Gia Lai: Lan rừng xuống phố khoe sắc

GD&TĐ - Đường Hai Bà Trưng (TP Pleiku, Gia Lai) trở thành địa điểm quen thuộc của những người chơi lan tại tỉnh Gia Lai. Ở đây có hàng chục loại lan rừng khác nhau được các tay săn lan đem từ trên rừng xuống.

Gia Lai: Lan rừng xuống phố khoe sắc
Gia Lai: Lan rừng xuống phố khoe sắc ảnh 1Gia Lai: Lan rừng xuống phố khoe sắc ảnh 2Gia Lai: Lan rừng xuống phố khoe sắc ảnh 3Gia Lai: Lan rừng xuống phố khoe sắc ảnh 4Gia Lai: Lan rừng xuống phố khoe sắc ảnh 5
Ngay từ 7 giờ sáng, cảnh mua bán lan rừng nhộn nhịp đã diễn ra trên cung đường này. Người bán chủ yếu là người dân tộc thiểu số, họ đem lan đi tìm được từ những cánh rừng ở cao nguyên đại ngàn xuống. Còn người mua thì đủ mọi tầng lớp nhưng đa số vẫn là những người chơi lan chuyên nghiệp.

Lan ở đây có đủ loại như: Lan Điệp, Hoàng Lan, Ngọc Lan, Thủy Tiên, Tim Anh, Hoàng Thảo Vạch Đỏ, Trúc Hương Duyên, Sa tô… Giá cũng theo đó có nhiều giá khác nhau từ dăm chục một ký lan, đến những loại lan giá tính bằng tiền triệu mỗi nhánh. Mặc dù bán vỉa hè, nhưng sau mỗi phiên người bán có thể thu cả triệu bạc từ bán phong lan rừng.

Khác với lan ở trong các vườn, lan rừng được bán ở đây là lan thô mộc, còn nguyên nhánh, nguyên cây, nguyên bó được đựng trong các bao tải rồi bày ra giữa vỉa hè bán theo ký. 

Người mua có thể tùy ý lựa chọn, giá cũng không phải mặc cả nhiều, ít khi người bán nói giá thách. Nguồn gốc khách cũng không phải lo vì đây là lan rừng thứ thiệt.

Người chơi lan chuyên nghiệp xem đây là địa chỉ tin cậy để bổ sung vào bộ sưu tập lan của mình nhiều loại lan quý. Còn người mới chơi thì với một số tiền vừa phải, họ có thể mua nhiều loại lan khác nhau về chưng và chăm sóc. Tại đây cũng xuất hiện nhiều người buôn, có khi gom nhiều loại lan đóng thùng chở về các tỉnh miền xuôi bán kiếm lời.

Anh Nguyễn Văn Đức ở phường Đống Đa (TP Pleiku), khách hàng quen thuộc của khu chợ lan ngoài trời chia sẻ: “Sáng nào tôi cũng tranh thủ ghé qua đây để tìm lan như thành thói quen. Có ngày tôi mua được mấy ký, có ngày thì chả mua được nhánh nào. 

Đến để thưởng thức là chính, chỉ khi tìm được loại lan tôi thích khi đó mới mua. Lan ở đây thì phong phú nhất, có phiên có hàng trăm loại thà hồ lựa chọn”.

Hành trình để những nhánh lan rừng này đến được phố là cả một chặng đường dài và vất vả của những người hái và bán lan. Chị Đinh Thị Len ở huyện Đức Cơ cho biết: 

Khi nào rảnh rỗi công việc trên nương rẫy, chồng chị và mấy người em lại lên rừng tìm lan. Mỗi chuyến đi kéo dài 3 đến 4 ngày, lan của chị lấy ở các khu rừng tỉnh Kon Tum. 

Giờ muốn lấy lan rừng phải đi vào tận rừng sâu, nhiều người đi lấy nên lan càng ngày càng hiếm. Muốn có lan đẹp, lan quý bán có giá thì người đi lấy lan rừng phải có tài đi rừng để vào tận rừng sâu, có khả năng leo trèo để trèo lên những thân cây cao lấy lan. 

Theo chị Len, bình thường sau mỗi chuyến đi rừng về chị đem xuống phố bán cũng kiếm được gần 1 triệu đồng. So với các nghề khác thì nghề lấy lan rừng về bán cùng có thu nhập kha khá. Tiền bán lan cũng đủ lo cho 4 đứa con được ăn học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ