Gia Lai: Sắp di dời hòn đá được đồn thổi liên quan đến kho báu

GD&TĐ - Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã lập kế hoạch di dời bia đá khắc kí tự lạ mà nhiều người cho có liên quan đến kho báu của người Chăm ở thôn Tư Lương (xã Tân An, huyện Đắk Pơ) về bảo vệ, trưng bày trong khuôn viên.

Gia Lai: Sắp di dời hòn đá được đồn thổi liên quan đến kho báu
Gia Lai: Sắp di dời hòn đá được đồn thổi liên quan đến kho báu ảnh 1Gia Lai: Sắp di dời hòn đá được đồn thổi liên quan đến kho báu ảnh 2Gia Lai: Sắp di dời hòn đá được đồn thổi liên quan đến kho báu ảnh 3
Bia đá cổ và câu chuyện kho báu

Bia đá cổ nằm lẻ loi trên gò đất cao, xung quanh là vườn mía của người dân bao bọc. Bia đá có chất liệu sa thạch, cao gần 2m, chân rộng 1,5m, thu nhỏ dần về phía đỉnh. Điều đặc biệt là cả 2 mặt đá đều có những dòng chữ lạ chằng chịt, được cho là chữ Chăm cổ. 

Bên mặt lớn của tảng đá có 8 dòng chữ, mặt nhỏ có 3 dòng. Quanh chân bia đá, những vết đào bới tìm kho báu sâu chừng 50 - 70cm vẫn còn hằn dưới đất. Do bị đào sâu dưới chân nên bia đá đã nghiêng hẳn về một bên.

Sau thời gian dài hòn đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, bỗng dưng từ đầu năm 2010 nó nổi tiếng vì được những người chuyên săn tìm kho báu để ý đến. Và từ đây những câu chuyền ồn ào được đồn thổi xung quanh bia đá. 

Người dân tứ phương đổ dồn về đây để giải mã bí ẩn về hòn đá nhằm muốn tìm kho báu để đổi đời. Nhưng đến nay, người đến rồi ra đi bằng tay trắng, kho báu ở đâu vẫn là điều bí ẩn. 

Được biết, người đến đây tìm kho báu quanh bia đá chủ yếu là người dân ở nơi khác đến. Người dân ở đây không ai dám động đến bia đá này vì họ sợ đụng đến thần linh. Bia đá từng bị một nhóm người mang máy cẩu vào định đưa đi. Người dân xung quanh phát hiện được, đã ra ngăn cản nên mới giữ lại được bia đá.

Bia đá sẽ được di dời để bảo vệ, trưng bày cho khách tham quan

Sự ăn mòn của thời gian, những ký tự khắc trên bia đá đã phai mờ dần, không còn rõ nét. Bia đá ghi những gì trên đó đến nay còn nhiều bí ẩn đối với người dân và nhà khoa học. Bia đá chữ vẫn còn giữ nguyên vẻ cổ xưa và khoác lên mình chiếc áo bí ẩn, rất cần được các nhà khoa học giải mã, và cần được cơ quan chức năng bảo vệ, giữ gìn.

Đứng trước sự xuống cấp của bia đá cổ, Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với chính quyền địa phương đã tổ chức họp dân thôn Tư Lưng, bàn về vấn đề đưa hòn đá về bảo tàng để bảo vệ, trưng bày và phục vụ nghiên cứu. 

Trong cuộc họp, đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau từ người dân. Phần lớn là đồng tình nhưng cũng có nhiều ý kiến thắc mắc là liệu đem hòn đá đi có ảnh hưởng đến vấn đề tâm linh. 

Trong tờ trình của Bảo tàng tỉnh Gia Lai gửi UBND tỉnh cũng nêu rõ: “Trước nguy cơ bia đá bị xâm hại, dẫn đến hư hỏng nên việc di dời đã trở nên cấp thiết. Việc làm này cũng là con đường ngắn nhất để bia đá được các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm và các nhà khoa học tiếp cận, đọc và dịch toàn bộ nội dung trên bia, góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu một giai đoạn lịch sử còn rất thiếu vắng về sử liệu của Gia Lai nói riêng của Tây Nguyên nói chung.

Tiến sĩ, Nguyễn Thị Kim Vân – Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai - cho biết: Dựa trên bản dập của Viện khảo cổ học Việt Nam, chuyên gia người Hà Lan ông Arlo Griffiths, hiện đang làm cho Viển Đông Bác Cổ Pháp đã dịch được một số thông tin ban đầu về bia đá như sau: “Chủ nhân của bia đá là người Chăm, năm lập bia đá 1438 (tức năm 1360 – niên đại Saka), dưới thời vua Yura Bhadravarman Deva”. Còn những chữ còn lại vẫn chưa dịch được. 

Tiến sĩ Vân cung cấp thêm: Bia đá do người Chăm lên Tây Nguyên khắc để đánh dấu sự có mặt của họ ở vùng đất này. Đây rõ ràng không phải là bia mộ, phía dưới càng không có kho báu. 

Việc di dời này là bình thường và đã được quy định trong Nghị định của Chính phủ về các di vật, cổ vật dưới lòng đất. Còn vấn đề tâm linh thì do chỉ di dời về để bảo vệ, trưng bày, nghiên cứu tại bảo tàng cho người dân đến cùng tham quan nên không ảnh hưởng gì đến bia đá.

Theo nghị số 98/2010/NĐ-CP của Chính phủ, mọi di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ở trong lòng đất thuộc đất liền, hải đảo, ở vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định tại Điều 6 Luật di sản văn hóa, khi phát hiện hoặc tìm thấy đều thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật về dân sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.