Mua đất nông nghiệp giá rẻ bán đất nền giáo cao
Làng Brel xã Ia Dêr, huyện Ia Grai (Gia Lai), mang tiếng là đất huyện nhưng lại nằm sát bên đường Lý Thái Tổ (1 con đường lớn của TP. Pleiku). Khoảng cách từ làng Brel về trung tâm thành phố còn gần hơn về UBND xã Ia Dêr.
Nhu cầu mua đất xây nhà ở trong làng cũng không khác gì nhiều vị trí đắc địa trong thành phố. Nhận biết được lợi thế về giá bất động sản của làng Brel có thể được đẩy lên mức cao, 1 số người đã tranh nhau gom nhiều mảnh đất nông nghiệp ở trong làng để phân lô, bán nền, trong đó có cả diện tích đất trồng lúa, sau đó tìm cách hợp thức hóa.
Cánh đồng lúa của làng Brel đang trồng lúa 2 vụ/năm, nuôi sống hàng trăm nhân khẩu bỗng chốc cứ thu hẹp dần, thay vào đó là những căn nhà kiên cố san sát. Phần lớn cánh đồng lúa này là của người đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thiếu hiểu biết đã bị nhiều người lợi dụng, mua với giá “rẻ mạt” rồi phân lô bán cho người có nhu cầu về đất ở với giá cao. Trong đó có nhiều hộ buộc phải bán trong sự tiếc nuối.
Bà H"mel có 2 sào (mỗi sào là 1.000 m3) đất lúa vừa bán với cái giá 800 triệu đồng cho 1 người hỏi mua. “Có người đến trả giá nên tôi bán. Ruộng tôi ở đó, họ xây nhà sát bên ruộng. Muốn đi xuống ruộng nhà mình phải đi qua nhà họ. Nước tưới tiêu không vào được vì các con kênh đã bị chặn bởi các ngôi nhà. Tôi bán lấy tiền đi mua đất ở khác làm ruộng dễ hơn”, H’mei nói.
Tình trạng này cứ xảy ra liên tục trong những năm qua không được ngăn chặn, dẫn tới nhiều hộ sau khi bán đất đã không còn đất canh tác. Không chỉ vậy, việc biến đất lúa thành đất ở của những “nhà đầu cơ” trên đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình sản xuất lúa của người dân. Trước đây, người dân có thể yên tâm canh tác 2 vụ ăn chắc, giờ đây họ chỉ còn làm 1 vụ nhưng bấp bênh. Thiếu nước sản xuất, nhiều hộ đã chuyển dần từ trồng lúa sang trồng cây công nghiệp ngắn ngày.
Điều đáng ngạc nhiên hơn, đất nông nghiệp phân lô bán nhưng lại bán rất chạy với giá cao. Trong vai một người mua đất để xây nhà, chúng tôi tìm đến làng Brel. Khi chúng tôi hỏi một số người dân ở đây về ý định mua đất khu vực này, tất cả đều lắc đầu “các anh đến muộn rồi, đất ở đây bán hết rồi”. Gọi điện cho một chủ đất theo số điện thoại người dân cho cũng nhận được câu trả lời “đất hết rồi, chờ lần sau đi”.
Cách đây khoảng 7 năm, anh Puih Mlis đổi 1 sào đất ruộng ở gần đó lấy 3 sào ruộng gần nhà và nhận thêm 45 triệu đồng. Puih Mlis cho biết, hồi đó dân trong làng chỉ bán với giá khoảng 80 triệu đồng 1 sào. Đất đó trước đây tôi trồng lúa 2 vụ, giờ họ xây nhà hết rồi. Nghe nói họ mua đất ở đó xây nhà với giá cao lắm, giờ nghĩ lại cũng hơi tiếc.
Một hộ dân (xin được giấu tên) đang xây nhà ở đó chia sẻ, ông mua lô đất 5 x 25 m với giá 125 triệu đồng. Những miếng xung quanh của ông cũng có giá giao động từ 120 triệu đến 200 triệu. Phần lớn đất ở đây đều là đất nông nghiệp nhưng mọi người vẫn xây nhà bình thường. Đất của ông hiện vẫn chưa chuyển được sang đất ở. Ông xây nhà mà chưa có giấy phép do đất nông nghiệp, nhưng không thấy ai đến kiểm tra hay nhắc nhở gì.
Việc mua bán rồi xây nhà trên đất nông nghiệp đã diễn ra từ lâu
Cánh đồng làng Brel là đất ruộng và vẫn được người dân trồng lúa 2 vụ/năm. Vậy nhưng, bất chấp những quy định của Nhà nước về việc cấm chuyển đổi đất lúa thành mục đích sử dụng khác (trừ một số trường hợp đặc biệt), và khuyến khích, hỗ trợ cho người dân khai hoang, mở rộng diện tích đất trồng lúa, thì một số “nhà đầu cơ” trên lại “biến” đất lúa thành đất trồng cây hàng năm, rồi phân lô bán kiếm lời.
Đại diện UBND xã Ia Dêr thừa nhận: Khu vực làng Brel có một số hộ gom đất, nhiều nhất là hai hộ người thành phố Pleiku. Các hộ mua đất của một số người ở đây thuộc đất cây hàng năm, sau đó họ chuyển mục đích sang đất ở.
Một số hộ, mặc dù chưa chuyển mục đích sử dụng đất nhưng đã tự ý xây nhà, chúng tôi đã nhắc nhở và xử phạt 6 trường hợp. Đến nay, đã có khoảng 70% trường hợp xây nhà đã được chuyển quyền sử dụng đất sang đất ở.
Tại báo cáo về việc kiểm tra đất ở khu vực xã Ia Dêr của UBND huyện Ia Grai do ông Phan Trung Tường – Phó Chủ tịch UBND huyện ký gửi UBND tỉnh Gia Lai có nêu: “Hiện trạng có 93 hộ gia đình, cá nhân đã xây dựng nhà ở và trồng rau màu tại khu dân cư trên”.
“Việc mua bán sang nhượng đất của các hộ đều có xác nhận của UBND xã, nay đã được cấp giấy CNQSDĐ đúng quy định. Tuy nhiên việc xây dựng nhà ở của các hộ gia đình, cá nhân trên đất nông nghiệp là không đúng theo quy định của pháp luật”, báo cáo khẳng định.