Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai: Một chủ trương đúng

GD&TĐ - Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai là một hướng đi không chỉ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, cách làm này còn thay đổi cách nghĩ của người dân trong việc chủ động sử dụng phương tiện tránh thai.

Bà Đồng Thị Thùy Tính đang tiêp thị các biện pháp tránh thai cho anh Phạm Văn Nhân
Bà Đồng Thị Thùy Tính đang tiêp thị các biện pháp tránh thai cho anh Phạm Văn Nhân

Thay đổi nhận thức: Từ bao cấp sang mua bán

Kể từ khi có chủ trương xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, vợ chồng anh Phạm Văn Nhân – 37 tuổi ở phường Tích Sơn (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) hoàn toàn ủng hộ và không ngần ngại chủ động mua bao cao su và thuốc tránh thai.

Anh cho biết: Vợ chồng anh cũng được các cán bộ dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tuyên truyền về chủ trương này nên rất đồng tình và cho rằng đây là một chủ trương đúng, kịp thời của Nhà nước.

“Tôi nghĩ đây là một chủ trương đúng và lẽ ra cần phải được thực hiện từ lâu. Người dân không thể cứ mãi trông trờ, ỷ lại vào Nhà nước, đã đến phải thay đổi cả hành vi và nhận thức trong lĩnh vực này ” – anh Nhân chia sẻ.

Theo bà Đồng Thị Thùy Tính – cộng tác viên dân số khu Vĩnh Thụy 3, phường Tích Sơn (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), khu vực bà phụ trách hiện có 225 chị em trong độ tuổi từ 15 đến 59 tuổi.

Vì số người trong độ tuổi sinh đẻ khá là đông, nên để thực hiện thành công chủ trương xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, việc đầu tiên bà xác định là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, của người dân từ “bao cấp, miễn phí” sang “mua, bán” phù hợp với khả năng chi trả và điều kiện của bản thân.

Theo đó, ban đầu bà đăng ký với Trung tâm DS-KHHGĐ TP Vĩnh Yên bán 10 hộp bao cao su/tháng. Vừa bán, vừa tuyên truyền đến người dân để người dân hiểu, cảm thông và sẻ chia.

Cùng với đó, bà phối hợp với một số hiệu thuốc bán lẻ trên địa bàn nhằm cung ứng kịp thời cho người dân các phương tiện tránh thai. Mục đích là để người dân được tiếp cận với các sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý một cách nhanh, thuận tiện và hiệu quả.

Từ cách làm này mà khu Vĩnh Thụy 3 – địa bàn bà phụ trách nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên. Hầu hết các cặp vợ chồng đều sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn.

Đa dạng, linh hoạt kênh “bán hàng”

Ông Nguyễn Phi Anh 

Liên quan đến chủ trương xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, ông Nguyễn Phi Anh – Phó Giám đốc Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc – cho biết:

Việc cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản đến được tay người người dân theo kênh của cộng tác viên đã mở ra một hướng đi mới và bước đầu đã đặt được hiệu quả đáng khích lệ.

Bởi chính các cộng viên dân số ở cơ sở mới là người gần gũi nhất với quần chúng nhân dân địa phương, nên dễ hiểu, dễ nắm bắt được tâm lý của họ, từ đó mới có giải pháp đúng và trúng nhằm biến chủ trương thành hiện thực.

Cũng theo ông Phi Anh, ngoài phát triển theo kênh mạng lưới cộng tác viên hiện, Chi cục cũng phối hợp với một số đại lý, hiệu thuốc và các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn để tiếp thị và bán các sản phẩm là phương tiện tránh thai như: Bao cao su, thuốc tránh thai…. Đây cũng là kênh góp phần đáng kể trong quá trình thực hiện chủ trương xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai.

Nhờ các giải pháp đồng bộ mà trong năm 2016, dự kiến có khoảng 159.575/240.629 nam, nữ thanh niên trong độ tuổi được tư vấn và cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản – KHHGĐ, đạt 132,6% kế hoạch năm.

Tổng số người mới sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ước tính có khoảng 69.429 người, đạt 106,8% kế hoạch năm tăng 2.156 người so với năm 2015.

Nhằm phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc sẽ chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong thực hiện các hiện biện pháp tránh thai từ chỗ cấp phát miễn phí sang mua, bán các sản phẩm có chất lượng.

Đồng thời, tiếp tục củng cố và phát triển mạng lưới cung ứng phương tiện tránh thai và dịch vụ. Chẳng hạn như: Huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, tư nhân thuộc các thành phần kinh tế theo phân khúc thị trường.

Đặc biệt là coi trọng nâng cao năng lực cho công tác viên, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ nhằm thực hiện xã hội hóa cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS đạt hiệu quả cao nhất.

Mục tiêu đến hết năm 2017, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai đạt 73%; tỷ lệ các thanh niên, ác cặp nam –nữ chuẩn bị kết hôn được tư vấn, cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản KHHGĐ đạt 60% và đến năm 2020 là 100%.

Theo thống kê của Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc, hiện số phụ nữ đặt vòng tránh thai mới khoảng 13.594 người, đạt 104,6% so với kế hoạch, tăng 371 (tăng 2,8%) người so với năm 2015. Số người triệt sản mới là nữ là 64 người, đạt 128% kế hoạch năm và 14 người so với năm trước.

Số người mới cấy thuốc tránh thai 36 người, số người uống thuốc tránh thai là 28.571 người, đạt 109,2% so với kế hoạch năm. Số người uống và tiêm thuốc tránh thai đạt trên 30.000 và người sử dụng bao cao su là 25.967 người đạt 105,7% so với kế hoạch năm và tăng 2.043 người so với năm 2015.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ