Gia Lai: Học sinh đam mê học đánh cồng chiêng, múa xoang

GD&TĐ - Thực trạng học trò bản địa “không biết múa xoang, quên nhịp chiêng trống” đã khiến cho nhiều nhà trường trăn trở và tìm cách truyền dạy văn hóa dân tộc thông qua những giờ ngoại khóa.

Một tiết học cồng chiêng, múa xoang tại THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa
Một tiết học cồng chiêng, múa xoang tại THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa

Nhiều lần thấy học trò tham gia các lễ hội nhưng không biết múa xoang, đánh chiêng… các giáo viên muốn làm cái gì đó giúp các em không quên bản sắc của mình.

Vì thế, các thầy cô Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa (Gia Lai) đã quyết tâm đưa cồng chiêng, múa xoang vào dạy trong nhà trường.

Trường đã phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Ia Pa và Trường Trung cấp Văn hóa- Nghệ thuật tỉnh Gia Lai để mời các nghệ nhân về dạy những kỹ năng, cách diễn tấu cồng chiêng, điệu múa xoang….

Hiện nay, lớp truyền dạy đánh cồng chiêng có 32 học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa tham gia. Đây chính là những em “hạt giống” sau này về truyền lại cho các bạn học cùng trường.

Không những vậy, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa còn tổ chức các cuộc trình diễn và thuyết trình về những trang phục truyền thống của dân tộc của mình. Ngoài ra, lồng ghép vào các buổi ngoại khóa thì nhà trường tổ chức vẽ tranh và làm các nhạc cụ của dân tộc. Vào các ngày lễ, nhà trường cho học sinh tham gia cùng với người dân địa phương đánh những bài chiêng, múa xoang đã học được.

Với người Tây Nguyên, điệu xoang được xem là “đặc sản” tinh thần không thể thiếu trong các lễ hội mừng chiến thắng, lúa mới hay bỏ mả. Đây là điệu múa của đám đông, thể hiện tính đoàn kết trong từng bước nhảy.

Lúc múa, mọi người được kết nối với nhau bằng ngón tay út, đi chân trần và di chuyển nhịp nhàng, đồng điệu kết hợp tay chân nhún đung đưa. Thường điệu xoang được đẩy lên cao trào khi đã chếch choáng men rượu cần bên ánh lửa bập bùng.

Em Rmah H’Lan (học sinh lớp 8) cho biết: “Trước kia, em không biết đánh chiêng hay múa xoang đâu. Cả làng cứ mỗi lúc có lễ hội, chỉ có các anh chị lớn tuổi mới biết đánh chiêng, múa xoang. Sau thời gian học tại trường, giờ đây em đã biết đánh chiêng và múa xoang.

Tại các lễ hội ở làng, em đã có thể tham gia múa xoang cùng người lớn. Hiện nay, em đang được giao dạy múa xoang cho các em ở lớp 6 và lớp 7. Còn những bạn nam đã được học trước đó sẽ dạy đánh chiêng”.

Tương tự, em Nay Co (học sinh lớp 7) chia sẻ: “Giờ em đã tự tin đánh được các bài như: Mừng lúa mới, Đi hái rau rừng, Hơ Rang lên rẫy, nhịp chiêng ngày mùa….

Ngoài các thầy cô dạy, những bạn đánh chiêng, múa xoang thành thạo cũng được bố trí dạy các bạn khác mới học. Chúng em thường xuyên được ôn luyện trong trường nên giờ có thể đánh và múa được thuần thục”.

Cô Võ Thị Thùy - Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa cho biết: Học sinh của trường 100% là người dân tộc thiểu số. Do đời sống xã hội có nhiều thay đổi nên nhiều nét bản sắc văn hóa bản địa có nguy cơ mai một. Việc đưa cồng chiêng, múa xoang vào trường học sẽ giúp các em hiểu biết và tự hào về dân tộc mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ