Gia hạn đào tạo thí điểm bộ chương trình chuyển giao từ Úc và Đức

Gia hạn đào tạo thí điểm bộ chương trình chuyển giao từ Úc và Đức

Về thời gian thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc gia hạn thời gian thực hiện nội dung đào tạo thí điểm theo các bộ chương trình chuyển giao từ Úc đến năm 2020 và đào tạo thí điểm theo các bộ chương trình chuyển giao từ Đức đến năm 2025 tại Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế" giai đoạn 2012-2015.

Theo Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, 12 bộ chương trình chất lượng cao cấp độ quốc tế đầu tiên của Việt Nam theo phương thức chuyển giao từ Úc đã được kiểm nghiệm trong thực tế qua việc đào tạo thí điểm và sẽ tiếp tục được triển khai tổ chức đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Qua triển khai đào tạo thí điểm, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của các trường tham gia thí điểm đào tạo được tăng cường, đồng bộ, hiện đại, bảo đảm đáp ứng theo quy định của học viện Chisholm và Chính phủ Úc; gần 300 nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tại Úc, có năng lực chuyên môn nghề nghiệp tốt, năng lực ngoại ngữ được nâng cao, đủ điều kiện giảng dạy các chương trình đào tạo chất lượng cao, trong môi trường quốc tế và trước mắt có thể thực hiện các khóa học, các chương trình tiếp theo chương trình chuyển giao.

Đội ngũ giáo viên được đào tạo tại Úc tham gia đào tạo chương trình chuyển giao sẽ trở thành những giáo viên hạt nhân, thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng nhân rộng cho đội ngũ nhà giáo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Tính đến tháng 12/2019 toàn bộ 41 lớp của 12 nghề đào tạo thí điểm đã hoàn thành chương trình đào tạo với 724 sinh viên tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 100% trong đó tỷ lệ tốt nghiệp xếp loại khá giỏi chiếm 90%.

Về đào tạo thí điểm theo các bộ chương trình chuyển giao từ Đức, để chuẩn bị cho chương trình đào tạo thí điểm, đến nay, 264 giảng viên của 45 trường được cử đi đào tạo tại Đức đã hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề đạt tiêu chuẩn của Đức, sẵn sàng bắt đầu giảng dạy 66 lớp tại 45 trường từ tháng 11/2019. Công tác tuyển sinh các lớp thí điểm tại các trường cơ bản đã hoàn thành.

Kết quả kiểm định cho thấy, hầu hết các trường thực hiện thí điểm đều đạt các tiêu chí kiểm định của Đức, một số trường được chuyên gia Đức đánh giá cao về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo như: Trường cao đẳng quốc tế Lilama 2, Trường cao đẳng cơ điện Hà Nội và Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, các trường đào tạo khối nghề du lịch...

Theo Chinhphu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ