Năm năm gần đây, huyện Chưprông, tỉnh Gia Lai đã có những chuyển biến tích cực trong thực hiện chương trình kiên cố hoá trường lớp học, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Ở các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện, các phòng lớp học tạm bợ bằng "tranh tre, nứa lá" đã cơ bản được "xóa".
Điểm trường làng Phìn thuộc trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (thị trấn Chưprông) là một trong những điểm trường được kiên cố hoá sớm nhất. 5 năm trước, điểm trường làng Phìn vẫn còn trong tình trạng tạm bợ, việc học tập của học sinh còn nhiều khó khăn, các bậc phụ huynh chưa "mặn mà" và yên tâm cho con em mình đến lớp. Nay trường lớp được xây dựng kiên cố và khang trang hơn, có bàn ghế để ngồi học, có thầy cô giáo tận tình, có sân chơi...nên việc học tập của học sinh đã từng bước đi vào nề nếp và chất lượng dạy và học hàng năm được nâng cao.
Điểm trường làng Phìn hiện có 5 lớp học (từ lớp 1 đến lớp 5) với 76 học sinh là người dân tộc thiểu số J"rai, sĩ số học sinh luôn được duy trì đủ trong suốt năm học; tình trạng bỏ học theo cha mẹ lên nương rẫy không còn như trước đây nữa. Anh Siu Mônh, phụ huynh ở làng Phìn tâm sự: Không riêng gì vợ chồng mình mà nhiều bà con trong làng trước đây không muốn cho con em mình đến lớp học chữ, bởi lớp học còn nhếch nhác quá. Nay thì yên tâm rồi, vợ chồng mình có 2 con đều cho đến lớp hết, một đứa thì học lên lớp 4 còn một đứa thì học lớp 2, đứa nào cũng thích học chăm ngoan và tiến bộ...
Không riêng gì ở các điểm trường làng, các trường trung học cơ sở (THCS) ở địa bàn các xã trong huyện cũng được đầu tư xây dựng và nâng cấp kiên cố hơn. Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (xã Ia Drăng) trước năm 2008 cũng chỉ có một số phòng học, phải bố trí cho học sinh học 2 ca, 3 ca và mượn tạm cơ sở của xã để làm các lớp học tạm. Nay trường đã có một cơ ngơi khá vững chãi với 8 phòng học và 7 phòng chức năng đều được xây dựng kiên cố.
Ngoài ra, nhà trường còn được trang bị đồng bộ 40 máy vi tính, 2 dàn đèn chiếu, lượng sách giáo khoa, tài liệu tham khảo cơ bản đủ cho giáo viên và học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 sử dụng. Năm học 2012 - 2013, trường THCS Đinh Tiên Hoàng đã thu hút được hơn 400 học sinh với 12 lớp học, trong đó có nhiều học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn làng theo học. Chất lượng dạy và học của nhà trường được nâng cao rõ rệt qua từng năm. Kết quả chỉ tính trong 2 năm học gần đây nhất, số học sinh đạt loại giỏi năm học 2010 - 2011 có 11 em, loại khá có 65 em thì trong năm học 2011 - 2012 đã có 35 em đạt loại giỏi và 117 em đạt loại khá.
Chưprông là huyện thuộc vùng sâu xa và có số đơn vị hành chính nhiều nhất tỉnh, với 20 xã, thị trấn và 180 buôn làng; trong khi đó dân số toàn huyện chỉ có hơn 100.000 người và có số dân là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 47,5%. Việc thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa giáo dục là cơ sở thúc đẩy nhanh việc kiên cố hóa các trường lớp học ở các xã và buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Chưprông. Ngoài việc tăng tốc đầu tư của Nhà nước và các nguồn lồng ghép khác với tổng mức vốn hơn 130 tỷ đồng trong 5 năm (2008 - 2012), huyện còn huy động sự đóng góp của người dân trên địa bàn.
Người dân ở một số buôn làng đã tự nguyện hiến đất để xây dựng trường lớp học, mở rộng đường đến trường với tổng diện tích hàng ngàn mét vuông và các loại hoa màu trên đất. Nhiều buôn làng còn tự lo việc đóng bàn ghế cho học sinh học sau khi có trường, có lớp được xây dựng kiên cố như ở một số buôn làng xã Ia Lâu, Ia Piơ...
Theo ông Bùi Viết Hội, Chủ tịch UBND huyện Chưprông, chương trình kiên cố hoá trường lớp học trên địa bàn huyện vẫn đang tiếp tục triển khai thực hiện trong nhiều năm tới để đảm bảo nơi học hành cho con em theo học trong môi trường tốt hơn. Từ nay đến năm 2015, bình quân năm huyện có kế hoạch đầu tư 2 - 3 tỷ đồng để củng cố, nâng cấp một số trường lớp học đang xuống cấp; xây mới 74 phòng học còn thiếu, trong đó có 39 phòng học dành cho các lớp học mầm non, còn lại là các phòng học dành cho bậc tiểu học. Huyện cũng tăng cường vận động bà con ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đưa con em trong độ tuổi đến lớp đạt 100%./.
(Theo TTXVN)