Về nhà hỏi trẻ

GD&TĐ - Chiều, khuôn viên bệnh viện nắng gắt. Người phụ nữ chừng ba mươi tuổi gục xuống gốc cây, vừa như hối hận, vừa như phẫn uất, vừa không biết đi đâu lúc này, bởi nhiều ánh mắt trách móc chĩa về chị. Trong khi ấy, chồng chị ôm thành ghế phòng chờ cấp cứu khóc lóc, nói mãi một câu “Mẹ ơi, xin mẹ tỉnh lại, nếu không con cũng chỉ có thể chết thôi”.

Về nhà hỏi trẻ

Bác sĩ đang cấp cứu rửa ruột cho một bà cụ ngoài sáu mươi. Người ta đưa bà tới khi toàn thân đã mềm rũ, hai tay buông thõng, miệng sùi đầy bọt. Có lẽ bà đã dùng thuốc độc để quyên sinh. Thành là con trai duy nhất của bà cụ. Còn Phương, người phụ nữ gục mặt vào gốc cây kia là con dâu của bà.

Mẹ chồng nàng dâu vốn chẳng ưa nhau nhưng lại chẳng thể ở riêng, bởi “nhà con một, bố đã mất, ra ở riêng còn mặt mũi nào”.

Nhiều lần Phương về, thấy mẹ chồng đưa thìa bột của cháu lên ăn. Cô nghĩ sao mẹ lại ăn thức ăn của cháu nhưng chỉ hậm hực không hỏi thẳng. Thằng bé thì ngày càng còi cọc. Nhiều lần chị hỏi con thì con bảo “Bà ăn cháo của con, bà bảo ngon lắm”. Vì hai mẹ con vốn nghi kỵ nhau nên chị cũng hay truy vấn con về mẹ chồng. Chị hỏi “Bà có đánh con không?”, “Hôm nay bà có tắm cho con không?”… Và chị tin tất cả những câu trả lời của con, bởi “trẻ con không biết nói dối”.

Lúc thì thằng bé bảo “Bà dọa đánh con, bà bảo sẽ đánh đau lắm”. Lúc nó bảo “Bà đói lắm, con không ăn cháo là bà ăn hết”. Lúc thằng bé kể “mẹ Phương hư”, khi nó mách “Bà bảo mẹ đĩ”… Vốn đã không ưa mẹ chồng, nghe con nói, chị càng thấy khó chịu, cảm giác không thể đội trời chung.

Hai mẹ con bình thường đã chẳng có lời gì vui vẻ với nhau. Hôm ấy chị về nhà sớm hơn, đúng lúc thấy mẹ chồng đưa muỗng xúc cháo cho cháu lên ăn. Phương hỏi con “cháo ngon không”, thằng bé mách “bà nội ăn rồi, hết rồi”. Thế là Phương đã mát mẻ “Cứ thế này thì con với cháu lớn làm sao được. Giờ mới biết vì sao con mình cứ còi cọc mãi”. Rồi chị nói với ai đó qua điện thoại “Tôi phải gửi con đi mẫu giáo thôi, để cô giáo chăm, chứ cứ ở nhà thì chả lớn được, có ít thức ăn cũng có người ăn tranh, tham với ai đi tham cả với cháu. Mình đã vất vả kiếm tiền nuôi dưỡng, giờ đến phần của cháu cũng…”.

Mẹ chồng cô nghe thấy, vừa buồn vừa tủi thân, vừa cay đắng. Nào ngờ bà nghĩ quẩn. Khi sáng thức dậy không thấy mẹ trong bếp như mọi khi, Thành gõ cửa mới hoảng hốt thấy mẹ mềm nhũn ủ rũ trên sàn. Trên sàn nhà, có tờ giấy vỏn vẹn vài chữ “Mẹ có ác thì cũng không ăn cả thức ăn của cháu”.

Thành nhìn vợ với ánh mắt đầy tức giận. Anh thề “Sau lần này chúng ta chỉ còn nước ly hôn thôi”.

Lúc mẹ tỉnh lại, được về phòng bệnh, Thành quỳ xin lỗi “Mẹ, xin tha lỗi cho con. Nhất định con sẽ ly hôn, con sẽ chăm sóc mẹ tốt. Tại con đã mù quáng nhiều năm…”. Còn Phương chỉ biết lấp ló ở cửa phòng bệnh. Nhưng mẹ Thành đã nói “Mẹ sai rồi, mẹ nghĩ quẩn mà làm khổ con. Còn vợ con, nếu sai thì dạy, vợ chồng sao dễ nói ly hôn được, cũng tại mẹ và vợ con không biết chia sẻ với nhau”.

Hóa ra bao nhiêu điều thằng bé nói là thật mà lại không đúng sự thật. Nó bảo bà đói, bà ăn cháo là đúng, mẹ chồng chị có nói thế, nhưng là lúc dỗ dành cháu ăn, bà dọa “Bà đói lắm, cháu không ăn là bà nội ăn hết, bà nội ăn hết là Cún đói đấy”, “Cháo của Cún ngon lắm này, bà ăn ngon lành nhé”.

Bà có bảo mẹ đĩ, là vì “Mẹ đĩ đi làm kiếm tiền nuôi Cún, Cún ngoan, không được khóc nhé”, và “mẹ đĩ” là cách gọi quen thuộc phổ biến chẳng ám chỉ gì gay gắt của quê bà cụ.

Bà cũng nói “Mẹ Phương hư, bố Thành hư, đánh chừa mẹ Phương, bố Thành này, bắt Cún đợi mãi không về nhà này” khi dỗ dành cháu. Và bà cũng có ăn cháo của cháu thật, nhưng đó là vì khi cháu ăn không hết, còn thừa, đổ đi thì phí, và người xưa nói đổ thức ăn đi thì trẻ càng chậm lớn nên bà “vét nốt” những thìa cuối cùng trong bát thức ăn của cháu.

Vốn đã không ưng mẹ chồng nên những lời kể của con càng khiến Phương nghĩ rằng bà chẳng tốt đẹp gì với mình. Cô không nhận ra rằng trẻ con không nói dối nhưng chúng không phân biệt được hiện tượng với bản chất, cũng những ngôn từ ấy nhưng ngữ cảnh khác nhau, âm điệu khác nhau thì tính chất yêu ghét đã hoàn toàn khác nhau.

Và thật tiếc là hai mẹ con họ đã không chủ động chia sẻ giải quyết nghi ngờ, hiểu lầm, mà cứ âm thầm nghi kỵ nhau. Nếu họ trao đổi thẳng thắn với nhau, có lẽ nhiều hiểu lầm đã được giải tỏa, không tích tụ thành uất hận như vậy.

Có lẽ gia đình họ vẫn còn phước lớn nên bà cụ mới tỉnh lại. Nếu không sự đổ vỡ chắc chắn sẽ có và nỗi ân hận ấy biết sao gột rửa, đứa trẻ sau này lớn lên vô tình nghe lại chuyện đó, nó cũng sẽ ân hận biết bao.

Lúc ấy thì sai lầm của người lớn đã vô tình tạo ra niềm ân hận cho cả con trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ