bổng...) còn nhiều lỗ hổng, các đối tượng lừa đảo đã vào cuộc kiếm chác. Tiến sĩ Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho biết: Thời gian qua, hàng chục sinh viên vì nghe lời dụ dỗ của đối tượng đa cấp, lừa đảo, "nhắm mắt - đưa chân" về lừa chính các bậc phụ huynh lấy hàng trăm triệu để đi… du học. "Phụ huynh phần vì thương, tin tưởng con, phần tin vào những tờ giấy thông báo trúng tuyển, thông báo nhập học, đóng học phí với đầy đủ chữ ký của hiệu trưởng, dấu đỏ của trường nơi con theo học nên bị lừa".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh - Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế Trường ĐH Nguyễn Tất Thành TPHCM, để bảo vệ chính mình, sinh viên và phụ huynh phải là người chủ động kiểm chứng và xác minh nguồn thông tin, chương trình học bổng tại các phòng, khoa chức năng của trường trước khi thực hiện giao dịch, xác nhận nhập học.

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh lưu ý: "Các trường đều có Trung tâm tuyển sinh và Viện, trung tâm đào tạo quốc tế (nơi quản lý các chương trình liên kết). Vì vậy, trước khi xác định việc theo học chương trình liên kết, phụ huynh và sinh viên cần tìm hiểu, xác nhận một cách rõ ràng. Tuyệt đối không nghe theo lời giới thiệu, mời gọi của bất cứ cá nhân nào ngoài nhà trường".

Trường ĐH Hoa Sen còn yêu cầu sinh viên thực hiện nghiêm quy trình đăng ký theo học. "Nhà trường có bộ phận tư vấn sâu về chương trình học liên kết, kinh phí cho sinh viên và phụ huynh. Khi các em quyết định theo học, nhà trường yêu cầu phải có phụ huynh đi kèm khi đóng học phí (cấp hóa đơn đỏ) tại bộ phận Kế toán, làm bản xác nhận… xong trường mới ra thông báo. 

Về học bổng, tiếp nhận học bổng để chuyển tiếp các chương trình quốc tế quy trình còn khó và đòi hỏi nhiều bước xác nhận hơn từ phía sinh viên và gia đình. Vì vậy, khi có thông tin học bổng, chương trình liên kết quốc tế không chính thống (không có trên website, fanpage của nhà trường, bảng tin của khoa), sinh viên và phụ huynh sẽ biết đó là thông tin giả mạo" - ông Nguyễn Việt Thái - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông ĐH Hoa Sen cho biết.

Các chương trình liên kết quốc tế, chính sách học bổng từ chương trình liên kết đều được Văn phòng Đào tạo Quốc tế thông tin rộng rãi trên Website, Fanpage của trường. Mặt khác, khi sinh viên theo học hay săn học bổng chương trình này, chúng tôi đều yêu cầu sinh viên và phụ huynh trực tiếp lên văn phòng để xác minh thông tin chương trình, tránh bị đối tượng xấu lừa. - Tiến sĩ Đặng Văn Tùng - Trưởng Văn phòng Đào tạo Quốc tế Trường ĐH Bách khoa TPHCM

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ