Trẻ tiếp thu chậm cần có sự hỗ trợ đặc biệt

GD&TĐ - Không phải đứa trẻ nào đến tuổi đi học đều có thể bắt nhịp với việc truyền thụ tri thức của thầy, cô giáo cũng như ý thức được vai trò, nhiệm vụ của việc học tập. Có những trẻ tiếp thu rất chậm khiến cha mẹ luôn đau đầu.

(ảnh minh họa)
(ảnh minh họa)

Tuy nhiên, thay vì xấu hổ, tức giận khi con có kết quả học tập chưa tốt, điều mà cha mẹ cần làm đó là kiên nhẫn, ân cần chỉ dạy để giúp trẻ tiếp thu chậm phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh thực sự của mình.

Trẻ gặp khó khăn trong học tập

Trẻ  chậm phát triển thường là trẻ thường gặp khó khăn trong các yêu cầu của hoạt động học tập với các biểu hiện như khả năng tập trung, chú ý nghe giảng kém, hay quên kiến thức, thiếu sự chủ động trong học tập và kết quả học tập thường sa sút.

Đối với trẻ bị đánh giá là tiếp thu chậm thường có các biểu hiện về cảm xúc tiêu cực như “e ngại”, không hào hứng chia sẻ việc học tập với bạn bè, thầy cô, cha mẹ. Khi thầy cô, cha mẹ yêu cầu làm bài, học bài thì trẻ ngồi vò đầu, bức tóc hàng giờ, loay hoay đủ kiểu nhưng vẫn không làm xong bài tập về nhà, hoặc trẻ sẽ viện lý do như “Thầy cô không giao bài về nhà” hay “Em để quên vở bài tập ở nhà”… để ứng phó khi bố mẹ, thầy cô kiểm tra.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Vân Anh, học sinh lớp 3 Trường tiểu học Đại Kim (Hà Nội) cho biết: “Cứ mỗi khi đến giờ làm bài tập là con thỏa thuận với mẹ con chỉ làm 2 bài tập Toán thôi, hoặc con chỉ viết bài chính tả thôi. Nếu bảo con đi vào học bài thì con đi lại loanh quanh hết uống nước, tìm sách, con không tập trung vào việc học”.

Tìm biện pháp hỗ trợ trẻ

Chia sẻ về vấn đề này, ThS. Hà Thị Minh Chính, giảng viên Tâm lí giáo dục Trường ĐH Thủ Đô Hà Nội cho biết, để trẻ có hứng thú học tập thì một trong những nhiệm vụ quan trọng của cha mẹ là phải phối hợp cùng với nhà trường giúp đỡ con học tập ở nhà, có như vậy mới nắm bắt được tình hình học tập của con cũng như chương trình học tập ở trường để kịp thời động viên, hỗ trợ con trong học tập, khắc phục những khó khăn trong học tập mà con gặp phải.

Cha mẹ cần phối hợp với các GV tìm ra cách thức, các biện pháp hỗ trợ trẻ và như vậy trẻ sẽ không sợ học và coi việc học là một nhiệm vụ mà trẻ tự nguyện tham gia. Cha mẹ thay vì cảm thấy xấu hổ thất vọng khi con có kết quả học tập chưa tốt, thì điều cần làm đó là kiên nhẫn, ân cần chỉ dạy để giúp trẻ từ từ tiếp thu kiến thức, phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh thực sự của mình.

Cô giáo Nguyễn Thị Nhài, GV Trường tiểu học Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, bản thân tôi trong quá trình giảng dạy cũng tiếp xúc rất nhiều với học sinh được đánh giá là tiếp thu kiến thức chậm, để tạo điều kiện cho các em tự tin trong học tập, tôi cũng đưa ra những câu hỏi phù hợp và khuyến khích các em đó trả lời.

Các em bị đánh giá tiếp thu kiến thức chậm, không phải ở môn học nào các em cũng tiếp thu chậm, vì vậy thầy cô, cha mẹ cần động viên và tìm ra cách thức hỗ trợ, động viên các em thì tôi nghĩ tình hình học tập sẽ được cải thiện đáng kể”.

Theo ThS. Hà Thị Minh Chính, mỗi đứa trẻ đều có tiềm năng riêng, có những trẻ mạnh về môn Tiếng Việt đọc hiểu, trong khi các trẻ khác lại giỏi hơn ở môn Toán với các con số, và có trẻ khác lại được đánh giá có khả năng đặc biệt ở bộ môn năng khiếu như nhạc, họa và các hoạt động vận động. Vì vậy, hãy để trẻ tự do phát triển đúng với thế mạnh của mình, trong tình yêu thương đong đầy và sự ủng hộ hết lòng của cha mẹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ